Sáng 14/1, các bị cáo liên quan vụ nam sinh trường Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe buýt gồm Nguyễn Bích Quy, Nguyễn Thị Thủy và Doãn Quý Phiến lần lượt trả lời các câu hỏi của HĐXX. Cô giáo chủ nhiệm lớp, nơi nạn nhân theo học nhiều lần bật khóc.
Người đưa đón bé Lê Hoàng Long khai gì?
Bị cáo Nguyễn Bích Quy (nhân viên giám sát trên xe của Công ty Ngân Hà) là người đầu tiên trả lời thẩm vấn. Trước khi đề cập về vụ việc đã xảy ra, bị cáo 54 tuổi xác nhận quá trình điều tra bà không bị ép cung, dùng nhục hình hay mớm cung.
Bà Quy khai là nhân viên giám sát xe buýt số 19 cho Công ty Ngân Hà, bắt đầu đi làm 2 ngày trước khi xảy ra vụ việc bé Long tử vong. Bị cáo được lãnh đạo Công ty Ngân Hà thuê đi đưa đón học sinh với mức lương 2,8 triệu/tháng.
Tài xế xe số 19 là bị cáo Doãn Quý Phiến. Hàng ngày, bà Quy có nhiệm vụ đưa đón 13 học sinh tại các điểm đón. Sau khi đến trường, người phụ nữ đưa học sinh lên nhà ăn ở tầng 2 rồi xuống tầng 1 ký sổ.
Bị cáo có được trường Gateway tập huấn không? Bà Quy nói trường không tập huấn công việc đưa đón học sinh. Còn Công ty Ngân Hà chỉ hướng dẫn sơ qua, không chỉ cách cụ thể phải đưa đón ra sao.
Khoảng 6h45 ngày 6/8/2019, tài xế Phiến chở bà Quy đến nơi bé Long ở tại Trung Yên Plaza. Chờ khoảng 10 phút, nam sinh 7 tuổi mặc áo đỏ, đi dép đỏ và được một phụ nữ dẫn xuống. Người phụ nữ này cầm chiếc ba lô đỏ quai xanh đi theo Long.
“Lúc đó, Long vẫn khỏe mạnh và tự lên xe. Cháu ngồi hàng ghế thứ 4, gần cửa sổ nhưng không buồn ngủ”, bị cáo Quy khai và nói sau đó, bị cáo cầm ba lô của Long đặt cạnh chỗ bé ngồi.
Hơn 7h, xe buýt đến cổng trường. Khi đó, bà Quy mở cửa xe cho học sinh xuống. Nữ bị cáo khẳng định tất cả học sinh đều bình thường, riêng 2 bé học lớp 1 khóc nên bà phải dỗ để đưa vào trường.
"Tôi không thấy còn cháu nào xuống nên đóng cửa xe”, bị cáo khai và trình bày bản thân không lên xe để kiểm tra lại.
Bị cáo có thấy cháu Long xuống xe không? Trả lời, bà Quy khai bị cáo không nhớ rõ vì hôm trước đó, Long cũng tự xuống xe và đi vào trường. Do đông học sinh nên bị cáo không để ý. Sau khi học sinh ăn sáng, bị cáo xuống tầng 1 rồi ghi vào sổ là đủ 13 người.
"Tôi nghĩ các cháu bình thường, đã xuống hết xe nên mới ghi 13 em vào sổ", bà Quy khai.
Bị cáo Nguyễn Bích Quy. Ảnh: N.H. |
Lúc 15h45 cùng ngày, nữ nhân viên giám sát trở lại trường để đón học sinh. Có 3 bé được gia đình đón, còn lại 10 người nhưng đếm chỉ có 9 nên bà Quy thông báo cho nhân viên nhà trường.
Hơn 16h, nữ bị cáo dẫn học sinh ra cổng thì thấy ông Phiến ra hiệu. Khi mở cửa xe, bà Quy nghe các học sinh hô hoán có người chết nên nhìn vào khoang chở khách.
