Đó là khẳng định của ông Phan Văn Định - Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND quận Bình Thạnh (TP.HCM) tối 28/4 khi được hỏi về vụ khám xét, thu giữ ngoại tệ và niêm phong 559 lượng vàng tại nhà bà Nguyễn Thị Thanh Mai (giám đốc Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu vàng Hoàng Mai, đường Bùi Hữu Nghĩa, phường 2, quận Bình Thạnh).
- Nếu chưa có vụ việc mua bán ngoại tệ trái phép bị bắt quả tang thì quyết định khám xét hành chính của chủ tịch UBND quận Bình Thạnh dựa trên cơ sở nào, để tìm kiếm, thu giữ tang vật gì?
- Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh ra quyết định khám xét căn nhà của bà Mai là dựa trên đề xuất của cơ quan chuyên môn là công an quận Bình Thạnh. Căn cứ để chủ tịch UBND quận ra quyết định khám xét được quy định tại điều 129, Luật xử lý vi phạm hành chính. Tìm kiếm tang vật gì thì phải dựa vào hành vi vi phạm có trong hồ sơ của công an quận Bình Thạnh đề xuất, mà hồ sơ nghiệp vụ của ngành công an là tài liệu mật, chúng tôi không thể công khai ra được.
- Công an quận Bình Thạnh trả lời rằng chỉ khi có vụ việc bắt quả tang mới xin lệnh khám xét, và do ghi nhầm ngày từ ngày 24 thành 23 chứ không phải có lệnh khám trước. Ông giải thích thế nào về điều này?
Công an Q.Bình Thạnh thống kê, niêm phong vàng tại tiệm vàng Hoàng Mai ngày 24/4. |
- Việc ghi nhầm ngày là có. Theo văn bản đề xuất của công an quận vào ngày 22/4, văn bản này phải qua cơ quan tham mưu kiểm tra, thẩm định mới trình chủ tịch quận ký. Chủ tịch quận ký xong, bộ phận văn thư phải vào sổ phát hành, ghi số công văn là vào ngày 24, nhưng do sơ suất nên ghi nhầm là ngày 23.
Dù ghi nhầm ngày, nhưng việc này hoàn toàn không liên quan tới hành vi mua bán ngoại tệ trái phép bị bắt quả tang, mà chỉ dựa vào hồ sơ nghiệp vụ và đề xuất của công an quận. Tôi nhắc lại: "Chủ tịch UBND quận ra quyết định căn cứ trên đề xuất của công an quận, không căn cứ vào vụ việc bắt quả tang mua bán ngoại tệ trái phép hay không".
- Phần nội dung ghi thời gian khám xét và người được ủy quyền tổ chức lệnh khám xét này đều bỏ trống. Có khi nào chủ tịch UBND quận Bình Thạnh ra quyết định khống giao cho công an quận tự ghi khi cần?
- Không bao giờ có chuyện chủ tịch quận ra quyết định khống, giao cho công an quận để họ muốn ghi khám xét nhà ai thì khám. Quyết định khám xét đã ghi rõ phạm vi khám xét là nhà bà Mai, người bị khám xét là bà Mai, mục đích là để tìm kiếm tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Công an quận không thể dùng giấy này để khám xét nhà người khác, ở địa chỉ khác.
Riêng việc thiếu thời gian khám xét, người tổ chức khám xét là do sơ suất của bộ phận tham mưu, đáng lý ra phải ghi đầy đủ trong quyết định chứ không được bỏ trống. Tuy nhiên, trong thực tế có những vụ việc công an quận phải phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác để khám xét, khi đó họ sẽ ghi vào nên có thể vì vậy mà phần này bị bỏ trống.
Thượng tá Nguyễn Hoàng Thắng. |
- Luật chỉ cho phép chủ tịch UBND cấp quận, huyện khám xét nơi ở của công dân để thu giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nhưng chủ tịch quận Bình Thạnh đã ra lệnh khám xét cả nơi kinh doanh của bà Mai, vậy có đúng không?
- Trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của bà Mai chỉ ghi địa chỉ cấp phép, không ghi rõ phạm vi là tầng trệt, tầng lửng hay toàn bộ tòa nhà như thế nào. Địa chỉ này cũng là nơi ở của bà Mai. Vì vậy, việc chủ tịch quận Bình Thạnh ra lệnh khám xét toàn bộ ngôi nhà là đúng, phù hợp quy định pháp luật.
- Diễn biến và kết quả của vụ khám xét đã được Công an quận Bình Thạnh báo cáo ra sao?
- Chúng tôi chưa nhận được báo cáo của công an quận Bình Thạnh về vụ việc. Chắc kết quả cũng như anh Vinh (trung tá Đặng Ngọc Vinh, đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, công an quận Bình Thạnh - PV) đã trả lời trên báo. Theo quy định, công an quận phải báo cáo, nhưng họ có thể báo cáo trong báo cáo tuần, cũng có thể báo cáo riêng, cái này theo chế độ mật. Có những vụ việc là chuyên án của ngành công an, thời gian kéo dài, công tác nghiệp vụ cứ phải làm dài dài, quả tang chỉ là một trong nhiều chi tiết chứ không phải là căn cứ duy nhất.
Đang kiểm tra, sẽ thông tin sớm
Tối 28/4, thượng tá Nguyễn Hoàng Thắng - trưởng công an quận Bình Thạnh - cho biết công an quận vẫn tiếp tục tạm giữ số ngoại tệ đã tạm giữ của bà Mai sau khi khám xét ngày 24/4. Công an quận đang tiếp tục làm rõ các vi phạm có liên quan, hành vi vi phạm tới đâu thì xử lý tới đó theo quy định pháp luật.
Riêng về những vấn đề liên quan tới đề xuất chủ tịch UBND quận Bình Thạnh ra lệnh khám xét, quá trình khám xét và kết quả khám xét tạm giữ, niêm phong những gì, có đúng quy định hay không thì “chúng tôi đang kiểm tra lại, sẽ thông tin trong thời gian gần nhất”.
Chủ tiệm vàng có thể khởi kiện UBND Q.Bình Thạnh
Qua thông tin từ báo chí, những hành vi khách quan như việc ký quyết định kiểm tra, tiến hành kiểm tra cho thấy việc khám xét tiệm vàng Hoàng Mai có sự mong muốn, có sự chuẩn bị trước của công an quận Bình Thạnh hoặc UBND quận hoặc của một trong hai cơ quan này. Đây không phải là khám xét một cách bất ngờ khi qua trinh sát phát hiện việc mua bán USD.
Ở đây, công an quận Bình Thạnh khám xét nơi ở của công dân theo quyết định của UBND quận Bình Thạnh làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, kinh doanh, tự do chỗ ở và quyền sở hữu tài sản của công dân. Người dân có quyền kiện UBND quận Bình Thạnh về hành vi ban hành quyết định kiểm tra hành chính không đúng quy định pháp luật gây thiệt hại về tinh thần và vật chất.
Nếu công an quận Bình Thạnh tham mưu quyết định khám xét sai hoặc tiến hành khám xét sai thì UBND Q.Bình Thạnh vẫn phải chịu trách nhiệm trước dân. Công an quận sẽ chịu trách nhiệm trước UBND quận trong quan hệ hành chính. Chủ nhà chứng minh được những thiệt hại trên và tòa án tuyên được bồi thường thì UBND quận Bình Thạnh phải bồi thường cho dân.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM).