Trong cáo trạng vụ án Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt 433 tỷ đồng của 3 ngân hàng và một số cá nhân, VKS xác định ông Đặng Nghĩa Toàn, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, là người có quyền lợi liên quan khoản tiền lớn nhất bị chiếm đoạt (122 tỷ đồng)
Tại phiên tòa mở lần 2 hồi đầu tháng 5, HĐXX TAND Hà Nội đã trả hồ sơ đề nghị làm rõ ông Toàn có đồng phạm với Hà Thành về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không. Cáo trạng mới đây thể hiện không có căn cứ cáo buộc ông Toàn biết và giúp sức cho bị can Thành.
Giả chữ ký trong hồ sơ thế chấp sổ tiết kiệm
Bị can Thành khai quen ông Toàn khoảng tháng 10/2017, qua giới thiệu của Nguyễn Giang Hòa, một trong những cá nhân đồng sở hữu gửi tiền với Thành tại VietABank.
Tháng 6/2018, Thành đề nghị ông Toàn gửi tiết kiệm vào các ngân hàng do Thành chỉ định, rồi đưa sổ tiết kiệm cho nữ bị can này quản lý. Đổi lại Thành trả thêm lãi ngoài cho ông Toàn 4,2-4,5%/tháng.
Nguyễn Thị Hà Thành tại phiên xử hồi tháng 5. Ảnh: H.L. |
Theo VKS, ông Toàn đã đồng ý với đề nghị của bị can. Sau đó, Thành thỏa thuận với Nguyễn Hồng Trung (chuyên viên cao cấp thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân - NCB) về việc giới thiệu ông Toàn đến gửi tiền rồi thế chấp sổ tiết kiệm để vay vốn kinh doanh.
Từ tháng 6/2018 đến tháng 8/2018, theo đề nghị của Thành, ông Toàn và vợ là bà Tạ Thị Thu Trang gửi 4 sổ tiết kiệm với tổng số tiền 50 tỷ đồng vào chi nhánh NCB, rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành giữ.
Cơ quan chức năng xác định Thành bàn bạc với Nguyễn Thanh Tùng (người nắm giữ 3 Công ty Jeongho Landmark, MHD và Eurocell) sử dụng pháp nhân Jeongho Landmark thực hiện 4 khoản vay rồi chiếm đoạt của NCB tổng số tiền 47,5 tỷ đồng.
Về hành vi của Thành và đồng phạm, VKS nêu sau khi dùng tài sản đảm bảo là các sổ tiết kiệm đứng tên vợ chồng ông Toàn, các bị can lập khống hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Jeongho Landmark và Eurocell (đã chấm dứt hoạt động từ cuối năm 2017). Để hợp thức, Tùng giả chữ ký của ông Hải (Giám đốc Eurocell) rồi đưa vào hồ sơ và chuyển cho Trung.
Quá trình thẩm định, Trần Thị Hoa (Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội kiêm Giám đốc khu vực Tây Hà Nội của NCB) cùng Nguyễn Hồng Trung và một số nhân viên nhà băng đã không thẩm định để làm rõ ông Hải và vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn có đồng ý dùng tài sản của mình làm khoản đảm bảo cho Thành vay hay không.
Theo quy định của nhà băng, nhân viên thẩm định hồ sơ cấp tín dụng cần trực tiếp lấy thêm chữ ký của vợ chồng ông Toàn để xác nhận họ có đồng ý cho sử dụng sổ tiết kiệm làm tài sản đảm bảo khoản vay không. Song theo VKS, Trung cùng một số nhân viên thuộc ngân hàng lại giao hồ sơ này cho Hà Thành đi lấy chữ ký. Khi đó, Thành và Tùng đã ký giả chữ ký của ông Toàn, bà Trang.
Nhận được bộ hồ sơ có đủ chữ ký, Trung chuyển cho cấp trên ký duyệt, giải ngân vào tài khoản của Công ty Eurocell mở tại NCB. Từ đây, Thành đã dùng séc của công ty này rút tiền để chi tiêu cá nhân.
