Sáng 28/6, khi đang học trực tuyến, nam sinh tên N.V.T., sinh viên Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech), có hành vi khỏa thân, quan hệ với bạn gái mà không tắt camera.
Tình huống xảy ra bất ngờ, giảng viên đứng lớp nhanh chóng nhắc nhở và tắt camera của nam sinh nhưng một sinh viên khác đã kịp ghi lại. Đoạn video trên bị lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội.
Phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ TP.HCM xác nhận đoạn video được lan truyền trên mạng là cảnh quay trong một buổi học online của trường. Nam sinh trong đoạn video đã gửi thư xin lỗi vì hành động của mình.
Đoạn video nhạy cảm của nam sinh trường Hutech bị phát tán trên mạng. |
Nhà trường cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử khi học online
Vụ việc của nam sinh N.V.T. chưa từng có trong tiền lệ của nhà trường nói riêng và việc dạy học online tại Việt Nam nói chung. Vì thế, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), khuyên nhà trường cần tổ chức gặp mặt với nam sinh trong vụ việc trên, giúp em hiểu rõ mức độ ảnh hưởng của hành vi này đến bản thân, lớp học, thậm chí uy tín của nhà trường.
Đồng thời, sau vụ việc này, Đại học Công nghệ TP.HCM và các cơ sở giáo dục trên cả nước cần rút kinh nghiệm và xây dựng bộ quy tắc ứng xử khi dạy học trực tuyến và phổ biến cho học sinh, sinh viên.
Theo quan điểm của TS Trần Thành Nam, vụ việc này đã làm rõ một vấn đề bất cập là "năng lực số" của nhiều học sinh, sinh viên còn kém. Ví dụ, trong vụ việc trên, N.V.T. có thể không ý thức được giảng viên có thể quản lý, tùy chỉnh camera và micro của sinh viên.
Chưa kể, việc này cũng để lộ nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý, dạy học online. So với học trực tiếp, các lớp học trực tuyến bị hạn chế về mặt tương tác, khiến học sinh nhàm chán, dễ mất tập trung, dẫn đến việc ngủ quên hoặc làm việc riêng khi giáo viên đang giảng bài.
"Chính những tiết học nhàm chán, thiếu tương tác đã gây ra những hành vi lệch chuẩn ở học sinh, sinh viên", TS Nam nhận định.
Các nhà trường cần đẩy mạnh công tác quản lý, thiết lập một số quy định cho giáo viên, sinh viên khi dạy, học online. Đồng thời, các giáo viên, giảng viên cần được tập huấn các kỹ năng giảng bài trực tuyến và xử lý các sự cố khi lên lớp.
"Chính những tiết học nhàm chán, thiếu tương tác đã gây ra những hành vi lệch chuẩn ở học sinh, sinh viên"
TS Trần Thành Nam
Ví dụ, trong tình huống của nam sinh T., giáo viên đứng lớp phải là người đầu tiên đứng ra xử lý khủng hoảng, quán triệt sinh viên không được phép ghi hình, tung hình ảnh, video lên mạng.
Ngoài ra, học sinh, sinh viên cần được phổ cập các quy tắc ứng xử trên không gian mạng, cụ thể là vấn đề phát tán hình ảnh, video nhạy cảm của người khác. Trong một số trường hợp, phát tán hình ảnh, video của người khác khi chưa được phép có thể bị quy vào hành vi vi phạm pháp luật.
TS Nam cho rằng, khi việc dạy học online trở nên phổ biến, nhà trường càng phải biến các quy tắc ứng xử trở thành "văn hóa" trong dạy và học, biến nó trở thành "hơi thở của cuộc sống".
"Càng đưa cuộc sống thật lên thế giới ảo, con người càng phải sống thật, tức là phải có đạo đức thật, giá trị thật. Thậm chí, con người cần nghiêm khắc với bản thân hơn cả đời sống thật", TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Học sinh, sinh viên nên cẩn thận và biết bảo vệ mình
Có kinh nghiệm dạy học online nhiều năm, TS Xã hội học, chuyên viên tham vấn tâm lý Phạm Thị Thuý, nhận định việc sơ suất trong quá trình dạy và học trực tuyến là không thể tránh khỏi.
