Sở GD&ĐT Thanh Hóa vừa có thông báo kết quả kiểm tra chất lượng thiết bị dạy học lớp 1 (năm học 2020-2021) cho các trường vùng đặc biệt khó khăn và vận chuyển, lắp đặt thiết bị.
Đây cũng chính là gói thầu bị xác định có dấu hiệu thông đồng, gây thiệt hại tài sản nhà nước có liên quan đến bà Phạm Thị Hằng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá.
Bà Hằng và 8 người khác đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Bước đầu, cơ quan CSĐT xác định bà Hằng đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền thông đồng với Công ty Cổ phần thẩm định giá BTC Value và nhà thầu là Công ty Cổ phần sách và thiết bị trường học Thanh Hóa để nhà thầu này trúng 2 gói thầu cung cấp đồ dụng học tập giảng dạy lớp 1 năm học 2020-2021, gây thiệt hại cho Nhà nước. Hai gói thầu nêu trên có tổng giá trị hơn 119 tỷ đồng.
Ngoài dấu hiệu vi phạm phạm luật xảy ra tại hai gói thầu nêu trên, nhiều thông tin phản ánh chất lượng thiết bị dạy học được cấp trong năm học 2020-2021 có vấn đề khi đưa vào sử dụng ở các trường. Chính vì vậy, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá đã vào cuộc kiểm tra, xác minh.
Kết quả cho thấy thiết bị dạy học lớp 1 (năm học 2020-2021) của các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá được cấp thành 2 đợt (đợt 1 vào tháng 6/2020 cho 169 trường, đợt 2 cấp vào tháng 12/2020 cho 512 trường).
Sau khi tiếp nhận, các trường đã bàn giao cho bộ phận quản lý thiết bị nhập kho; thực hiện theo dõi, quản lý và sử dụng dạy học trên lớp. Các thiết bị giáo dục trang cấp cho các trường đảm bảo tiêu chuẩn, kỹ thuật về thiết bị dạy học tối tiểu quy định tại thông tư 05/2019/TT-BGDĐT. Bước đầu, các thiết bị được trang cấp có hiệu quả đáp ứng được chương trình dạy học lớp 1 từ năm học 2020-2021.
Về một số thiết bị điện tử, 1 số máy tính khởi động chậm, quá trình sử dụng đôi khi máy bị treo, mặt khác số lượng không đủ 1 cái/lớp nên đa số giáo viên sử dụng máy tính cá nhân để dạy học.
Đáng chú ý, TV được cấp là loại TV LG 32 inch, phần lớn các trường không sử dụng để dạy học trên lớp, bởi tại các trường được kiểm tra, cơ bản các phòng học đều đã được trang bị TV lớn hơn từ các nguồn khác. Ngoài ra, các trường cũng ít sử dụng máy chiếu, đầu DVD được trang bị.
Từ kết quả kiểm tra nêu trên, sở GD&ĐT đã chỉ rõ tồn tại, hạn chế của gói thầu như: một số thiết bị đã có khi xây dựng trường chuẩn quốc gia; bộ chữ cái số lượng không đủ để ghép tiếng, từ trong bài học; bộ sa bàn giáo dục giao thông, bộ tranh dạy học trực quan kích thước nhỏ, khó cho việc học sinh quan sát; TV 32 inch là quá nhỏ để lắp đặt và sử dụng trên lớp học; đầu VDV, máy chiếu ít sử dụng...
Bên cạnh đó, nhiều trường chưa có nhân viên làm công tác thiết bị giáo dục mà cử giáo viên kiêm nhiệm; một số giáo viên kỹ năng sử dụng máy tính, các thiết bị điện tử còn hạn chế và một số trường không có giáo viên tin học để hỗ trợ; có trường chưa có phòng học bộ môn, kho chứa thiết bị chưa đảm bảo (như thiếu giá để thiết bị, hệ thống chống ẩm cho các thiết bị điện tử…).
Việc rà soát, tập huấn về sử dụng thiết bị giáo dục của các cơ quan quản lý chưa kịp thời; việc vận hành, kết nối với các đơn vị bảo hành các thiết bị còn hạn chế.