Cũng với cách thức như trên, cuối tháng 10/2018, sau khi đề nghị vợ chồng ông Toàn gửi 52 tỷ đồng (chia làm 3 sổ tiết kiệm) vào chi nhánh PVcomBank, Hà Thành và Tùng đã giả chữ ký trong hồ sơ thế chấp, chiếm đoạt của nhà băng này 49,4 tỷ đồng. Còn tại VietABank, tháng 11/2018, Thành và Tùng tiếp tục giả chữ ký của ông Toàn, thế chấp sổ tiết kiệm trị giá 20 tỷ đồng để vay 19,5 tỷ đồng.
VKS xác định ông Đặng Nghĩa Toàn không lừa đảo
Theo VKS, tổng số tiền Hà Thành vay ông Toàn rồi chỉ định ông này gửi tiết kiệm vào 3 nhà băng là 122 tỷ đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 5 và trong cáo trạng, bị can Thành khai đã trả cho ông Toàn 35 tỷ đồng tiền gốc, hơn 44 tỷ đồng tiền lãi cùng chiếc xe Mercedes trị giá khoảng 2 tỷ đồng. Quá trình điều tra bổ sung, Thành khai khi nhận các sổ tiết kiệm từ ông Toàn, bị can nghĩ rằng ông này biết Thành sẽ cầm cố cho các khoản vay tại 3 ngân hàng.
Còn ông Toàn phủ nhận toàn bộ lời khai của Nguyễn Thị Hà Thành. Ông Toàn khai khi nghe Thành giới thiệu là nhân viên ngân hàng đi huy động chỉ tiêu, ông đã gửi tiền vào các ngân hàng do Thành chỉ định. Ngoài khoản tiền lãi trên sổ tiết kiệm, Thành trả thêm lãi ngoài cho ông Toàn. Tin lời Thành nên ông Toàn thực hiện theo đề nghị của bị can.
Các sổ tiết kiệm liên quan vụ án. Ảnh: CTV. |
Đối với việc đưa sổ tiết kiệm cho Thành giữ, ông Toàn và vợ cho rằng họ làm việc này là do bị can Thành yêu cầu, để đảm bảo chủ tài khoản không rút tiền trước hạn, làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu của Thành. Hàng tháng, ông Toàn vẫn được ngân hàng trả lãi, không thấy bị phong tỏa sổ tiết kiệm hay tiền lãi.
Căn cứ kết quả giám định các chứng từ có chữ ký của ông Toàn, VKS xác định vợ chồng ông này chỉ ký phiếu thu, giấy gửi tiết kiệm, bảng kê thu tiền... Còn chữ ký trên hồ sơ vay, tất toán không phải của vợ chồng ông Toàn. Từ đó, VKS kết luận không có căn cứ cáo buộc ông Toàn biết và giúp sức cho Hà Thành dùng sổ tiết kiệm lừa đảo chiếm đoạt tiền của 3 ngân hàng.
"Thực tế không có ngân hàng nào trả lãi ngoài bằng 100% lãi suất niêm yết công khai, nên lời khai của ông Toàn về việc không cho Thành vay 122 tỷ đồng, mà gửi tiết kiệm lấy lãi suất tại 3 ngân hàng là không có cơ sở", cáo trạng nêu. Hồ sơ vụ án đủ cơ sở xác định quan hệ giữa Thành và ông Toàn là vay tiền - trả lãi như lời khai của Thành. Tuy nhiên, lãi suất 4,2%-4,5%/tháng không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Toàn nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý hành vi này.
Việc Hà Thành khai đã trả cho ông Toàn 35 tỷ đồng đến nay không có tài liệu nào chứng minh. VKS thấy không có căn cứ kết luận ông Toàn đã nhận khoản tiền này từ Hà Thành. Đối với tiền lãi, tài liệu vụ án cho thấy bị can đã trả cho ông Toàn, nhưng không xác định được số tiền lãi cụ thể mà Thành đã trả đối với 122 tỷ đồng ông Toàn gửi tại 3 ngân hàng.
VKS ghi nhận trong vụ án này, vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn đã yêu cầu 3 ngân hàng NCB, PVcomBank và VietABank phải trả cho họ tổng số tiền 122 tỷ đồng đã gửi vào các nhà băng.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về phạt tiền, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.