Vụ cháy xảy ra tại chung cư Carina rạng sáng 23/3 khiến 13 người chết, nhiều người bị thương đã đặt ra vấn đề về trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan. Vậy ai phải chịu trách nhiệm?
Điều tra nguyên nhân để cá thể hóa trách nhiệm
Luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng vụ việc xảy ra có hậu quả, thiệt hại rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, để xác định trách nhiệm đền bù về tài sản hay bồi thường thiệt hại trong vụ việc thì trước hết cần xác định được nguyên nhân của vụ cháy, bên nào đã có những vi phạm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vậy.
"Tôi cho rằng, ở khía cạnh pháp lý, sẽ cần phải xem xét trách nhiệm của nhiều bên liên quan trong vụ việc này", luật sư Vũ nhận định.
Về nguyên nhân của vụ cháy cũng như nguyên nhân của những thiệt hại nặng nề đã xảy ra, có thể phải xem xét có hay không việc ai đó đã (vô ý) vi phạm các nguyên tắc, quy định về PCCC dẫn đến vụ hỏa hoạn hay vụ cháy hoàn toàn là khách quan, sự cố nào đó.
Bên cạnh đó, cần xem xét hệ thống PCCC tại đây, từ khâu thiết kế cho đến khâu quản lý, vận hành, bảo trì thậm chí là việc kiểm tra, chấp thuận. Nếu hệ thống PCCC hoạt động tốt sẽ giúp cho người dân giảm thiểu được thiệt hại.
"Trong trường hợp này cần xem xét chủ đầu tư trực tiếp thực hiện quản lý vận hành hay là sử dụng dịch vụ từ đơn vị quản lý vận hành khác. Việc này được thực hiện trên cơ sở hợp đồng. Nên nếu chất lượng công việc không được đảm bảo, hệ thống PCCC không hoạt động tốt hay thậm chí là không hoạt động dẫn đến thiệt hại nặng nề thì có trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành, bảo trì nhà chung cư", luật sư Vũ phân tích.
Khu vực tầng hầm chung cư, nhiều xe máy thành tro bụi sau vụ cháy kinh hoàng. Ảnh: Lê Quân. |
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng khi xác định được nguyên nhân vụ cháy do bất cẩn, hậu quả thiệt hại do yếu kém về quản lý, hệ thống thiết bị không đúng chuẩn, kém chất lượng hay do thiết kế tòa nhà sai thì nghĩa vụ bồi thường về tính mạng, sức khỏe lẫn thiệt hại vật chất thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư tòa nhà và đơn vị quản lý.
Chủ đầu tư có nghĩa vụ mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Do đó, trong vụ việc này, vẫn có thể xem xét yêu cầu bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định của hợp đồng bảo hiểm.
Chủ đầu tư, đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm
Ngay trước đêm xảy ra vụ cháy, một cuộc họp giữa cư dân và Ban quản trị chung cư đã diễn ra và nguy cơ cháy nổ tại đây đã được cảnh báo.
Cụ thể, cư dân phản đối việc gắn tivi quảng cáo trong thang máy vì chắn luồng gió thông hơi ở trần cabin thang máy. Đồng thời, yêu cầu tháo gỡ tivi/quảng cáo vì không cần thiết mà nhiệt lượng tỏa ra rất lớn. Nhiều cư dân cũng đồng tình cho rằng việc rò rỉ điện từ các màn hình quảng cáo này gây nguy hiểm nghiêm trọng thậm chí có nguy cơ cháy nổ.
Một nội dung khác cũng được cư dân phản ánh liên quan đến nguy cơ cháy nổ là tình trạng bảo vệ hút thuốc nhiều trong hầm giữ xe và các vị trí dễ dẫn đến hỏa hoạn.
Từ đây, luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng: "Việc đêm trước khi xảy ra vụ cháy đã có cuộc họp của cư dân với đơn vị quản lý trong đó phản ánh sự yếu kém và các tình trạng nguy hiểm tức đã có sự mâu thuẫn giữa bên thụ hưởng tiện ích là cư dân với đơn vị quản lý. Có lẽ đây không phải là cuộc họp đầu tiên.
Có nghĩa sự phản ánh đã xảy ra nhưng không được khắc phục. Trong khi đó hoàn toàn là trách nhiệm của chủ đầu tư và đơn vị quản lý do chủ đầu tư thuê. Nay xảy ra hậu quả bị thương tích lẫn chết người và thiệt hại tài sản thì trách nhiệm này là thuộc về chủ tòa nhà cùng đơn vị quản lý".
Các luật sư đánh giá đây là loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên được tính theo thực tế. Tức thiệt hại đến đâu phải bồi thường đến đó. Xác định giá trị thiệt hại trên cơ sở kê khai và thẩm định của tổ chức có thẩm quyền.
Những hộ dân may mắn thoát nạn rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất". Ảnh: Tùng Tin. |
"Chiếu theo quy định tại Luật phòng cháy, chữa cháy cũng như quy định tại BLHS hiện hành, đã có cơ sở để khởi tố vụ án hình sự và tổ chức điều tra về hành vi: Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (điều 313 BLHS) và hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của cá nhân có trách nhiệm trong vụ viêc này (điều 360 BLHS)", luật sư Nguyễn Duy Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định.
"Nếu vụ án được khởi tố và có khởi tố bị can thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự trong vụ án hình sự được đặt ra. Các cơ quan tố tụng xử lý phần hình sự sẽ giải quyết luôn phần bồi thường dân sự ngay trong vụ án này", luật sư Công nói.
Ngoài ra, các luật sư cũng cho rằng chính quyền địa phương cũng có một phần trách nhiệm liên quan khi trong việc quản lý hành chính có việc kiểm tra an toàn chung cư.
Rạng sáng ngày 23/3 vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư Carina Plaza, phường 16, quận 8, TP.HCM. Ít nhất 13 người thiệt mạng, hơn 90 người phải nhập viện.
Lúc 9h cùng ngày, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì cuộc họp khẩn. Tại cuộc họp, thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết nguyên nhân phát cháy từ một xe ở tầng hầm, chưa xác định được khả năng cháy hệ thống điện của xe hoặc không loại trừ việc cài đặt để gây nổ.