Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ ‘bắt giam... hòn đá’: Tiếp tục rắc rối

Đại diện VKSND cho rằng việc UBND huyện Chư Sê quyết định tịch thu hòn đá là chưa đúng quy định, trái pháp luật và đạo lý.

Ngày 17/12, TAND tỉnh Gia Lai xử phúc thẩm vụ bà Nguyễn Thị Sắc (ngụ thôn Ia Sa, xã HBông, huyện Chư Sê) kiện ông Nguyễn Hồng Linh, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê, về việc ban hành quyết định tịch thu hòn đá của bà.

Ngày 14/3/2012, trong quá trình đào ao lấy nước, bà Sắc phát hiện hòn đá có màu sắc đẹp nên đưa về nhưng bị đoàn liên ngành của huyện đến lập biên bản tịch thu. Tiếp đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường lập biên bản xử phạt hành chính bà Sắc về hành vi “Vận chuyển khoáng sản trái phép”.

Ngày 30/5/2012, chủ tịch UBND huyện ký quyết định xử phạt hành chính đối với bà Sắc 2 triệu đồng về hành vi “Vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp”, đồng thời tịch thu hòn đá mang về huyện và hàn một lồng sắt “nhốt” lại.

Hòn đá bị tịch thu và trưng bày tại Quảng trường Đoàn Kết, TP Pleiku.

Quá bất bình, ngày 8/6/2012, bà Sắc khởi kiện. Ngày 5/8/2013, TAND huyện Chư Sê xét xử sơ thẩm và bác đơn kiện của bà Sắc.

Nói trước phiên tòa, bà Sắc nghi ngờ mẫu vật mang đi giám định không phải lấy từ hòn đá bị tịch thu, khi đi lấy mẫu vật cũng không có mặt người vi phạm. Trong biên bản làm việc cũng ghi rõ: “Quan sát tại hố đào có một số hòn đá nhỏ màu sắc và chủng loại giống như hòn đá. Đoàn đã lấy mẫu gửi giám định phân tích trữ lượng, chất lượng”. Điều này được đại diện VKSND khẳng định là “không khách quan”.

Hòn đá 'bị giam' hy hữu ở Gia Lai

Trong lúc sử dụng máy đào ao trong vườn, gia đình bà Sắc phát hiện cục đá lớn có hình dáng và màu sắc độc đáo. Tuy nhiên, cục đá “độc” này đã bị chính quyền tịch thu mà không nêu lý do.

 

Đại diện VKSND là bà Thái Thị Phương Thảo chỉ rõ: “Căn cứ vào đâu cho rằng hòn đá này cần phải tịch thu. Khoáng sản quặng, đá quý hiếm, đá bán quý xây dựng…? Riêng trong trường hợp này, hòn đá tang vật thuộc dạng bán quý, không được phép tịch thu theo quy định của pháp luật”.

Cắt ngang lời đại diện VKSND, ông Nguyễn Đình Viên, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Sê, dõng dạc: “Tôi vẫn tịch thu đấy. Tôi cho rằng không trái luật”.

Bà Thảo khẳng định việc UBND huyện Chư Sê tịch thu hòn đá là “chưa đúng quy định về xử phạt hành chính, không những trái pháp luật mà còn trái đạo lý”.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương - thẩm phán, chủ tọa phiên tòa - nói: “Có yếu tố sai sót, thậm chí vi phạm. Sai sót này không thể rút kinh nghiệm được mà phải khắc phục, xử lý”.

Về việc hòn đá là vật chứng của vụ án nhưng không có ở phiên tòa mà đang được UBND tỉnh Gia Lai đem trưng bày tại Quảng trường Đoàn Kết (TP Pleiku), đại diện VKSND nói: “Đáng lẽ nó (hòn đá - PV) phải được giữ lại làm tang vật, nếu không thì cũng phải thông báo cho người dân biết”.

Tạm dừng phiên tòa

Khoảng 15h ngày 17/12, khi phiên tòa đang diễn ra, ông Nguyễn Đình Viên xin phép trao đổi lại với lãnh đạo huyện, sau đó xin tạm dừng phiên tòa để thương lượng với bà Sắc và được tòa đồng ý, hạn trong vòng 15 ngày (không trừ ngày nghỉ) phải báo cáo kết quả để xét xử tiếp hay dừng lại.

Theo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm