Sau 20 ngày xét xử sơ thẩm, chiều 15/12, TAND Hà Nội đã nhận được kháng cáo của một số bị cáo và các bên liên quan trong vụ án Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long hưởng lợi bất chính hơn 3,8 triệu USD, xảy ra ở giai đoạn 2006-2008, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước trên 61 tỷ đồng.
Trong đó, các bị cáo Lương Văn Hóa (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Dược Cửu Long), Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu kế toán trưởng công ty này) và Nguyễn Nam Liên (cựu Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính của Bộ Y tế) nộp đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Về dân sự, Dược Cửu Long và một số bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo. Những bị cáo còn lại chưa có thông tin kháng án.
Cựu Tổng giám đốc Dược Cửu Long Lương Văn Hóa. Ảnh: N.H. |
Bản án sơ thẩm hôm 24/11 xác định ông Hóa biết rõ các quy định của pháp luật, nhưng khi Dược Cửu Long được giảm giá mua nguyên liệu sản xuất thuốc Oseltamivir, ông này đã chỉ đạo giữ lại hơn 3,8 triệu USD để sử dụng mà không báo cáo Bộ Y tế. Trong vụ án, ông Hóa giữ vai trò phạm tội cao nhất.
Giúp sức cho ông Hóa là thuộc cấp Nguyễn Văn Thanh Hải, Ngô Hữu Hiếu Nghĩa và Nguyễn Thanh Tòng. Lợi dụng việc được giảm giá mua nguyên liệu thuốc, ông Hóa đã chỉ đạo đồng phạm hợp thức hồ sơ nhằm che giấu khoản tiền trên. Sau đó, nhóm này đã sử dụng trái mục đích số tiền được giảm giá, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Đối với những bị cáo thuộc Bộ Y tế, HĐXX kết luận cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang, Nguyễn Việt Hùng, Dương Huy Liệu, Nguyễn Nam Liên và Phạm Thị Minh Nga đã thiếu kiểm tra, rà soát nên không phát hiện ra Dược Cửu Long đã dùng thủ đoạn gian dối để giữ lại 3,8 triệu USD.
Bản án sơ thẩm xác định đầu năm 2006, sau khi được Bộ Y tế đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir, Dược Cửu Long đã nhập 520 kg nguyên liệu sản xuất thuốc này với giá 9,1 triệu USD của Công ty Mambo (Singapore). Dược Cửu Long đã thanh toán 5,25 triệu USD cho đối tác, còn lại hơn 3,8 triệu USD được trả chậm 6 tháng.
Sau đó, ông Hóa chỉ đạo thuộc cấp đề nghị phía Mambo cho giảm giá nguyên liệu với số tiền hơn 3,8 triệu USD; đồng thời, hoàn thiện giấy tờ để ngoài sổ sách số tiền này. Trong nhiều lần làm việc với Bộ Y tế, bị cáo Hóa không báo cáo và báo cáo sai sự thật về việc được giảm giá mua nguyên liệu. Khi Bộ Y tế và các đơn vị thanh tra phát hiện, yêu cầu báo cáo về việc thanh toán tiền mua nguyên liệu, bị cáo Hóa tiếp tục chỉ đạo cấp dưới hợp thức hồ sơ thanh toán. Mục đích để ngoài sổ sách, giữ lại hơn 3,8 triệu USD này.
Tòa sơ thẩm kết luận hành vi của ông Cao Minh Quang và đồng phạm gây nguy hiểm cho xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành y. Các bị cáo được giao quản lý tài sản công, nhưng đã thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức trong việc nghiệm thu hợp đồng giữa Bộ Y tế với Dược Cửu Long. Hậu quả gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước hơn 61 tỷ đồng.
Khi tuyên án, HĐXX phạt ông Cao Minh Quang 30 tháng tù treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội này, ông Dương Huy Liệu (cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế) bị phạt 24 tháng tù treo, ông Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ phó Kế hoạch Tài chính) 24 tháng tù, bà Phạm Thị Minh Nga (cựu chuyên viên vụ này) 15 tháng tù treo, ông Nguyễn Việt Hùng (cựu Cục phó Quản lý Dược) 30 tháng tù.
Ông Lương Văn Hóa (cựu Tổng giám đốc Dược Cửu Long) lĩnh 9 năm tù, Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu kế toán trưởng) 6 năm tù, Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (cựu giám đốc chi nhánh TP.HCM) 5 năm tù cùng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Về dân sự, cấp sơ thẩm buộc Dược Cửu Long phải nộp khắc phục hơn 58 tỷ đồng cho Bộ Y tế.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về phạt tiền, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.