Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VTC nói không dàn dựng vụ học sinh hút shisha

Chiều 2/4, ông Hoàng Trọng Hiếu, phó ban biên tập VTC14 - Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, đã khẳng định không có việc dàn dựng trong phóng sự về nạn hút shisha của học trò HN.

- Trong phóng sự “Khi áo trắng học sinh chìm trong khói trắng ” của VTC14, có hay không sự dàn dựng để làm phóng sự đó?

- Khi áo trắng học sinh chìm trong khói trắng shisha là một chương trình có mục đích cảnh báo về hiện tượng sử dụng shisha trong giới trẻ, nhất là học sinh và hiểm họa của nó. Khi phóng viên tác nghiệp và tìm hiểu thông tin, đã nhận được sự đồng ý tham gia ghi hình cảnh sử dụng shisha của một số học sinh.

Các em là những học sinh cho biết đã có sử dụng shisha trước đó. Phóng viên đã trao đổi với các nhân vật rằng đây là chương trình cảnh báo về một hiện tượng tiêu cực, các học sinh có thể cân nhắc việc ghi hình và trả lời phỏng vấn, các học sinh vẫn sẵn sàng thực hiện việc ghi hình.

Nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên và học sinh.

- Nếu đã là sự dàn dựng thì đây có được coi là phóng sự điều tra của VTC hay không? Vì sao VTC lại gửi văn bản đến trường học và Sở GD-ĐT Hà Nội? 

- Đây không phải là phóng sự dàn dựng. Chương trình này mang tính chất cảnh báo về một hiện tượng tiêu cực trong đời sống giới trẻ, với sự tham gia tự nguyện của người thật việc thật. Chúng tôi chưa bao giờ coi đây là phóng sự điều tra. 

Sau khi chương trình phát sóng, chúng tôi nhận được thông tin nhà trường có thể xử lý nặng đối với những học sinh xuất hiện trong chương trình. Đó là lý do chúng tôi gửi văn bản cho trường với mong muốn nhà trường xem xét việc này ở mức độ phù hợp, giúp các em nhận thức được vấn đề hơn là xử lý theo cách đuổi học.

- Phóng viên Mai Anh Thư giải thích với VTC14 như thế nào về sự việc nêu trên?

- Phóng viên tập sự Mai Anh Thư đã có báo cáo giải trình chi tiết, với các thông tin có thể kiểm chứng về quá trình tác nghiệp.

Chúng tôi đã rà soát quy trình tác nghiệp và nhận thấy rất đáng tiếc ở điểm khi xử lý kỹ thuật hậu kỳ, những người thực hiện đã không áp dụng thủ thuật kỹ thuật để làm mờ nhận diện cá nhân đối với hình ảnh của nhân vật tham gia ghi hình, nhất là các em còn là học sinh, xuất hiện trong một bối cảnh nhạy cảm.

Đây là bài học nghiệp vụ sâu sắc của cả phóng viên và êkip thực hiện, phê duyệt chương trình.

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20150403/vtc14-co-dan-dung-khong/729128.html

Theo Vũ Viết Tuân/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm