Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ 10 năm oan sai ở Bắc Giang: ĐBQH đồng loạt lên tiếng

"Phải nói rằng không có nền tư pháp nào chính xác 100%, nhưng để lọt những cái sơ đẳng này tôi cho là do việc tranh tụng ở tòa chưa được thấu đáo", Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.

 ĐBQH - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Ngành tòa án phải chịu trách nhiệm.

"Vụ án Nguyễn Thanh Chấn đã có bản án, nên trách nhiệm thuộc về ngành tòa án. Tiền bồi thường (đối với án oan sai) lấy từ ngân sách. Còn cá nhân để xảy ra sự việc có trách nhiệm phải bồi hoàn. Phải nói rằng không có nền tư pháp nào chính xác 100%, nhưng để lọt những cái sơ đẳng này tôi cho là do việc tranh tụng ở tòa chưa được thấu đáo".

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.

Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang: Phải điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến oan, sai.

Sắp tới, vụ việc liên quan đến phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn, TAND Tối cao sẽ xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm.

Nếu tòa kết luận phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội oan thì phải kịp thời minh oan, khôi phục đầy đủ quyền lợi hợp pháp, bồi thường nhà nước cho người bị kết tội oan; điều tra, xử lý nghiêm người phạm tội; đồng thời, phải điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến oan, sai, xác định trách nhiệm, xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn theo quy định của pháp luật.            

ĐBQH Dương Trung Quốc: Câu chuyện này rung động chúng ta là bởi nó lật lại một loạt vấn đề về cơ chế, về trách nhiệm.

Tôi nói rằng, sau khi sắp tới mà xét xử, kết án đúng người, đúng tội và phải giải oan cho ông Chấn thì chắc chắn đi cùng với đó là việc đền bù. Mà đền bù chính là công quỹ nhà nước đền bù, chứ không phải những người làm sai đền bù. Rõ ràng ở đây có bài toán kinh tế của các ngành nữa.

ĐBQH - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Ép cung là sai luật.

Trong đường lối xử lý hình sự của chúng ta, một điều rất quan trọng là không được để lọt tội phạm, nhưng kiên quyết không để oan sai cho người dân. Về dấu hiệu ép cung, dùng nhục hình; theo quy định pháp luật, nếu có trường hợp bị ép cung là cơ quan chức năng làm trái pháp luật. Cần có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả vấn đề này để pháp luật được thực thi mọi lúc, mọi nơi.

ĐBQH - luật sư Trương Trọng Nghĩa: Chứng cứ hiển nhiên bị bác bỏ, phải xem nguyên nhân gì?

Nếu trong vụ này đã có chứng cứ rõ ràng, cung cấp cho cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án rằng ông này có bằng chứng ngoại phạm, nhưng chứng cứ hiển nhiên đó lại bị bác bỏ thì phải xem nguyên nhân gì: Do cố tình thiên vị hay vô cảm với quyền của bị can, bị cáo hay cố tình bảo vệ kết quả bức cung, thậm chí có tiêu cực...

Nhưng quan trọng nhất trong câu chuyện đó là phải bảo đảm quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giam, tạm giữ được có luật sư ngay từ giai đoạn đầu và được đối xử theo nguyên tắc suy đoán vô tội một cách triệt để, hết sức tạo điều kiện giám sát để loại trừ hành vi bức cung và dùng nhục hình dưới mọi hình thức khác nhau.

Theo Lao Động

Bạn có thể quan tâm