Trong kết luận điều tra vụ chuyến bay giải cứu, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đề nghị truy tố 54 bị can về 5 tội danh. Trong đó, ông Phạm Trung Kiên (cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên) bị cáo buộc tội danh Nhận hối lộ.
Ông Kiên bị CQĐT cáo buộc là người có 251 lần nhận tổng số tiền lớn nhất trong các bị can bị đề nghị truy tố về tội danh này. Trong đó, lần ông Kiên nhận số tiền lớn nhất là 1,35 tỷ đồng từ một chủ doanh nghiệp ngay tại trụ sở Bộ Y tế.
Yêu cầu chi 7-15 triệu đồng mỗi khách lẻ
Sau khi có chủ trương đưa công dân Việt Nam về nước, Bộ Y tế giao Cục Y tế dự phòng cho ý kiến về việc có hay không phê duyệt tổ chức các chuyến bay theo đề xuất. Các đề xuất này gồm số lượng, tần suất chuyến bay, danh sách doanh nghiệp, hãng hàng không vận chuyển, nơi cách ly...
Lúc đó, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm Phó trưởng ban chỉ đạo, thành viên Tổ công tác 5 Bộ, khi nhận được văn bản của Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan chức năng xin ý kiến về chuyến bay "giải cứu", "combo" hay xin cho khách lẻ được về nước, thì chuyển Cục Y tế dự phòng đề xuất.
Các bị can Phạm Trung Kiên (trái) và Vũ Anh Tuấn. |
Tại Cục Y tế dự phòng, các dự thảo văn bản trả lời Bộ Ngoại giao và các đơn vị chức năng được gửi thông qua bị can Phạm Trung Kiên. Từ đó, ông Kiên trình ông Đỗ Xuân Tuyên duyệt ký văn bản trả lời.
CQĐT xác định khi làm việc, ông Kiên đã tiếp xúc, yêu cầu, thỏa thuận với những đại diện doanh nghiệp tham gia chuyến bay giải cứu và các cá nhân phải chi 50-200 triệu đồng mỗi chuyến bay, hoặc từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/1 khách đối với chuyến bay combo. Ngoài ra, ông Kiên yêu cầu doanh nghiệp chi 7-15 triệu đồng với mỗi khách lẻ, tùy từng thời điểm để được Bộ Y tế chấp thuận cho hồi hương.
Ông Kiên còn bị cáo buộc cùng bị can Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh) yêu cầu, gợi ý các doanh nghiệp liên hệ, chi tiền cho Kiên để được Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay.
Theo Bộ Công an, ông Kiên nhận tiền lần đầu tiền từ bị can Nguyễn Thị Thanh Hằng (Tổng giám đốc Công ty du lịch Bầu trời xanh) hồi tháng 7/2021. Khi đó, qua giới thiệu của Vũ Anh Tuấn, Hằng gặp và nghe ông Kiên yêu cầu hãng phải chi 150 triệu đồng mỗi chuyến bay.
Cáo buộc cho thấy từ tháng 7/2021 đến hết năm đó, bị can Kiên có 7 lần nhận tổng số tiền 6 tỷ đồng từ phía bà Hằng. Khi Cơ quan ANĐT Bộ Công an khởi tố vụ án, cựu thư ký của ông Đỗ Xuân Tuyên chuyển trả lại 1,2 tỷ đồng vào tài khoản bà Hằng.
Phải chi tiền thì mới giúp đỡ về nước
Cũng trong tháng 6/2021, Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty cổ phần Masterlife) gặp ông Kiên tại trụ sở Bộ Y tế để nhờ ông này giải quyết sớm thủ tục cấp phép chuyến bay combo cho công ty và một số doanh nghiệp do bà Xa mượn pháp nhân.
Kết luận điều tra cho thấy trước đề nghị của bà Xa, ông Kiên đồng ý và yêu cầu đối phương phải chi từ 1-2 triệu đồng/khách. Từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2021, bị can Kiên có 5 lần nhận hối lộ tổng số tiền 5.000 USD và 1,6 tỷ đồng từ phía bà Xa.
Hành khách từ Mỹ đáp sân bay Vân Đồn. Ảnh: Quốc Nam. |
Với cách thức như trên, từ tháng 9/2021 đến đầu năm 2022, ông Kiên nhận hối lộ tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng. Ngoài những đơn vị trên, ông Kiên còn nhận tiền từ các công ty gồm Nhật Minh, Masterlife, An Bình, Vitrato, A Châu, Bầu trời Hà Nội, Phượng Hoàng, GI9, TSN, Lữ Hành Việt, Hoàng Long Luxury, Sao Hà Nội, Vijasun, Thuận An, Nam Hồng, Sang Trọng, Quốc tế, Sao Phương Đông...
Ngày 6/9/2021 là lần ông Kiên nhận số tiền lớn nhất với 1,35 tỷ đồng từ Phó tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh tại trụ sở Bộ Y tế. Các lần khác ông Kiên nhận từ 20 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng. Trong đó, ông Kiên có hơn 20 lần nhận tiền hối lộ tại trụ sở Bộ Y tế.
Ngoài ra, từ tháng 2/2021 đến tháng 11/2021, bị can Kiên có 62 lần nhận tổng số tiền gần 7,4 tỷ đồng để giúp cho khách lẻ về nước. CQĐT tiếp tục xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ để làm rõ hành vi đưa tiền cho ông Kiên để xử lý ở giai đoạn sau của vụ án.
Theo kết luận, ông Kiên đã lợi dụng nhiệm vụ được giao để yêu cầu các doanh nghiệp phải chung chi tiền thì mới giúp đỡ, không gây khó khăn và trình sớm để ông Đỗ Xuân Tuyên ký công văn chấp thuận chuyến bay đưa khách lẻ về nước.
"Bị can thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Sau khi CQĐT khởi tố vụ án hình sự, Phạm Trung Kiên trả lại hơn 12,2 tỷ đồng cho đại diện doanh nghiệp, cá nhân", CQĐT nêu và đề nghị VKSND Tối cao, tòa án áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho ông Kiên.
Đối với ông Vũ Anh Tuấn, kết luận điều tra nêu bị can có trách nhiệm đánh giá, tham mưu cho nguyên Phó cục trưởng Xuất nhập cảnh Trần Văn Dự quyết định, ký công văn trả lời để Bộ Ngoại giao thông báo cho doanh nghiệp thực hiện chuyến bay.
Quá trình thực thi công vụ, ông Tuấn thống nhất với bị can Phạm Trung Kiên chủ động liên hệ với doanh nghiệp, yêu cầu họ phải chung chi tiền thì mới đồng ý đề xuất cho doanh nghiệp được thực hiện chuyến bay. Theo cáo buộc, ông Tuấn đã nhận hối lộ hơn 27,3 tỷ đồng và hưởng lợi cá nhân trên 22,8 tỷ đồng. Gia đình bị can đã nộp khắc phục gần 3,4 tỷ đồng.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…