“Lúc đó, bị cáo thấy cháu Long nằm ngửa, chân tay duỗi thẳng nằm sau ghế lái. Hai chiếc dép nằm 2 vị trí, ba lô cháu nằm hàng ghế thứ 3”, bà Quy kể lại sự việc và cho biết bản thân hoảng sợ nên không nói được gì. Sau đó, một nam thanh niên lao lên xe bế Long đưa đi cấp cứu.
Bị cáo có thông báo cho nhà trường không? Bà Quy trả lời do học sinh hỗn loạn khi phát hiện nam sinh trên ôtô nên bị cáo phải trông giữ họ, không báo cho nhà trường.
Tài xế nói sau 2 ngày đi làm thì xảy ra vụ việc
Sau khi bà Quy dứt lời, bị cáo Doãn Quý Phiến tiếp tục trả lời xét hỏi. Cũng như bà Quy, tài xế xe buýt số 19 khai hôm phát hiện cháu Long, ông ta mới làm việc được ngày thứ 2.
Hàng ngày, ông Phiến có nhiệm vụ lái xe chở bà Quy đến các cung đường và nhiều địa điểm để đón, trả học sinh.
Theo danh sách cam kết, bị cáo Phiến phải đón 13 học sinh. Sáng 6/8, sau khi đón Lê Hoàng Long, ông ta không biết cháu bé ngồi ở hàng ghế nào. Kể cả khi xe đến trường, bà Quy mở cửa và đưa học sinh xuống nhưng bị cáo vẫn ngồi ở ghế lái, không rời vị trí.
Sau khi bị cáo Quy đóng cửa xe để đưa học sinh vào trường, ông Phiến tiếp tục lái xe về bãi đỗ trong ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên Truyền. “Bị cáo không kiểm tra xe, thành ghế lái cao, trong xe có gương chiếu hậu nhưng không bao quát học sinh trên xe nên bị cáo ít khi dùng gương đó”, ông Phiến trình bày.
Ngày 6/8 bị cáo có thấy quả bóng bay trong xe không? Trả lời chủ tọa, ông Phiến khai hôm đó bị cáo không để ý nên không biết có quả bóng bay trên xe hay không.
Bên trong phòng xử vụ án. Ảnh: Hải Nam. |
Cô giáo chủ nhiệm: "Tôi nghĩ học sinh có thể sao nhãng"
Trưa 14/1, TAND quận Cầu Giấy xét hỏi Nguyễn Thị Thủy (giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo - nơi bé Long học).
Cô giáo sinh năm 1990 nhiều lần bật khóc, đứng cúi mặt trước bục khai báo khi trả lời các câu hỏi của chủ tọa.
Theo lời khai, Thủy được phân công đứng lớp 1 Tokyo với vai trò chủ nhiệm trong năm học 2019-2020, quản lý 17 học sinh trong đó có Long.
Đầu năm học, bị cáo được nhà trường tập huấn về sổ tay giáo viên chủ nhiệm, trong đó có các quy định dành cho vị trí chủ nhiệm lớp. "Trường vận hành phần mềm quản lý học sinh, trong đó có phần đi học, nghỉ học có lý do, không có lý do, đi muộn", bị cáo khai và cho biết sáng 6/8/2019, bị cáo điểm danh và thấy thiếu Long.
Theo quy định thì giáo viên chủ nhiệm phải điền sĩ số trên bảng nhưng hôm đó, Thủy không làm việc này. Sau đó, Thủy chỉ trao đổi với một đồng nghiệp nhưng không liên hệ với phụ huynh của Long.
"Tôi nghĩ mới là ngày thứ 2 đi học, có thể học sinh sao nhãng nên tôi không liên hệ phụ huynh”, bị cáo trình bày.
Tại phần xét hỏi, chủ tọa cũng công bố lời khai của một số học sinh ngồi cùng chuyến xe buýt số 19 với nạn nhân Lê Hoàng Long vào sáng 6/8.
Bé P.T.N. khai sáng hôm đó, N. lên xe thấy Long đang nằm ngủ trên ghế. Một lúc sau, Long dậy ngồi sát cửa sổ. Chiều cùng ngày, các học sinh tan học, tập trung ở cổng thì phát hiện nạn nhân nằm trên ôtô.
Còn nhân chứng L.T.M. kể khi được bà Quy đưa lên xe buýt, học sinh này thấy bạn Long nằm ngủ ở hàng ghế thứ 4. Do không có chỗ nên M. đến sát ghế thứ 4 ngồi thì Long ngồi dậy, di chuyển sát vào bên trong sát cửa sổ. 16h, bà Quy mở cửa cho các cháu lên xe thì M. thấy Long nằm bất động ở xe.
Là người bế nạn nhân đưa đi cấp cứu, anh Chung khai hôm đó đang đứng trong trường thì có người gọi có học sinh bị ngất. Anh này chạy ra thấy trên xe có cháu bé nên nhảy lên bế cháu vào Phòng Y tế.
"Tôi thấy cửa xe mở, bên trong đầu cháu bé hướng ra cửa xe, chân quay vào trong. Tôi cuống nên không biết cháu thế nào, tôi ôm chặt cháu chạy vào trong. Lúc đó người cháu hơi cứng", anh Chung trình bày.
Vào Phòng cấp cứu, 2 y tá hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực. Nhân chứng khẳng định anh ta không thấy ai tiêm cho cháu. Sau đó, xe 115 đến để đưa nạn nhân đi cấp cứu.
Anh Sơn (bố của nạn nhân) yêu cầu các bị cáo bồi thường 1 tỷ đồng. Ảnh: Hải Nam. |
Đề nghị bồi thường 1 tỷ đồng
Được chủ tọa yêu cầu trình bày tại tòa, ông Lê Văn Sơn (bố của nạn nhân Long) cho rằng cái chết của con trai 7 tuổi còn nhiều uẩn khúc, nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ.
Ngoài ra, ông Sơn có quan điểm cáo trạng của VKSND quận Cầu Giấy khá sơ sài, chưa chỉ ra được trách nhiệm của những người có liên quan, một số tình tiết của vụ án chưa logic với nhau.
Ông Sơn cũng khẳng định hôm xảy ra vụ việc (6/8/2019), kể từ lúc Long bước lên xe buýt vào buổi sáng cho đến sẩm tối, gia đình không hề nhận được thông tin nào về con.
Kể cả lúc Long vắng mặt ở lớp học vào sáng 6/8, phụ huynh cũng không được giáo viên chủ nhiệm thông báo. Khoảng 16h45 chiều hôm đó, vợ ông Sơn nhận được tin cháu Long bị ngất từ cuộc gọi của bà Quy và qua số máy hotline của nhà trường.
Sau khi nhận điện thoại của vợ, ban đầu ông Sơn ra Bệnh viện Nhi Trung ương nhưng không thấy con. Sau đó, ông được thông báo cháu đang được đưa đến Bệnh viện E. Khi gia đình đến Bệnh viện E thì được thông báo cháu bé đã tử vong.
"Vụ việc để lại cho gia đình sự mất mát vô cùng đau thương. Tôi đề nghị tòa xét xử nghiêm minh các bị cáo để tương xứng với hậu quả", ông Sơn kiến nghị.
Khi HĐXX đề cập bồi thường dân sự, bố đẻ của nam sinh tử vong nói gia đình không yêu cầu trách nhiệm dân sự đối với trường Gateway và bị cáo Nguyễn Thị Thủy.
Với 2 bị cáo Doãn Quý Phiến và Nguyễn Bích Quy cùng những người liên quan khác nếu có, ông Sơn đề nghị tòa xem xét buộc họ bồi thường tổng số tiền 1 tỷ đồng.
“Chúng tôi đưa ra mức này để các bị cáo thấy đây là một sự việc nghiêm trọng, gây ra hậu quả rất lớn đối với gia đình”, ông Sơn giãi bày.