Lộ nhiều băng nhóm tội phạm
Theo KhMer Times, ngày 23/8, Cảnh sát Campuchia tổ chức ra quân chiến dịch trấn áp buôn người ở Sihanoukville. Lực lượng này đã bắt giữ 5 nghi phạm mang quốc tịch Trung Quốc từ đơn kêu cứu của một phụ nữ người Malaysia. Cảnh sát địa phương cho biết Sihanoukville đã trở thành "mỏ vàng" cho các nhà phát triển và kinh doanh cờ bạc Trung Quốc.
Đây là trung tâm thương mại lớn nhất, nó cũng trở thành điểm nóng của bọn tội phạm. "Ngay khi nhận được đơn kêu cứu của phụ nữ trên, chúng tôi phát hiện, người này bị giam cầm tại một công ty ở Sihanoukville nên tiến hành giải thoát nạn nhân. Tính đến nay, cảnh sát bắt được 8 đối tượng, thu giữ một khẩu súng", đại diện chính quyền địa phương trả lời báo chí.
Đến 1h30 ngày 26/8, lực lượng này đã truy xét, truy bắt một đối tượng mua bán vũ khí và 3 nghi phạm (2 người Campuchia và một người Trung Quốc), thu giữ 2 súng cầm tay (Matrayet và Kalidou), một súng AK, 3 súng ngắn, một khẩu ZORAKI, một khẩu SIG SAURER, 265 viên đạn..
Campuchia đang triển khai một hoạt động quy mô lớn nhằm giám sát nơi cư trú của người nước ngoài cũng như kiểm tra tính hợp pháp và tìm ra các mục tiêu liên quan đến mua bán người. Từ ngày 1/1 đến 20/8, cảnh sát đã giải cứu khoảng 865 người nước ngoài khỏi nạn mua bán người trong 87 trường hợp, bắt 60 nghi phạm mua bán người trong 17 trường hợp đã bị đưa ra tòa.
Lực lượng truy quét kiểm tra tang vật. |
Kết quả nghiên cứu và thẩm vấn cho thấy những người nước ngoài bị lừa qua mạng xã hội rồi vượt biên trái phép vào Campuchia với hứa hẹn làm việc nhẹ, lương cao. Các nạn nhân không chỉ ở Sihanoukville mà còn ở Kandal, Svay Rieng, các thị trấn biên giới Thái Lan, những thành phố ven biển Kampot, Kep và cả thủ đô Phnom Penh.
Một quan chức tham gia cuộc truy quét cho hay: "Các nạn nhân đang làm việc trong một sòng bạc nhưng thực tế nơi đó cũng là nơi thực hiện các hoạt động bất hợp pháp khác như mua bán người, lừa đảo tình ái, dụ dỗ qua các cuộc gọi điện video và ghi âm bí mật về một số hành vi dâm ô, gian lận thẻ tín dụng, lừa đảo và sao chép các trang web của chính phủ cũng như cung cấp tài chính gian lận...
Những kẻ lừa đảo có thể đóng giả là ngân hàng, người thu nợ hoặc nhà đầu tư với những lời đề nghị được thiết kế để lấy cắp thông tin tài chính của bạn. Các cuộc điều tra của chúng tôi dựa trên cơ sở nhận biết rộng rãi, các cuộc phỏng vấn sâu rộng các nạn nhân được cho là đã được giải cứu, theo dõi lại chuỗi cung ứng "hàng hóa người" dựa trên thông tin thu được từ các nạn nhân và nghi phạm trong nhóm...
Bọn tội phạm đã mua bán và chuyển họ từ công ty này sang công ty khác, hoặc từ nhóm này sang nhóm khác mà không có sự đồng ý của họ. Và trong một số trường hợp, họ phải chịu bạo lực và đe dọa nếu không tuân theo lệnh của bọn tội phạm".
Các nạn nhân người Indonesia làm thủ tục về nước. |
Các nạn nhân cần giúp đỡ
Tính đến nay, 25 người Việt trả về nước, trong đó 11 người làm việc cho sòng bạc Golden Phoenix Entertainment, tỉnh Kandal, Campuchia. Tính từ đầu năm 2021 đến tháng 8/2022, Lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia đã hỗ trợ, phối hợp giải cứu hơn 600 người Việt Nam bị đưa sang lao động bất hợp pháp ở Campuchia.
Điển hình, ngày 19/4, khoảng 30 người Việt Nam tháo chạy khỏi khu nhà do người nước ngoài quản lý tại tỉnh Preak Sihanouk. Lãnh sứ quán kịp thời giải cứu họ. Cuối tháng 4, lãnh sứ quán phối hợp với chính quyền tỉnh Preak Sihanouk giải cứu gần 300 nạn nhân khỏi cơ sở lao động bất hợp pháp của người nước ngoài. Vài hôm sau, chính quyền tỉnh Preak Sihanouk đã điều rất đông cảnh sát bao vây khu nhà, giải cứu thêm 270 lao động Việt Nam cùng nhiều công dân nước ngoài.
