Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vụ biến mất của 'nữ hoàng trinh thám' vẫn chưa có lời giải

Cả Arthur Conan Doyle, Dorothy L. Sayers và hàng nghìn người đã tham gia việc tìm kiếm vụ mất tích của nữ tiểu thuyết gia Agatha Christie.

Zing trích dịch bài đăng trên The New York Times, History Extra Telegraph về vụ mất tích 11 ngày của nữ nhà văn Agatha Christie. Đến nay, vụ việc này vẫn là một sự bí ẩn lớn đối với những người yêu thích tiểu thuyết trinh thám.

Agatha Christie (sinh năm 1890) là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại. Các tiểu thuyết của bà ước tính đã tiêu thụ gần 4 tỷ bản trên toàn cầu và doanh số bán sách chỉ xếp sau đại thi hào William Shakespeare.

Vì thế, Christie được mệnh danh là “nữ hoàng trinh thám” với những tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại. Hercule Poirot và bà Marple (Miss Marple) là hai nhân vật thám tử nổi tiếng nhất do Agatha Christie sáng tạo.

Năm 1971, Christie được Nữ hoàng Elizabeth II trao tặng danh hiệu vì những cống hiến của bà cho văn học.

Cuộc đời Agatha Christie cũng ly kỳ như chính những cuốn tiểu thuyết bà viết. Khi ở đỉnh cao sự nghiệp, Christie từng khiến giới văn học "dậy sóng" khi biến mất 11 ngày mà không rõ lý do.

Vu bien mat bi an cua nu hoang trinh tham van chua co loi giai anh 1
Theo UNESCO, Christie là tác giả có tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trong lịch sử văn học thế giới.

Hôn nhân đổ vỡ

Năm 1914, nữ nhà văn kết hôn với Archibald Christie, một sĩ quan trong quân đội. Năm năm sau, bà hạ sinh con gái đầu lòng đặt tên là Rosalind. Họ sống tại Sunningdale, cách London khoảng 50 km.

Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân của họ không mấy hạnh phúc. Christie và chồng bị chia cắt bởi chiến tranh thế giới thứ nhất, họ chỉ có thể gặp nhau qua vài dịp hiếm hoi.

Biến cố gia đình của nữ văn sĩ bùng phát vào năm 1926 khi ông Archibald muốn ly hôn với vợ sau 7 năm sống chung vì nhân tình Nancy Neale. Cũng trong năm đó, mẹ của Christie qua đời nhưng chồng lại không mấy quan tâm. Điều này khiến bà suy sụp nặng nề.

Tối ngày 3/12/1926, sau khi hôn chúc ngủ ngon con gái, Christie một mình lái xe bỏ đi. Không một ai biết nữ tiểu thuyết gia đã đi đâu, vụ mất tích này khiến giới văn học chấn động và một cuộc tìm kiếm quy mô lớn được diễn ra.

Nhiều trang báo như The Times, The New York Times đã đăng thông tin này lên trang nhất. Các phóng viên, nhà phân tích liên tục đưa ra suy đoán về những gì có thể xảy ra với bà.

Lúc bấy giờ, Christie đã là một nhà văn nổi tiếng và cho ra mắt một số tiểu thuyết "ăn khách", trong đó có Kẻ thù bí mậtÁn mạng trên sân golf.

Hàng nghìn cảnh sát, thám tử, chó nghiệp vụ được huy động tham gia vào cuộc để truy tìm dấu vết và tung tích của Christie. Thậm chí, cả máy bay cũng được triển khai, đây là một tiền lệ chưa từng có ở nước Anh trước đó.

Một ngày sau, chiếc xe của Christie với bánh trước bị nhô ra được phát hiện gần một mỏ đá ở Guildford, cách nhà bà vài km. Điều này khiến mọi thứ rơi vào ngõ cụt và châm ngòi cho cuộc tìm kiếm được mở rộng trên phạm vi cả nước.

Sau 3 ngày, cảnh sát cho biết anh rể của Christie đã nhận được một lá thư từ bà. Trong thư, Christie nói rằng bà đến một spa ở Yorkshire để nghỉ ngơi và điều trị.

Sự xuất hiện của lá thư này không thuyết phục được cảnh sát và ngày càng có nhiều nghi vấn được đặt ra.

Cảnh sát bế tắc, manh mối vào ngõ cụt

Các thám tử cho rằng đây là một vụ tự sát, theo The Times. Lúc đó, mọi sự tập trung đều hướng vào một cái ao có tên là Silent Pool (tạm dịch: Ao im lặng) - nơi được tin rằng có nước sâu không đáy.

Theo The New York Times, Christie bị sợ hãi bởi chính ngôi nhà của mình. Bà nói rằng con đường dẫn vào ngôi nhà rất hiu quạnh và giống như bị ma ám. Làn đường là hiện trường của một vụ tự tử và là nơi một người phụ nữ bị giết.

Vu bien mat bi an cua nu hoang trinh tham van chua co loi giai anh 4

Cảnh sát tích cực tìm kiếm nữ nhà văn.

“Nếu tôi không rời Sunningdale sớm, Sunningdale sẽ là nơi kết thúc của tôi”, bà nói với một người bạn.

Một tuần sau vụ mất tích của Christie, cảnh sát đi vào bế tắc khi không có nhân chứng đáng tin cậy nào nhìn thấy bà kể từ đêm đó. Thậm chí, các nhà tâm linh còn tổ chức một buổi lễ gọi hồn tại nơi xảy ra tai nạn.

Ngoài lá thư gửi cho anh rể, Christie còn để lại 2 lá thư khác cho thư ký và chồng. Sau đó, cảnh sát chuyển sang tìm manh mối từ bản thảo của cuốn sách Bí mật chuyến tàu xanh mà Christie đang viết.

Nhiều người suy luận vụ biến mất này là một chiêu trò đánh bóng tên tuổi nhưng thư ký của bà đã phủ nhận giả thuyết này. Cô cũng công khai lá thư mà Christie để lại cho cô, trong đó chỉ ghi lịch trình chi tiết.

Hai trong số những nhà văn trinh thám nổi tiếng khác của Anh, Arthur Conan Doyle, cha đẻ của Sherlock Holmes và Dorothy L. Sayers, tác giả của bộ truyện Lord Peter Wimsey, cũng được mời vào hỗ trợ cho phi vụ này.

Vu bien mat bi an cua nu hoang trinh tham van chua co loi giai anh 5

Cuộc tìm kiếm được tổ chức với quy mô toàn quốc.

Arthur Conan Doyle đã cố gắng sử dụng sức mạnh huyền bí để giải mã bí ẩn. Ông mang chiếc găng tay của Christie đến cho một bà đồng nổi tiếng với hy vọng sẽ có manh mối nào đó nhưng biện pháp này không hiệu quả.

Còn Dorothy L. Sayers thì đến thăm hiện trường vụ mất tích nhưng cũng nhận được kết quả tương tự cảnh sát.

Suốt quãng thời gian tìm kiếm, cảnh sát chỉ tìm thấy một số manh mối như một cái chai có nhãn đựng chì, thuốc phiện, mảnh bưu thiếp bị xé rách, áo khoác lông thú của phụ nữ, một ổ bánh mì và hai cuốn sách thiếu nhi. Từ những mảnh ghép có được, cảnh sát cho rằng bà Christie không có ý định trở về.

Được tìm thấy trong tình trạng mất trí nhớ

Mãi cho đến 14/12, sau 11 ngày biến mất, tiểu thuyết gia mới được tìm thấy tại một khách sạn ở Harrogate (Yorkshire, Anh). Nhưng tình trạng của bà không được ổn định và không nhớ được mình đến nơi này bằng cách nào.

“Cô ấy không biết mình là ai và dường như bị mất trí nhớ hoàn toàn", đại tá Archibald nói với phóng viên.

Cảnh sát suy đoán bà Christie đã rời khỏi nhà, đi đến London và bị đâm xe trên đường. Sau đó, bà đã lên một chuyến tàu đến Harrogate, vào Swan Hydro - nay là khách sạn Old Swan - mà không mang theo hành lý. Một chi tiết kỳ lạ khác là bà đã sử dụng họ người tình của chồng là Neele để thuê phòng.

Vu bien mat bi an cua nu hoang trinh tham van chua co loi giai anh 6

Khách sạn nơi bà Christie được tìm thấy.

Một nhạc công đã nhận ra bà và báo cho cảnh sát. Sau khi xác nhận thông tin, cảnh sát đã thông báo cho ông Archibald đến đón vợ.

Khi thấy chồng, nữ nhà văn chỉ nhìn ông với ánh mắt lạnh lùng. Christie không vội rời đi mà để chồng đợi ở đại sảnh của khách sạn trong khi bà thay váy.

Tuy bà Christie đã được tìm thấy nhưng những chi tiết kỳ lạ khiến vụ việc càng thêm bí ẩn.

Theo nhà viết tiểu sử Andrew Norman, Agatha Christie có thể đã rơi vào tình trạng "chứng điên bỏ nhà đi" (fugue state). Đây là một trạng thái hiếm gặp do chấn thương hoặc trầm cảm dẫn đến tâm lý không ổn định.

Vu bien mat bi an cua nu hoang trinh tham van chua co loi giai anh 7

Nhiều người cố gắng lý giải vụ biến mất khó hiểu này.

Norman nói rằng việc bà chấp nhận một nhân cách mới, Theresa Neele, và việc bà không nhận ra mình trong các bức ảnh trên báo là dấu hiệu cho thấy bà đã rơi vào chứng mất trí nhớ do tâm lý.

“Tôi tin rằng Christie đã có ý định tự tử”, Norman nói.

Hơn 90 năm sau, các nhà viết tiểu sử và nhà sử học vẫn tranh luận về những gì đã xảy ra vào năm 1926.

Sau sự việc, bà Christie sớm hồi phục hoàn toàn và vẫn tiếp tục công việc của mình. Năm 1928, bà quyết định ly hôn với chồng và tái hôn 2 năm sau đó với nhà khảo cổ học nổi tiếng Max Mallowan. Ông Archibald cũng kết hôn với nhân tình của mình - Nancy Neele.

Vu bien mat bi an cua nu hoang trinh tham van chua co loi giai anh 8

Bà Christie và người chồng thứ hai.

Tiểu thuyết gia sinh năm 1890 rất ít khi nhắc đến vụ mất tích bí ẩn 11 ngày của mình. Bà chỉ công khai vụ việc một lần duy nhất trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1928 với tờ Daily Mail. Bà nói rằng mình đã lái xe qua một mỏ đá vào ngày 3/12/1926 và để nó trượt xuống dốc cho đến khi chiếc xe đâm vào một vật cản.

“Đêm đó tôi vô cùng đau khổ và cảm thấy mình không thể tiếp tục được nữa. Tôi rời khỏi nhà trong trạng thái căng thẳng cao độ với ý định làm điều gì đó thật kinh khủng. Khi sự cố xảy ra, tôi bị nhào người vào tay lái và đập đầu vào một thứ gì đó. Cho đến thời điểm này, tôi vẫn là Christie”.

Bên cạnh đó, bà Christie cũng từ chối nói về cuộc hôn nhân của mình với vài từ ngắn gọn: “Không cần bàn thêm về nó”.

Đến ngày nay, vẫn có nhiều giả thuyết được đặt ra xoay quanh sự biến mất của nữ nhà văn.

Giấc mơ Harvard khép lại khi sinh viên không thể đến trường

Nhiều sinh viên Harvard bày tỏ sự thất vọng về kế hoạch sắp tới của trường trong việc giảng dạy, thu học phí và mức hỗ trợ với các trường hợp khó khăn.

Phương Thảo

Ảnh: The New York Times, Getty

Bạn có thể quan tâm