Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ MC Minh Tiệp bị tố đánh em: 'Tát rách môi trẻ có thể bị phạt tù'

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, người lớn tát, đánh rách môi trẻ có thể bị xem xét tội hành hạ trẻ em.

Ngày 25/5, tài khoản Facebook có tên T.D. nhận mình là em vợ MC/BTV Minh Tiệp của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Nữ sinh lên tiếng tố cáo nam MC/BTV đánh mình rách môi, cũng như bạo hành trong suốt 5 năm.

Trao đổi với Zing.vn, bố của T.D là bác sĩ Phạm Cầm Kỳ - giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình - nói "cả hai có va chạm, nhưng do mâu thuẫn nhỏ". 

Trả lời báo chí, MC/BTV Minh Tiệp thừa nhận có "động tay động chân" khi thấy T.D. dùng kéo dọa vợ con mình. Anh phủ nhận thông tin bạo hành em vợ trong nhiều năm như T.D. tố cáo trên mạng.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), chưa thể kết luận vụ việc này, bởi thông tin các bên còn chưa thống nhất, cần cơ quan chức năng điều tra, kết luận. Tuy nhiên, ở góc độ pháp luật, ông Thơm cảnh báo nếu người lớn đánh trẻ em sẽ bị xem xét xử lý theo quy định, thậm chí bị phạt tù.

Có thể bị phạt tù

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, điều 1, Luật Trẻ em 2016 quy định: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Luật này nghiêm cấm hành vi bạo lực trẻ em và không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

to mc minh tiep bao hanh anh 1
Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn luật sư TP Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Mọi hành vi sử dụng vũ lực xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe người khác trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm.

Nếu người bị tố tát, đánh rách môi trẻ em, có thể bị xem xét tội hành hạ trẻ em theo điều 140 Bộ luật Hình sự; bị phạt tù từ một đến 3 năm (nếu nạn nhân dưới 16 tuổi).

Cụ thể, với tội hành hạ người khác, người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại điều 185 của bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Người nào phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến 3 năm: Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên; Đối với 2 người trở lên.

Trường hợp khác, người bị tố bạo hành trẻ em suốt 5 năm có thể bị xem xét tội hành hạ người khác và cố ý gây thương tích. Khi đó, tội phạm và hình phạt được quy định tại điều 140 và điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.

Điều 134 quy định người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; Đối với người dưới 16 tuổi...

Cũng theo luật sư Thơm, nếu trẻ có những ứng xử chưa đúng mực trong sinh hoạt khi ở chung nhà, người lớn cần khuyên bảo hoặc thông báo cho bố mẹ, hoặc nếu cần thiết thì đưa cho bố mẹ chăm lo, dạy bảo, không được bạo hành trẻ.

Cơ quan công an cần vào cuộc nếu có dấu hiệu bạo hành

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho hay khi có dấu hiệu trẻ bị bạo hành, cần có sự can thiệp của công an để điều tra, xử lý. Các hội bảo vệ quyền trẻ em cũng chỉ hỗ trợ tìm hiểu nội dung sự việc, chứ không có chế tài xử lý.

Thông tin tố cáo trên mạng xã hội cũng là căn cứ cho các cơ quan pháp luật xử lý. Trường hợp cháu T.D. đã thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, có thể xem xét theo điều 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Bà Ninh Thị Hồng - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - cho hay hội đã kiến nghị cơ quan chức năng nhanh chóng xác minh có hay không việc T.D. bị anh rể bạo hành.

Người này cũng cho rằng trẻ em ngày càng mạnh dạn nói lên ý kiến của bản thân. Các em vượt qua rào cản xã hội để công khai sự việc bị người thân đối xử không tốt.

"Một tín hiệu đáng mừng khác là cộng đồng đang rất quan tâm và lên án hành vi bạo hành trẻ em", bà Hồng nói. 

T.D. bất ngờ livestream về vụ tố MC Minh Tiệp đánh mình Tối 27/5, trên trang cá nhân, T.D. khẳng định đoạn chia sẻ mới đây của cô hoàn toàn đúng sự thật, không bị ép buộc từ gia đình.

Ngày 25/5, một tài khoản Facebook có tên T.D. nhận mình là em vợ MC/BTV Minh Tiệp của VTV, tố bị anh rể đánh rách môi.

Sau đó, tài khoản có tên Phuong Minh Pham - tự nhận là chị thứ hai của T.D. - lên tiếng phủ nhận những gì em mình chia sẻ trên trang cá nhân. Chị gái cả của nữ sinh (vợ MC Minh Tiệp) cũng khẳng định trên mạng là sự việc không như T.D. phản ánh.

Tối 27/5, T.D. livestream trên Facebook, đính chính một số thông tin liên quan sự việc: "Hiện tại mình ổn, rất cảm ơn ý tốt của các anh chị từ những trung tâm bảo vệ trẻ em nhưng mình/em xin phép từ chối anh chị vì em hoàn toàn bình thường ạ.

Ngoài ra, việc bố mẹ mình xin giấy chứng nhận tâm thần từ bệnh viện gì gì đó là hoàn toàn không có thật. Mình mong mọi người biết đâu là đúng, đâu là sai để tránh nghe/đọc phải những thông tin đã bị thổi phồng".

Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam lên tiếng về nữ sinh tố MC bạo hành

Sáng 28/5, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thông tin liên quan vụ việc nữ sinh của trường lên mạng tố BTV Minh Tiệp bạo hành mình nhiều năm.

Diễn biến vụ MC Minh Tiệp bị em vợ tố bạo hành Ngày 25/5, tài khoản T.D. đăng lời kêu cứu, tố cáo anh rể là BTV Minh Tiệp bạo hành. Vụ việc gây xôn xao, VTV mới đây đã cho Minh Tiệp tạm dừng việc lên sóng.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm