Mới đây, Hoa hậu thế giới người Việt năm 2010 Lưu Thị Diễm Hương (hoa hậu Diễm Hương) đã gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng về việc chồng cũ là doanh nhân Đinh Trường Chinh gian dối khi làm thủ tục đăng ký kết hôn với cô.
Trong đơn, Diễm Hương cho biết cô và ông Chinh quen biết từ năm 2011, sau đó 2 người nảy sinh tình cảm yêu đương. Trong những lần ở bên nhau, ông Chinh thường đùa giỡn bằng cách tải và in các mẫu tờ khai đăng ký kết hôn trên mạng, 2 người cùng điền thông tin và ký tên rồi... vứt vào thùng rác.
Nhưng sau đó ông Chinh đã giấu lấy một tờ đơn này đến UBND phường 10, quận Phú Nhuận làm đăng ký kết hôn thật.
Hoa hậu Diễm Hương. |
“Đến khi ông Chinh kêu tôi ra UBND phường ký giấy kết hôn tôi mới biết. Lúc đó tôi phản ứng nhưng ông ấy nói chuyện đã lỡ rồi, xin lỗi và hứa vài hôm sau làm thủ tục hủy bỏ. Nhưng thủ tục ly hôn không đơn giản như vậy mà phải ra tòa án giải quyết”, Diễm Hương cho biết trong lá đơn.
Theo Diễm Hương, một thời gian sau thì 2 người thường xuyên xảy ra mâu thuẫn và cô bị chồng đánh, khủng bố tinh thần.
Sau khi biết tin vợ cũ làm đơn tố cáo mình, doanh nhân Đinh Trường Chinh lên tiếng: “Tôi và Diễm Hương quen biết rồi nảy sinh tình cảm, vì thế chuyện đăng ký kết hôn là do sự đồng ý của cả 2 người. Việc tiến tới hôn nhân là việc làm trọng đại của một đời người, vì thế không thể mang ra đùa giỡn được”.
"Mâu thuẫn của 2 vợ chồng xuất phát từ chuyến công tác Hà Nội của tôi. Được bảo vệ báo tin là Diễm Hương đi chơi đến 11 - 12h đêm, sau đó lại đi với một người đàn ông lạ đến 5h sáng. Tôi là người chủ động ly hôn và nhờ ba mẹ Diễm Hương lo giúp giấy tờ", ông Chinh khẳng định.
Còn về chuyện Diễm Hương tố mình gây áp lực và đe dọa cô và một số bạn bè của cô, doanh nhân này cho biết: “Tôi là người kinh doanh, còn có công việc làm ăn và uy tín trên thương trường nên không có thời gian làm những việc đó”.
Luật sư Trương Quang Hiệp, thuộc Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết theo quy định pháp luật, việc kết hôn do 2 bên tự nguyện, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào và không ai được cưỡng ép hay cản trở 2 người tiến tới hôn nhân.Khi đã quyết định thành vợ chồng thì mỗi người phải làm giấy chứng nhận độc thân hay tờ khai đăng ký kết hôn (do UBND xã, phường nơi cô dâu, chú rể đăng ký hộ khẩu thường trú cấp). Sau đó mang tờ khai này kèm với chứng minh thư (hoặc hộ chiếu) và hộ khẩu thường trú (hoặc giấy đăng ký tạm trú) của cả 2 đến UBND xã, phường nơi cô dâu, chú rể thường trú hoặc tạm trú dài hạn làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Sau khi nhận đủ hồ sơ thì UBND xã, phường sẽ tiến hành xác minh, nếu đủ điều kiện thì sẽ cấp giấy đăng ký kết hôn. Khi đến nhận, cô dâu và chú rể phải có mặt và cùng ký tên trước sự chứng kiến của Chủ tịch UBND xã, phường hoặc cán bộ tư pháp.
Theo vị luật sư này, thủ tục đăng ký kết hôn rất phức tạp, vì thế khó có chuyện một bên làm sẵn giấy tờ khai đăng ký đến UBND phường làm thủ tục là thành vợ chồng được.
“Cho dù anh ta có làm hết mọi giấy tờ cần thiết và giấy chứng nhận độc thân cho cả 2 người nhưng nếu không có sự đồng ý của người vợ thì UBND xã, phường sẽ không cấp giấy đăng ký kết hôn”, luật sư Hiệp cho biết thêm.