Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ bạo loạn khiến 129 CĐV chết bóc trần mặt tối của bóng đá Indonesia

Trong 28 năm qua, hơn 200 cổ động viên tại Indonesia đã thiệt mạng. Thảm kịch ở Malang Regency một lần nữa cho thấy sự nguy hiểm rình rập trên các sân bóng của nước này.

Ít nhất 129 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong vụ hỗn loạn, bạo lực bùng phát hôm 1/10, sau trận đấu thuộc khuôn khổ giải vô địch quốc gia Indonesia giữa hai đội bóng lớn nhất nước này là Java Arema và Persebaya Surabaya, theo CNN.

CĐV của Arema bất mãn sau khi chứng kiến đội nhà thua với tỷ số 2-3. Nhiều người vượt qua hàng rào, lao xuống sân đe dọa đội trưởng Ahmad Alfarizi cùng hậu vệ Sergio Silva.

Sự quá khích gia tăng khiến lực lượng an ninh và cảnh sát phải dùng đến hơi cay. Điều này khiến mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn khi đám đông hoảng loạn và bắt đầu giẫm đạp lên nhau, cảnh sát Indonesia cho biết.

Đây không phải lần đầu tiên các vụ xô xát, hỗn loạn gây chết người xảy ra trên các sân bóng ở Indonesia. Hồi tháng 6, hai cổ động viên đã thiệt mạng khi cố gắng xếp hàng mua vé xem trận đấu giữa câu lạc bộ Bandung Persib và Persebaya.

Trong 28 năm qua, ít nhất 207 người đã chết trong các vụ tai nạn liên quan đến bóng đá. Thảm kịch ở Malang Regency, Đông Java hôm 1/10 một lần nữa đưa sự an toàn của người hâm mộ túc cầu Indonesia trở thành tâm điểm chú ý.

Thảm kịch

Giai đoạn 2019-2021, không có trường hợp tử vong nào liên quan đến bóng đá ở Indonesia, vì các trận đấu được tổ chức mà không có khán giả trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Nhưng vì hầu hết hạn chế Covid-19 đã được dỡ bỏ và người hâm mộ bắt đầu cuồng nhiệt trở lại, các chuyên gia lo ngại rằng thảm kịch ở Bandung hay Malang không phải vụ việc cuối cùng.

Các nhà phân tích được CNA phỏng vấn hồi giữa tháng 6, sau vụ xô xát khiến hai người chết ở Bandung, từng cảnh báo nếu nhà chức trách không hành động ngay lập tức, cảnh tượng tương tự sẽ sớm tái diễn.

Chưa đầy 4 tháng sau, tuyên bố này trở thành sự thật.

bao loan bong da indonesia anh 1

Cảnh tượng hỗn loạn trên sân vận động Kanjuruhan hôm 1/10.

"CĐV nằm la liệt ở căn phòng gần lối ra sân Kanjuruhan. Nhân viên y tế ở sân không thể lường trước được vụ việc nên nhiều nạn nhân không được cấp cứu kịp thời. Một số người đã ngừng thở", Bola mô tả về vụ bạo lực hôm 1/10.

Fanpage Sepakbola Indonesia cho biết: "Sự cố đau buồn chưa từng có trong lịch sử. Số lượng người thiệt mạng vẫn sẽ còn tăng lên".

Con fanpage của đội khách Persebaya chia sẻ: "Không có gì quý giá hơn mạng sống. Chúng tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và mong người thân của họ sớm vượt qua nỗi đau".

Fox Sport dẫn lời Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Indonesia(PSSI) Mochamad Iriawan: "PSSI lấy làm tiếc vì hành động của cổ động viên tại sân vận động Kanjuruhan. Chúng tôi rất tiếc và gửi lời xin lỗi tới gia đình các nạn nhân và các bên liên quan tới sự cố. PSSI đã ngay lập tức thành lập nhóm điều tra".

Theo Sky News, ông Iriawan nói thêm sự cố đã "thực sự làm hoen ố bộ mặt bóng đá Indonesia".

Sẵn sàng xô xát

Xem xét những vụ việc trong quá khứ, các nhà phân tích và bên liên quan tin rằng biện pháp trừng phạt là quá khoan dung và nhà chức trách có thể chưa xem xét vấn đề một cách nghiêm túc.

Theo Save Our Soccer (SOS), cơ quan giám sát cộng đồng bóng đá ở Jakarta, trước vụ việc tại Malang Regency, 78 người đã chết ở Indonesia kể từ năm 1994 do các tai nạn liên quan đến bóng đá.

Đánh nhau giữa những người ủng hộ thuộc các câu lạc bộ khác nhau là nguyên nhân chính dẫn đến thương vong. Tai nạn còn xảy ra khi nhiều khán giả leo lên cùng một chiếc xe bán tải để cổ động trước trận hoặc ăn mừng sau trận.

Điều phối viên của SOS Akmal Marhali cho biết những vụ tai nạn chết người vẫn tiếp tục xảy ra vì sau mỗi vụ tai nạn, có rất ít biện pháp được thực thi và hình phạt quá nhẹ nhàng.

"Không có giải pháp dựa trên luật pháp, vì vậy không có tác dụng răn đe hay nâng cao nhận thức của những cổ động viên".

bao loan bong da indonesia anh 2

Hàng trăm người đã thiệt mạng do các tai nạn liên quan đến bóng đá ở Indonesia.

Ông Marhali nói thêm rằng các quy tắc an toàn và quy định của hiệp hội bóng đá quốc tế không được phổ biến nên cổ động viên thiếu kiến ​​thức cần thiết để tự bảo vệ mình.

Giảng viên thể thao từ Học viện Công nghệ Bandung Tommy Apriantono cũng đồng tình với quan điểm trên.

"Ban tổ chức, quan chức an ninh và những người hâm mộ cần cùng nhau đánh giá lại vấn đề. Và đây là trách nhiệm của chính phủ. Bộ thanh niên và thể thao nên là bên chủ động xúc tiến".

Ngoài ra, các nhà tâm lý học và xã hội học cũng nên tham gia vì họ hiểu suy nghĩ, hành vi của nhóm cổ động viên, ông nói thêm.

"Đặc điểm giữa các nhóm cổ động viên là khác nhau, nhưng có một điểm chung là sự cuồng nhiệt và sẵn sàng xô xát vì đội của mình", ông Apriantono nhận định.

Hàn Quốc xét xử vụ vợ thao túng, giết hại chồng ở thung lũng Gapyeong

Các công tố viên yêu cầu án tù chung thân đối với người vợ và tình nhân của cô vì nhiều lần lập mưu giết chồng để chiếm đoạt tiền bảo hiểm.

Lê Vy

Ảnh: AFP, Reuters

Bạn có thể quan tâm