Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ kiện 6 năm mở ra chương mới cho môn bóng đá nữ

Liên đoàn Bóng đá Mỹ cam kết sẽ trả lương công bằng cho đội tuyển quốc gia nữ. Tuyên bố kết thúc vụ kiện phân biệt giới và có thể mở ra chương mới cho làng túc cầu.

"Trả lương công bằng! Trả lương công bằng!"

Hàng triệu khán giả hô vang từ sân vận động ở Lyon (Pháp) cho đến đường phố New York (Mỹ) khi đội tuyển bóng đá nữ của Mỹ lên ngôi vô địch World Cup vào năm 2019, theo Time.

Nhưng phải mất 4 năm, điều ước của các nữ tuyển thủ và người hâm mộ của họ mới có cơ hội trở thành sự thật.

Trong một thông báo quan trọng hôm 18/5, Liên đoàn Bóng đá Mỹ (USSF), Hiệp hội cầu thủ đội tuyển nữ và Hiệp hội cầu thủ đội tuyển bóng đá của Mỹ đã thống nhất các thỏa thuận tập thể (CBA) về việc trả lương cho tuyển thủ.

tra luong cong bang cho nu cau thu anh 1

Đội tuyển Mỹ lên ngôi vô địch tại World Cup 2019. Ảnh: Alex Grimm.

Theo đó, các cầu thủ nam và nữ ở cấp đội tuyển quốc gia sẽ được cam kết hưởng lương và thưởng công bằng, dựa theo thành tích, thực lực, không có sự phân biệt giới tính.

Thỏa thuận mang tính bước ngoặt kết thúc vụ kiện phân biệt giới kéo dài nhiều năm cũng như mở ra chương mới cho việc trả lương công bằng trong làng túc cầu nói riêng, thể thao nói chung.

Lương thưởng sẽ được phân chia như thế nào?

Ngoài tiền lương, phí xuất hiện (khoản tiền trả cho đội bóng để tham gia một giải đấu quốc tế, sự kiện công cộng) và tiền thưởng cũng sẽ được cân bằng giữa hai đội. Hiện tại, mỗi cầu thủ tham gia trận giao hữu với đội được xếp hạng trong Top 25 của FIFA sẽ nhận được phí xuất hiện 8.000 USD10.000 USD tiền thưởng nếu giành chiến thắng.

Đội tuyển bóng đá nam cũng sẽ chia sẻ một phần doanh thu phát sóng, quần áo và tài trợ của mình với các cầu thủ nữ. Từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2026, các tuyển thủ nhận được 5,06 USD/vé trong các trận đấu diễn ra trên sân nhà.

Đáng chú ý nhất, đội nam và nữ sẽ cùng chia đều số tiền thưởng World Cup và Mỹ trở thành nước đầu tiền làm được điều này.

FIFA dành 400 triệu USD làm quỹ tiền thưởng cho World Cup 2018 có các đội bóng nam tham dự, trong đó 38 triệu USD thuộc về Pháp, đội tuyển vô địch năm đó.

tra luong cong bang cho nu cau thu anh 2

Các nữ cầu thủ đệ đơn kiện Liên đoàn Bóng đá Mỹ phân biệt giới tính. Ảnh: Michael Chow/USA Today.

Mặt khác, tổng giải thưởng của giải đấu dành cho nữ năm 2019 chỉ là 30 triệu USD. 4 triệu USD dành cho đội chiến thắng là Mỹ.

Đội bóng nam lọt vào vòng bảng thậm chí nhận số tiền thưởng gấp đôi đội nữ vô địch World Cup.

FIFA đã tăng tổng số tiền thưởng World Cup 2022 dành cho tuyển nam lên 440 triệu USD. Chủ tịch Gianni Infantino đề xuất FIFA tăng gấp đôi số tiền thưởng dành cho nữ lên 60 triệu USD cho Giải vô địch bóng đá nữ thế giới 2023 nhưng chênh lệch tiền thưởng giữa nam và nữ vẫn còn rất lớn.