Trước vụ việc nam sinh trường Hutech khỏa thân khi học online, nhiều người đặt câu hỏi nghi ngờ và cho rằng N.V.T. cố tình để lộ hình ảnh nhạy cảm khi lên lớp. TS Thúy cho rằng dù vô tình hay cố ý, khi bị phát tán clip lên mạng, nam sinh này đã trở thành nạn nhân của tấn công mạng, đặc biệt là những trò “xin link”.
TS Thúy hy vọng cộng đồng mạng có thể xóa và ngừng chia sẻ đoạn video, đồng thời ngừng bàn tán, chỉ trích hành động của N.V.T.. Bà lo ngại nếu việc “xin link” kéo dài, cuộc sống của nam sinh có thể bị ảnh hưởng, thậm chí có những cú sốc tâm lý và để lại hậu quả đáng tiếc.
“Một hành động “xin link” có thể ảnh hưởng đến cả một con người”, TS Phạm Thị Thúy nói, đồng thời lên án hành vi phát tán video của người bạn trong lớp. Bà cho rằng việc phát tán video nhạy cảm của người khác là hành vi lệch chuẩn đạo đức, cố tình làm hại người khác.
Sau vụ việc này, gia đình, nhà trường cần hỗ trợ và giúp T. vượt qua cơn khủng hoảng. Mọi người không nên trách phạt, chỉ trích mà nên động viên để em sớm lấy lại tinh thần, tiếp tục học tập.
Riêng cá nhân nam sinh trong vụ việc, TS Thúy khuyên em này nên khóa trang cá nhân, tạm dừng sử dụng mạng xã hội một thời gian. Những bình luận ác ý trên mạng có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ và làm “nhiễu” quá trình hồi phục, ổn định tâm lý của nạn nhân. Người nhà nam sinh cũng không nên sử dụng mạng xã hội, tránh đọc các bình luận tiêu cực dưới bài đăng liên quan.
Trước những lời đàm tiếu của dư luận, nam sinh nên im lặng, không nên tranh cãi, gây gổ trên mạng. TS Thúy lo ngại nếu nạn nhân quyết “đối đầu” với cộng đồng mạng, người tổn thương sẽ là nam sinh đó.
Dân mạng có thể ẩn sau những tài khoản ảo để chỉ trích, “cà khịa”, thậm chí bới móc đời tư của nạn nhân. Tranh cãi không mang lại kết quả, chỉ khiến mọi việc đi quá xa và tồi tệ hơn.
TS Thúy khuyên nam sinh nên chơi thể thao hoặc tham gia những hoạt động yêu thích để hạn chế những suy nghĩ tiêu cực. Nếu có thể, em nên tìm đến chuyên gia tâm lý hoặc tìm một người đáng tin cậy để lắng nghe và cùng nhau tìm cách vượt qua cơn khủng hoảng.
“Đối mặt với vấn đề và biết rút ra bài học kinh nghiệm là tốt, nhưng nạn nhân không nên đối mặt một mình”, chuyên gia nói.
Khi đại dịch bùng phát, việc sử dụng các phương tiện xã hội để học tập, làm việc trở nên phổ biến. Mạng ảo, nhưng cuộc sống là thật, việc để lộ thông tin cá nhân, hay thậm chí là để lộ hình ảnh, video nhạy cảm là tình huống khó lường.
Để bảo vệ bản thân trên không gian mạng, học sinh, sinh viên cần cẩn trọng với lời nói, hành động của bản thân. Đặc biệt, khi tham gia các lớp học online, học sinh chỉ nên tập trung vào việc học, tránh làm việc riêng hoặc có những lời nói, hành vi phản cảm, gây ảnh hưởng đến bản thân, giáo viên và tập thể lớp.