Leonard Whiting và Olivia Hussey trong phim "Romeo and Juliet". Ảnh: Bettmann. |
Vào những năm 1960, Olivia Hussey, lúc đó 15 tuổi, và Leonard Whiting, 16 tuổi, đảm nhận những vai diễn tạo dựng tên tuổi của cả hai trong bộ phim Romeo and Juliet.
Hai diễn viên trẻ đã tái hiện ấn tượng tác phẩm của William Shakespeare, nhưng màn trình diễn của họ bị lu mờ bởi những tranh cãi. Các cảnh quay khỏa thân của cả hai khi còn là những đứa trẻ hiện vẫn có thể được tìm thấy trên các trang web dành cho nội dung khiêu dâm, theo Insider.
55 năm sau, Hussey, hiện 71 tuổi và Whiting, hiện 72 tuổi, đang kiện hãng phim Paramount Pictures về tội lạm dụng trẻ em. Cả hai nói rằng đạo diễn Romeo and Juliet Franco Zefirelli đã đảm bảo các diễn viên được mặc quần áo màu nude và không khỏa thân trong các cảnh quay.
Nhưng thỏa thuận được cho là đã bị thay đổi trong những ngày quay cuối cùng, khi Zefirelli ép buộc các diễn viên thực hiện cảnh khỏa thân hoàn toàn.
Câu chuyện của Hussey và Whiting không phải là trường hợp duy nhất cho thấy ngành công nghiệp phim ảnh lạm dụng các ngôi sao trẻ trong nửa thế kỷ qua.
Từ thời New Hollywood cho đến những ngôi sao nhí thời hiện đại, rất nhiều diễn viên đã đánh mất tuổi trẻ, bị bóc lột, lạm dụng khi làm việc trong ngành giải trí.
Lịch sử lạm dụng
Judy Garland đã ký hợp đồng với công ty giải trí MGM vào năm 1935 và bắt đầu chuỗi bi kịch trong ngành giải trí từ đây. Theo Express UK, Garland buộc phải uống thuốc an thần và tuân thủ chế độ ăn kiêng trong nhiều năm.
Năm 47 tuổi, nữ diễn viên qua đời do sử dụng ma túy quá liều.
Trong cuốn sách về Garland xuất bản năm 2007 của Paul Donnelley, tác giả trích lời nữ diễn viên Lauren Bacall: "Từ khi còn nhỏ, Judy đã bị ép dùng ma túy để giảm cân, đi ngủ hoặc thức dậy".
Judy Garland vào vai Dorothy trong "The Wizard of Oz". Ảnh: Herbert Dorfman. |
Vào thời điểm nhận vai Dorothy trong The Wizard of Oz ở tuổi 16, Garland đã bị nghiện. Trong khi duy trì hình ảnh "cô gái nhà bên", Garland đã viết trong một cuốn tự truyện chưa xuất bản rằng cô thường xuyên bị quấy rối tình dục ở hậu trường bởi những người đàn ông lớn tuổi, bao gồm cả Louis B. Mayer, nhà sản xuất và đồng sáng lập của MGM.
Mayer bị cáo buộc đã cho người theo dõi Garland để đảm bảo rằng cô tuân theo chế độ ăn kiêng gồm thuốc, cà phê và súp gà.
Ngoài chế độ này, Garland còn phải mặc một chiếc áo nịt ngực đặc biệt để tôn lên những đường cong của mình.
Theo Daily Mail, Garland dự định viết một cuốn hồi ký kể chi tiết trải nghiệm của cô khi còn là một ngôi sao nhí với MGM, nhưng không bao giờ có thể thực hiện được điều này.
Mickey Rooney là bạn thân của Garland. Nam diễn viên trở nên nổi tiếng với vai diễn Andy Hardy năm 16 tuổi trong bộ phim A Family Affair của hãng MGM.
Sau thành công của bộ phim, hãng phim tiếp tục thực hiện thêm 15 bộ phim nữa với Rooney, 14 trong số đó được thực hiện trong vòng một thập kỷ. MGM thường quay các phim mới liền kề nhau, chỉ cách nhau vài ngày và đôi khi vài giờ.
Theo Express UK, một số tài năng trẻ, bao gồm cả Rooney, đã được cho uống thuốc và tiêm adrenaline để giữ sự tỉnh táo và có thể làm việc liên tục.
Theo Garland, các diễn viên được cho uống thuốc ngủ khi không thể ngủ. "Họ sẽ đưa chúng tôi đến bệnh viện và đánh gục chúng tôi bằng thuốc ngủ. Mickey nằm dài trên một chiếc giường và tôi trên giường khác. Rồi sau 4 giờ, họ sẽ đánh thức chúng tôi dậy và cho chúng tôi uống thuốc kích thích một lần nữa để có thể làm việc 72 giờ liên tục", Garland kể với Paul Donnelley.
"Thật kinh khủng"
Mỗi năm có khoảng 20.000 trẻ em thử vai ở Hollywood và 95% không giành được bất kỳ vai diễn nào. Nhưng khả năng thành công sau khi lớn lên trên màn ảnh nhỏ thậm chí còn thấp hơn.
"Nếu bạn định tham gia showbiz khi còn nhỏ, hãy đảm bảo rằng bạn có một công việc kinh doanh phụ khi trưởng thành", Todd Bridges, từng là một diễn viên nhí, nói.
Từ chối có thể là điều dễ dàng khi bạn đã trưởng thành, nhưng khi còn là một đứa trẻ dưới ánh đèn sân khấu, sự khắc nghiệt của công việc kinh doanh khiến việc nói không trở nên khó khăn.
Nhiều cựu diễn viên nhí trong bộ phim tài liệu Showbiz Kids chia sẻ những áp lực khi phải sống theo tham vọng trở thành ngôi sao của người lớn.
Wil Wheaton, người trở nên nổi tiếng nhờ vai diễn trong bộ phim ăn khách năm 1986 Stand By Me, tiết lộ anh đã bị đẩy lên vị trí trung tâm bởi người mẹ có ước mơ nổi tiếng của riêng mình.
"Đó chưa bao giờ là ý tưởng của tôi. Không một đứa trẻ 7 tuổi nào nói rằng chúng muốn đi làm", anh nói.
Hayden Panettiere tại buổi ra mắt phim "Raising Helen" ở Los Angeles. Ảnh: Jon Kopaloff. |
Tương tự, Hayden Panettiere cũng bắt đầu đóng quảng cáo khi mới 11 tháng tuổi, dưới sự dẫn dắt của cha mẹ. Cô được chọn tham gia loạt phim One Life to Live lúc 4 tuổi và gặt hái thành công lớn 7 năm sau đó nhờ Remember the Titans.
Kể từ đây, Panettiere bắt đầu kể về những tổn thương khi lớn lên trong ngành giải trí. Cô nói với People vào tháng 7 năm ngoái: "Trở thành một diễn viên nhí, thật kinh khủng".
Panettiere kể rằng năm 13 tuổi, cô đã uống rượu và bắt đầu được đưa cho những "viên thuốc hạnh phúc" khi 15 tuổi. Mặc dù thừa nhận mình không hiểu biết nhiều về ma túy, giờ đây cô tin rằng những viên thuốc đó là "một dạng Adderall".
Panettiere cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ABC News: "Sau khi uống thuốc, tôi được cử đến thảm đỏ, trở nên rất sôi nổi và hoàn toàn sẵn sàng trả lời các câu hỏi".
Nữ diễn viên đã không nhận ra điều này vào thời điểm đó, nhưng nó là khởi đầu của giai đoạn "tự hủy hoại bản thân", khiến cô nghiện ma túy và rượu sau này.
Tổn thương đối với những đứa trẻ showbiz không chỉ giới hạn ở những xâm phạm về thể xác. Đôi khi đó là tổn hại về tâm lý mà hầu như vô hình với người giám hộ.
Sau khi thực hiện Showbiz Kids, đạo diễn Alex Winter nhận ra cách vận hành đầy tàn nhẫn của ngành công nghiệp giải trí, nơi mọi người quên rằng họ không chỉ nói về một diễn viên nhí, họ còn đang nói về một đứa trẻ.
"Tôi sẽ không bao giờ đưa con mình vào ngành công nghiệp này", Winter nói sau khi kết thúc bộ phim.
Nhiều người trẻ xứ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, thường kết thúc một ngày với webtoon (truyện tranh số). Thế giới ảo này giúp họ tạm quên đi mệt mỏi mà không tốn thời gian hay tiền bạc. Sự phổ biến ngày càng lớn của webcomic, hay còn gọi webtoon (truyện tranh số), đã có tác động tích cực đáng ngạc nhiên đến ngành xuất bản.