Trong số 270 lao động được đưa từ Việt Nam sang làm việc trong cơ sở bất hợp pháp này, chỉ có 50 lao động có giấy tờ đầy đủ, còn lại trên 200 lao động không có đầy đủ giấy tờ, vi phạm luật pháp Campuchia thì được giữ tại chỗ để chờ nhận lệnh trục xuất. Công an tỉnh An Giang xác nhận theo lời của các nạn nhân, có khoảng 2.000 người Việt đang bị giam lỏng tại các sòng bạc.
Cảnh sát Campuchia thu giữ vũ khí khi truy quét băng mua bán người |
Cảnh sát Hong Kong nghi ngờ 22 người vẫn đang bị giam giữ trái ý muốn ở Campuchia. Họ cho rằng: "Trước đó, 11 nạn nhân của vụ lừa đảo ở Hong Kong đã trở về an toàn. Ba người quyết định không quay lại Hong Kong ngay". Ngày 22/8, Cảnh sát Hong Kong đã bắt giữ 5 người địa phương bị tình nghi là thành viên xương sống của tổ chức lừa đảo. Các đối tượng này đã đăng bài tuyển dụng những công việc lương cao, không đòi hỏi nhiều trên mạng nhưng thực chất là lừa đảo.
Khi nạn nhân đồng ý, các đối tượng tịch thu hộ chiếu của nạn nhân ngay khi họ đến sân bay sang Campuchia để giam lỏng họ ở khách sạn. Sau đó, bọn tội phạm sẽ buộc các nạn nhân làm việc trong một trung tâm cuộc gọi lừa đảo tội phạm. Các nạn nhân buộc phải dụ những người khác trở thành mục tiêu tiếp theo của bọn tội phạm. Cảnh sát cho biết nếu các nạn nhân không tuân theo, họ bị tra tấn, lạm dụng và hành hung một cách vô nhân đạo cho đến khi đồng ý làm việc cho các tổ chức lừa đảo.
"Nhiều nạn nhân trong số này đã được cứu sống nhờ sự hỗ trợ hào phóng từ các đại sứ địa phương của Trung Quốc và Chính phủ Bắc Kinh tại Campuchia", Cảnh sát Hong Kong cho biết. Ngoài ra, một số nạn nhân tự trốn thoát hoặc trả một khoản tiền chuộc "khổng lồ" để được tự do. Tương tự, giới chức Đài Loan cũng lo âu. Theo thống kê, hơn 5.000 công dân Đài Loan đang mắc kẹt tại Campuchia.
Sẽ phạt nặng doanh nghiệp vi phạm
Trước làn sóng phản ứng kịch liệt của dư luận, chính quyền tỉnh Preah Sihanouk cho biết các doanh nghiệp vi phạm sẽ bị buộc đóng cửa, trong khi những cá nhân vi phạm sẽ bị bắt giữ và trừng phạt nghiêm khắc.
Theo báo cáo, số vụ mua bán, giam giữ người bị phát giác ngày càng tăng lên tại tỉnh này. Chính quyền Preah Sihanouk quyết định một công tố viên sẽ dẫn đầu cuộc điều tra, liên kết các cơ quan chuyên môn cùng phối hợp bắt giữ, buộc tội và trừng phạt những kẻ phạm tội.
Theo đó, đối với những nơi có lao động cưỡng bức, mua bán người và giam giữ trái phép, doanh nghiệp phải đóng cửa, trong khi thủ phạm và đồng bọn phải bị đưa ra trước công lý của luật pháp mà không được phép có ngoại lệ. Thiếu tướng Chuon Narin, Cảnh sát trưởng Preah Sihanouk, cho biết chính quyền đã có nhiều nỗ lực đối phó với loại hình tội phạm này trước đây, nhưng nay sẽ đẩy mạnh công tác quét sạch tội phạm.
Năm 2019, ngành cờ bạc trực tuyến tại Sihanoukville đã thu được hàng tỷ USD lợi nhuận hàng năm, sử dụng hàng chục nghìn lao động. Năm 2020, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố cấm cờ bạc trực tuyến. Tuy nhiên, các mạng lưới tội phạm liên quan đến cờ bạc trực tuyến và lừa đảo vẫn xuất hiện ở quốc gia Đông Nam Á này.
Các mạng lưới này chủ yếu do người Trung Quốc cầm đầu, song cũng có những đường dây do người từ các quốc gia Đông Nam Á điều hành. Đặc biệt, thời gian dịch bệnh Covid-19, loại hình kinh doanh, cá cược, chơi games online "mọc" lên. Cùng với đó là nhiều lao động từ các nước đến Campuchia nói chung và Sihanoukville nói riêng làm việc, trong đó có nhiều lao động bất hợp pháp.
Thông qua mạng xã hội, những kẻ mua bán người đang nhắm đến những người trẻ châu Á, hứa hẹn "việc nhẹ lương cao" ở các nước như Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Lào. Nhóm tội phạm chọn Campuchia, đặc biệt là thành phố Sihanoukville. Khi đến đây, các nạn nhân bị tịch thu hộ chiếu. Họ bị bán cho những nhóm khác nhau và bị buộc làm việc cho các công ty chuyên lừa đảo qua điện thoại hoặc trực tuyến. Nhóm nạn nhân lớn nhất dường như đến từ Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan. Để nạn nhân sập bẫy, bọn chúng thuê người Việt tuyển dụng người Việt.