Theo thể lệ cuộc thi, kết quả đêm chung kết phụ thuộc vào lượng tin nhắn của khán giả dành cho mỗi thí sinh.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Hồng Sơn - Chuyên gia pháp luật, Bộ Tư pháp xung quanh công văn gây xôn xao dư luận này.
TS. Lê Hồng Sơn - Chuyên gia pháp luật, Bộ Tư pháp. |
- Ông có theo dõi cuộc thi "The Voice Kids" không? Ông nhận xét thế nào về kết quả?
- Cả gia đình tôi đều theo dõi cuộc thi The Voice Kids từ đầu đến khi kết thúc. Phải thừa nhận cuộc thi rất hay, mang nhiều ý nghĩa và có sức lan tỏa tới đông đảo người dân. Với kết quả cuộc thi, ba cháu vào đêm chung kết đều hát rất hay. Sự thể hiện của Quang Anh trên sân khấu tại đêm chung kết, cá nhân tôi cho rằng danh hiệu quán quân dành cho em này là xứng đáng.
- Ông nghĩ sao nếu có người cho rằng, Quang Anh được giải nhất nhờ vào công văn kêu gọi nhắn tin của Sở GD&ĐT Thanh Hóa và UBND phường Đông Sơn?
- Không hẳn như vậy. Như tôi đã nói, cả ba cháu hát đều hay. Gia đình tôi đều có nhận xét Quang Anh nổi trội hơn 2 cháu còn lại. Cuộc thi lẽ ra đã thành công tốt đẹp, nếu không xuất hiện hạt sạn làm "vấy bẩn" chương trình. Nếu không xuất hiện công văn của các cơ quan này, mọi người cũng không thấy điều gì bất thường với danh hiệu Quán quân của Quang Anh.
- Theo ông, kết quả cuộc thi có nên được công nhận không?
- Việc cơ quan nhà nước ban hành công văn kêu gọi nhắn tin ủng hộ thí sinh tham gia cuộc thi là ngoài mong muốn của VTV3. Vấn đề này chưa được VTV3 đưa vào trong quy chế cuộc thi. Đơn vị này cần bổ sung đầy đủ quy chế. Khi đó, nếu cuộc thi không được thực hiện đúng quy chế, VTV3 có thể hủy kết quả để tổ chức thi lại.
Hai bức công văn của UBND phường Đông Sơn và Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa vận động bình chọn cho Quang Anh đã khiến cư dân mạng xôn xao. |
- Nhưng điều cần nhấn mạnh ở đây là cách thức và thẩm quyền của những cơ quan ban hành văn bản?
- Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh. Đây là loại văn bản dùng để chỉ đạo điều hành cơ quan công quyền của cấp trên đối với cấp dưới trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Cụ thể là chỉ đạo của Sở GD&ĐT đối với các đơn vị thuộc Sở, các phòng GD&ĐT, trường… trên địa bàn tỉnh.
Vậy nhưng, việc ban hành văn bản kêu gọi “bình chọn cho Quang Anh” đã vượt ra ngoài thẩm quyền, trách nhiệm của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa. Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa và UBND phường Đông Sơn được lập ra không phải là để thực hiện chức năng này. Văn bản của UBND phường Đông Sơn lại còn có số văn bản, chữ ký và dấu Quốc huy, truyền đạt việc thực hiện công văn chỉ đạo của Sở GD&ĐT với nội dung: “Đề nghị các phố thông báo trên loa phát thanh và vận động nhân dân bình chọn cho Quang Anh – người con của phường Đông Sơn”. Từ đó cho thấy biểu hiện sự "lệch chuẩn" của một số cơ quan nhà nước.
Mặt khác, nội dung công văn lại “uốn lượn”, không đúng tính chất của một văn bản của cơ quan công quyền. Đây có thể coi như một văn bản “chỉ đạo ngầm” rằng: “Hãy bình chọn cho Quang Anh - người con xứ Thanh”.
Việc kêu gọi còn thể hiện tính cục bộ địa phương – điều mà Nhà nước ta đang nỗ lực ngăn chặn. Mặt khác điều này cũng cho thấy sự háo danh, bon chen của một số cá nhân, nhằm lấy thành tích bằng những cuộc thi mang tính xã hội.
Quang Anh giành vòng nguyệt quế quán quân Giọng hát Việt Nhí. |
- Vậy cần xử lý thế nào với những công văn và cá nhân, tập thể ban hành văn bản này?
- Không cần đặt ra việc xử lý đối với những văn bản này vì nó là việc đã xảy ra. Tất nhiên, chính các cơ quan này cũng như cấp trên cần kiểm điểm trách nhiệm, xử lý đối với người ký công văn. Điều này cho thấy sự "lệch chuẩn" trong nhận thức cán bộ cơ quan công quyền. Nếu công văn này được phát đi từ một tổ chức đoàn thể thì tôi không phản đối.