Theo phóng sự điều tra của Chuyển động 24h, khoa Vi sinh Y học, Bệnh viện Xanh Pôn, đang diễn ra tình trạng kỹ thuật viên cắt đôi que thử HIV và trộn mẫu máu của các bệnh nhân trước khi tiến hành xét nghiệm. Sự việc đang khiến dư luận xôn xao và đặt nhiều câu hỏi về tính chính xác của kết quả xét nghiệm cũng như hậu quả nghiêm trọng của vụ việc.
GS Nguyễn Anh Trí. Ảnh: HQ. |
Hai sai sót cộng dồn rất nguy hiểm
Trước vấn đề này, GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đánh giá: “Đây là sai sót rõ ràng và được cố tình làm sai, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Tôi rất bàng hoàng và choáng khi biết thông tin này”.
GS Trí đánh giá hành động này gây hậu quả về mặt chuyên môn rất nghiêm trọng. Thứ nhất, về việc cắt đôi que thử thử HIV, chuyên gia cho hay trong một thanh kit, nhà sản xuất phải tính toán chiều rộng, sâu, dài và qua hàng vạn thử nghiệm mới đưa ra được thông số cuối cùng.
Như vậy, kỹ thuật viên phải sử dụng thanh kit còn nguyên vẹn khi tiến hành xét nghiệm mới có đủ lượng kháng thể để phát hiện kháng nguyên trong mẫu máu. Việc cắt đôi thanh kit sẽ để lọt các trường hợp có tác nhân gây bệnh. Trường hợp nồng độ thấp sẽ bị bỏ sót, gây nên hiện tượng âm tính giả. Nếu tình trạng tiếp tục sẽ có nhiều trường hợp đã nhiễm bệnh nhưng lại có kết quả âm tính.
Thứ hai, việc trộn 4 mẫu máu lại với nhau để làm xét nghiệm cũng là một sai sót, khiến lượng kháng nguyên gây bệnh được pha loãng. “Khi làm xét nghiệm, rất nhiều trường hợp đã nhiễm bệnh nhưng nồng độ thấp gây âm tính giả. Hai sai phạm bao gồm vừa cắt đôi thanh kit vừa trộn máu phối hợp với nhau sẽ rất nghiêm trọng. Hành động này rất nguy hiểm, làm lọt người nhiễm bệnh, nhất là bệnh nhân HIV”, GS Trí nói.
Thanh kit thử HIV được cắt làm đôi. Ảnh: Chuyển động 24h. |
Sai sót vì lòng tham?
Đánh giá sai phạm ở Bệnh viện Xanh Pôn gây hậu quả nghiêm trọng, GS Trí thừa nhận: “Về mặt chuyên môn, tôi thấy việc xẻ dọc thanh kit, trộn 4 mẫu với nhau để làm một lần rất dễ gặp và hay gặp ở các labo nếu công tác quản lý chất lượng chưa tốt, nếu có lòng tham, sẽ có việc này xảy ra”.
Theo đánh giá của GS Trí, Bệnh viện Xanh Pôn đã buông lỏng công tác quản lý chất lượng, gồm nhiều hoạt động mua sắm trang thiết bị, sử dụng thiết bị, đánh giá kết quả sử dụng hàng ngày và nhiều công tác khác…
“Rõ ràng có sự buông lỏng quản lý, không ai biết hoặc biết sai vẫn lơ đi. Hoặc có người đã làm sai mà không ai nhắc nhở, cảnh báo để dừng lại. Chứng tỏ công tác huấn luyện đào tạo về chuyên môn, ý thức về xét nghiệm gần như là buông thả”, chuyên gia nhận định.
Về việc nhiều bệnh nhân có nguy cơ đã nhận kết quả xét nghiệm sai, GS Trí cho rằng việc đi xét nghiệm lại là rất cần thiết.
Trước thông tin việc trộn các mẫu máu trong xét nghiệm miễn dịch bán tự động (ELISA) từng được thực hiện trước đây ở nước ta trong thời kỳ khó khăn, nhằm tiết kiệm ngân sách, GS Trí khẳng định: “Nếu bằng kỹ thuật ELISA, tuyệt đối không được phép trộn mẫu máu để làm xét nghiệm. Việc trộn mẫu máu có thể được làm nhưng với kỹ thuật PCR".
Trưa 9/12, bản tin Chuyển động 24h kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam phát phóng sự phản ánh gian lận trong xét nghiệm y tế tại khoa Vi sinh Y học, Bệnh viện Xanh Pôn: "Hàng nghìn que thử HIV, viêm gan B bị cắt đôi trước khi được tiến hành xét nghiệm".
Ngay sau đó, lãnh đạo viện đã tổ chức họp khẩn với khoa Vi sinh Y học và các khoa, phòng liên quan để làm rõ các nội dung do Đài Truyền hình Việt Nam phản ánh.
Bệnh viện đã tạm thời đình chỉ công tác 3 nhân viên y tế có liên quan để tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xác minh sự việc, bao gồm Thạc sĩ, bác sĩ Chu Thị Loan - Phó phụ trách khoa Vi sinh y học; bà Trần Thanh Lam - cử nhân xét nghiệm, kỹ thuật viên trưởng khoa Vi sinh y học và bà Phạm Thị Thùy Linh - cử nhân xét nghiệm y học, lao động hợp đồng công tác tại khoa Vi y sinh.
Sáng 10/12, UBND Hà Nội đã ra văn bản truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung về kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh việc bớt xén vật tư y tế tại Bệnh viện Saint Paul.
Cùng ngày, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cũng có có văn bản đề nghị Giám đốc Sở Y tế khẩn trương xác minh thông tin, công khai thông tin về kết quả xác minh, xử lý.