Chiều 18/12, TAND tỉnh Tiền Giang đã tuyên Võ Văn Minh (ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè) 7 năm tù vì tội Cưỡng đoạt tài sản. Bị cáo 35 tuổi này được xác định là người đổi chai Number 1 có ruồi bên trong để lấy 500 triệu đồng của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát (Tân Hiệp Phát, Bình Dương).
Sau vụ xét xử, nhiều độc giả băn khoăn không biết nếu rơi vào trường hợp tương tự của anh Minh, họ sẽ phải xử lý ra sao để đảm bảo được quyền lợi người tiêu dùng. Cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ phải xử lý khủng hoảng sự cố ra sao để hạn chế mức thiệt hại thấp?.
Luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Công ty Luật Bảo An (Đoàn luật sư Hà Nội) có góc nhìn riêng gửi Zing.vn.
Bảy năm tù là mức án nghiêm khắc
Theo luật sư, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp bị tố sản phẩm có chất lượng không đạt tiêu chuẩn, thậm chí có dị vật, côn trùng trong sản phẩm. Tuy nhiên, cách ứng xử của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong mỗi vụ việc dường như chưa được “quy chuẩn” nên cũng có những việc kết thúc “có hậu” và cũng có những vụ việc gây bất bình nghiêm trọng trong dư luận xã hội đối với cả 2 phía doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Điển hình trong số này có liên quan đến vụ của Tân Hiệp Phát mà tòa án vừa đưa ra xét xử gần đây.
Chai nước ngọt có ruồi mà anh Minh dùng để "thỏa thuận" đòi công ty THP đưa 500 triệu đồng. Ảnh: Việt Tường. |
Bảy năm tù giam là một mức án nghiêm khắc đối với bị cáo nhưng đằng sau nó đặt ra một vấn đề cần xử sự thế nào khi người tiêu dùng phát hiện sản phẩm không đạt chất lượng ?. Doanh nghiệp vượt qua “khủng hoảng” thế nào để hạn chế thấp nhất thiệt hại về uy tín và kinh tế ?.
Trước hết, đối với người tiêu dùng, đừng bao giờ nghĩ tới việc trục lợi bởi việc này là vi phạm cả đạo lý và pháp lý. Về đạo lý, cuộc sống bất kỳ ai cũng có thể mắc sai lầm nhưng xã hội không bao giờ ủng hộ việc ai đó kiếm lợi từ sai lầm của người khác như trong vụ việc Tân Hiệp Phát.
Về pháp lý, có người cho rằng các bên đã thỏa thuận về cách giải quyết vụ việc nên đây chỉ là dân sự, không thể là vụ án hình sự. Cách hiểu này hoàn toàn không đúng bởi đâu cứ thỏa thuận, thương lượng là dân sự. Mua bán ma túy cũng là thỏa thuận nhưng đâu phải dân sự, thậm chí nó còn thuộc nhóm tội đặc biệt nghiêm trọng trong Bộ luật Hình sự.
Điều 122 Bộ luật Dân sự về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì “Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội”. Nếu vi phạm quy định này thì giao dịch sẽ bị vô hiệu, không được pháp luật công nhận.
Với quy định trên thì rõ ràng “thỏa thuận” (nếu có) của các bên trong vụ Tân Hiệp Phát là trái đạo đức xã hội. Các bên đã mua bán sự im lặng nhằm che dấu sự thật về chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng, cố ý tiếp tay cho doanh nghiệp tiếp tục đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, xâm phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng, là đối tượng được pháp luật bảo vệ.
Do vậy, người tiêu dùng khi phát hiện sản phẩm kém chất lượng thì nên lựa chọn những cách xử sự mà pháp luật cho phép như khiếu nại nhà sản xuất, yêu cầu Hội người tiêu dùng bảo vệ, đưa vụ việc ra công luận hoặc khởi kiện ra tòa.
Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Minh 7 năm tù trong vụ án chai nước có ruồi. Ảnh: Việt Tường. |
Cách làm này vừa đảm bảo quyền lợi cho họ nhưng cũng gián tiếp bảo vệ quyền lợi của cộng đồng người tiêu dùng. Ở góc độ nào đó còn giúp doanh nghiệp vươn lên, đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa.
Cần được mổ xẻ về yếu tố đạo đức
Đối với doanh nghiệp, khi gặp khủng hoảng về chất lượng hàng hóa thì không gì tốt hơn là nên xin lỗi với tinh thần cầu thị, nhận trách nhiệm và cam kết khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quy trình sản xuất.
Ở các nước có nền kinh tế phát triển, chúng ta thấy họ thường xuyên có những đợt thu hồi sản phẩm để sửa chữa hoặc thay thế một chi tiết nào đó nhưng đâu vì thế họ mất uy tín trong dài hạn. Trong ngắn hạn thì uy tín có thể bị giảm sút là không thể tránh khỏi nhưng đây chính là sự khẳng định trách nhiệm đến cùng với người tiêu dùng.
Khách chưa tố mà họ còn chủ động thu hồi sản phẩm thì không lẽ gì khi có phàn nàn về sản phẩm họ lại gân cổ chứng minh hàng của tôi là tốt, là chất lượng. Thực tế đã chứng minh, những tập đoàn lớn trên thế giới luôn luôn lắng nghe để sản xuất ra những sản phẩm tốt hơn.
Trở lại vụ Tân Hiệp Phát, có thể thấy cách làm của họ không chuyên nghiệp và cần được mổ xẻ về yếu tố đạo đức khi “thỏa thuận” (dù THP cho rằng là miễn cưỡng) với người tiêu dùng để lấy chứng cứ chuyển cơ quan điều tra xử lý.
Về luật thì Tân Hiệp Phát có thể không sai nhưng cách làm này đã làm người tiêu dùng mất niềm tin đối với doanh nghiệp ở hai khía cạnh: chất lượng sản phẩm và cách hành xử của doanh nghiệp khi khủng hoảng.
Qua vụ việc Tân Hiệp Phát, chúng ta có thể thấy một lỗ hổng trong nền kinh tế thì trường mà chúng ta còn yếu kém đó là năng lực xử lý khủng hoảng trong chu trình sản xuất, tiêu dùng. Do vậy, đây được coi là bài học tốt đối với thị trường và xã hội.