USSF cho biết sẽ gộp số tiền thưởng mà các đội tuyển quốc gia giành được ở World Cup 2022 và 2023, và dành 90% số tiền để chia đều cho các cầu thủ.

CBA kêu gọi một chính sách tương tự trong các kỳ World Cup 2026 và 2027, với 80% số tiền được chia đều cho đội nam và nữ.

Thỏa luận trả lương công bằng cũng cam kết cung cấp số lượng, chất lượng chuyến bay và địa điểm, sân thi đấu đồng đều cho cả hai đội tuyển.

Bước ngoặt trong vụ kiện kéo dài 6 năm

Những thỏa thuận trên dường như sẽ kết thúc 6 năm tranh chấp giữa đội tuyển nam, nữ và USSF.

Năm 2016, 5 cầu thủ (Hope Solo, Carli Lloyd, Becky Sauerbrunn, Alex Morgan và Megan Rapinoe) lần đầu tiên đệ đơn khiếu nại về sự phân biệt đối xử về tiền lương với Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng (EEOC).

Tháng 3/2019, đội tuyển nữ Mỹ đệ đơn kiện USSF với cáo buộc phân biệt giới tính. Vụ kiện, với 28 cầu thủ nữ là nguyên đơn, tố cáo liên đoàn trả cho họ mức lương thấp hơn rất nhiều so với các nam đồng nghiệp.

Một năm sau, USSF bác bỏ cáo buộc và nói rằng "khoa học không thể chối cãi" chứng minh cầu thủ nữ thua kém cầu thủ nam. "Các cầu thủ nam gánh vác nhiều trọng trách hơn và đòi hỏi trình độ, kỹ năng cao hơn", liên đoàn đưa ra lập luận trong các tài liệu gửi lên tòa án.

Phát ngôn gây tranh cãi này đã buộc ông Carlos Cordeiro phải từ chức chủ tịch liên đoàn ngay sau đó.

tra luong cong bang cho nu cau thu anh 3

Bà Cindy Parlow Cone đang giữ chức chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Mỹ. Ảnh: Charles Rex Arbogast/AP.

Tháng 4/2020, một thẩm phán đã đưa ra phán quyết chống lại các tuyển thủ nữ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của bà Cindy Parlow Cone, người từng hai lần đoạt huy chương vàng Olympic và là thành viên của đội tuyển bóng đá nữ Mỹ vô địch World Cup 1999, đã báo hiệu những thay đổi.

Bà Cone đã thay thế ông Cordeiro giữ chức chủ tịch liên đoàn và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán để hai đội tuyển quốc gia có được thỏa thuận cân bằng lương thưởng.

"Chưa có nước nào làm được điều này. Tôi nghĩ mọi người nên tự hào vì những gì chúng ta đã đạt được. Nó thực sự mang tính lịch sử", bà Cone nói.

Walker Zimmerman, thành viên đội tuyển quốc gia nam của Mỹ đang chơi cho CLB Nashville SC ở Major League Soccer, cho biết: "Chúng tôi thấy rằng sẽ không có con đường nào phía trước nếu không cân bằng số tiền thưởng World Cup.

Nhiều khả năng chúng tôi kiếm được ít tiền hơn, không nghi ngờ gì nữa. Nhưng chúng tôi cũng rất tin tưởng đội nữ, tin tưởng vào mức lương công bằng. Và cuối cùng, đó là động lực lớn để chúng tôi làm được điều mà chưa đội bóng nào có thể đạt được trước đây".

Đội bóng nữ đầu tiên sẽ được trả lương bằng đồng nghiệp nam

Liên đoàn Bóng đá Mỹ cam kết đội tuyển quốc gia nam và nữ sẽ nhận lương, thưởng như nhau sau nhiều năm tranh chấp, kiện tụng gay gắt về phân biệt giới tính và trả lương bất công.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm