Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ nhận 11 tỷ đồng lót tay: 'Chỉ để hỗ trợ ban dự án'

Phủ nhận cáo buộc nhận 11 tỷ đồng lót tay, cựu phó giám đốc cho rằng trước khi ký hợp đồng, hai bên nêu khó khăn, phía JTC chủ động hỗ trợ ban dự án.

 

Sáng 26/10, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Ban Quản lý các Dự án đường sắt (viết tắt là RPMU) thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

6 bị cáo nguyên là dàn lãnh đạo của RPMU gồm: Phạm Hải Bằng (49 tuổi, cựu Phó giám đốc RPMU), Nguyễn Nam Thái (38 tuổi, cựu trưởng phòng thực hiện Dự án 3 thuộc RPMU, Phạm Quang Duy (40 tuổi, cựu Phó giám đốc RPMU) và 3 cựu Giám đốc RPMU là Trần Văn Lục (57 tuổi), Trần Quốc Đông (51 tuổi), Nguyễn Văn Hiếu (53 tuổi.

Phiên tòa dự kiến diễn ra vào 2 ngày (26 – 27/10), chủ tọa là thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó chánh tòa Hình sự, TAND Hà Nội). Có 8 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Nhiều cơ quan báo chí tham dự đưa tin về phiên tòa.

Hơn 9h, phiên tòa bắt đầu. Theo cáo buộc, khi Dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1) được phê duyệt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư quản lý cho Ban Quản lý các dự án đường sắt Việt Nam (RPMU). Năm 2009, Phạm Hải Bằng (Phó giám đốc RPMU) được bổ nhiệm làm chủ nhiệm dự án, Phạm Quang Duy (Trưởng phòng Dự án 3) làm Điều phối viên, Nguyễn Nam Thái (Phó trưởng phòng dự án) là chuyên viên kỹ thuật dự án.

Bị cáo Bằng (đứng) cùng các đồng phạm tại tòa sáng 26/10. Ảnh: MĐ.

Tổ chuyên gia đấu thầu gói thầu Dịch vụ tư vấn kỹ thuật của Dự án Tuyến số 2 cũng được thành lập gồm 13 thành viên, do Bằng làm tổ trưởng. Đầu tháng 9/2009, Tổng công ty đường sắt Việt Nam ký hợp đồng tư vấn kỹ thuật dự án với Liên doanh do JTC (gồm 5 công ty tư vấn, dịch vụ của Nhật Bản và 3 công ty trong nước) đứng đầu với giá trị hơn 2,9 tỷ Yên Nhật và 320 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện hợp đồng, Bằng than khó khăn và được phía JTC hỗ trợ khoản tiền 69,9 triệu Yên Nhật. Từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2014, cựu sếp đường sắt đã trực tiếp hoặc chỉ đạo Duy và Thái nhận tiền (theo tài liệu điều tra của Nhật Bản là 15 lần).

Nhận bằng tiền Yên Nhật, Duy và Thái ôm tiền ra phố cổ ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), đổi sang tiền VND được khoảng 11 tỷ đồng. Việc giao nhận tiền diễn ra ngay tại trụ sở RPMU. Song, việc nhận và sử dụng khoản tiền trên không được các bị can mở sổ sách theo dõi và không báo cấp lên tổng công ty.

Thừa nhận cầm 4,8 tỷ đồng, cựu Phó giám đốc RPMU khẳng định đã chi tiêu tiếp khách, đối ngoại... Thái cũng nhận tuân theo chỉ đạo của Bằng, số tiền tiếp nhận của nhà thầu Nhật Bản được sử dụng cho các chi phí của dự án và thưởng Tết, chi nghỉ mát, công đoàn... 

Mỗi lần chi tiền, Thái đều lập bảng trên máy tính để theo dõi. Sau mỗi lần báo cáo chốt số liệu, vị trưởng phòng lập tức xóa sạch các file này.

Giữ chức Giám đốc RPMU qua mỗi thời kỳ, Trần Văn Lục, Trần Quốc Đông, Nguyễn Văn Hiếu đều được Bằng báo cáo nhưng không chỉ đạo nhân viên chấm dứt, hưởng lợi cá nhân từ khoản tiền của JTC. Theo đó, dịp Tết năm 2010, 2011, các bị can này nhận phong bì biếu tết của Bằng (30 -100 triệu đồng).

Trước tòa, bị cáo Bằng phủ nhận cáo buộc nhận tiền (11 tỷ đồng ngoài hợp đồng) lót tay từ phía nhà thầu JTC. Cựu Phó giám đốc cho rằng trước khi ký hợp đồng, hai bên nêu ra các khó khăn, phía JTC chủ động nói hỗ trợ để ban dự án tạo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ. 

Trả lời về việc không đưa vào hệ thống sổ sách, Bằng khai “tiền hỗ trợ chi tiêu không nằm trong hệ thống quản lý của nhà nước. Chi xong không lưu lại vì lưu cũng không quản lý được”. Bị cáo này lý giải chi tiêu khoản tiền trên là do phạm vi, tính chất công việc liên quan đến nhiều ngành nghề, ban sở, bộ ngành với khối lượng công việc rất lớn. Bị cáo Bằng cho rằng nếu nhận tiền trên cho chi tiêu cá nhân mới không được phép.

Về khoản tiền biếu tết 100 triệu đồng cho Trần Văn Lục, Bằng khai do nhận được sự giúp đỡ, dìu dắt của người này. Khi giao tiền, bị cáo không nói rõ nguồn gốc tiền của JTC. Đối chất tại tòa, bị cáo Lục hiểu rằng Bằng đến chúc tết là tình cảm anh em nhiều năm.

Trong vụ án này, còn có một số người liên quan như ông: Nguyễn Hữu Bằng – cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty Đường sắt Việt Nam, Ngô Anh Tảo – cựu Phó tổng giám đốc Công ty Đường sắt Việt Nam… có trách nhiệm quản lý RPMU.

Tuy nhiên, trong phạm vi vụ án này, Bộ Công an mới khởi tố, điều tra hành vi trái pháp luật trong việc nhận tiền ngoài hợp đồng từ nhà thầu JTC của các bị can. Còn những nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý toàn bộ dự án, công an đã tách hồ sơ, xử lý sau.

Đỗ Mến

Bạn có thể quan tâm