Vụ nổ ngôi sao: Năm 2017, các nhà khoa học đã phát hiện sóng hấp dẫn từ một nguồn mới: sự va chạm của hai ngôi sao chết hay sao neutron. Trước đó, vào năm 2016, sau khi nhận thấy sự cong vênh trong không gian từ sự sáp nhập hai hố đen, Phòng thí nghiệm Advanced LIGO đã công bố lần phát hiện trực tiếp đầu tiên của các sóng hấp dẫn theo lý thuyết của Einstein. Ảnh: Carnegie Institute for Science. |
Các kính thiên văn trên khắp thế giới đã ghi lại chi tiết vụ sáp nhập sao neutron từ thiên hà thuộc chòm sao Hydra (Trường Xà), cách Trái Đất 130 năm ánh sáng. Các nhà nghiên cứu cho rằng vụ va chạm đã tạo ra lượng lớn vàng và bạch kim trong vũ trụ. Theo tạp chí Science, vụ va chạm "đã lần đầu xác nhận một số cấu trúc thiên văn quan trọng, tiết lộ nơi sản sinh của nhiều nguyên tố nặng và kiểm nghiệm thuyết tương đối tổng quát". Ảnh: NSF LIGO Sonoma State University. |
Bản sao Trái Đất: Trong hơn 3.500 ngoại hành tinh được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) xác nhận, chỉ có khoảng 1% cùng kích thước với Trái Đất, những hành tinh ở vùng sống được thậm chí còn ít hơn. Năm nay, các nhà khoa học đã phát hiện TRAPPIST-1 với 7 hành tinh có kích cỡ tương đương Trái Đất. Ảnh: NASA/JPL-Caltech. |
Hơn nữa, các hành tinh này dường như liên kết và quay quanh ngôi sao chủ. Ba trong số các hành tinh nằm trong vùng có thể sống được, nơi nước có thể duy trì ở dạng lỏng trên bề mặt. Điều này cho thấy tiềm năng tìm kiếm sự sống ngoài Hệ Mặt Trời mà nhân loại chưa khai thác hết. Ảnh: Nature. |
Màn kết của Cassini: Tàu vũ trụ Cassini đến Sao Thổ vào năm 2004. Trong 13 năm hoạt động, phi thuyền đã thay đổi hiểu biết của nhân loại về hành tinh khổng lồ này cùng vành đai và các vệ tinh của nó. Cassini đã phát hiện các mạch nước phun trào từ đại dương bên dưới bề mặt băng giá của vệ tinh Enceladus, do thám biển và các hồ methane trên vệ tinh Titan và theo dõi cơn bão khổng lồ bao quanh Sao Thổ. Ảnh: NASA/JPL-Caltech. |
Khi nhiên liệu phi thuyền cạn kiệt, NASA đã quyết định phá hủy vệ tinh trong các tầng mây của Sao Thổ thay vì để nó va chạm với vật thể khác trong hành trình tìm kiếm sự sống và gây ô nhiễm bằng vi khuẩn từ mặt đất. Ngày 15/9, Cassini đã lao xuống khí quyển Sao Thổ và gửi dữ liệu về Trái Đất tới phút chót. Trong ảnh, giám đốc chương trình Cassini của Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực (JPL), Earl Maize, và các nhà khoa học của sứ mệnh Sao Thổ, xúc động sau khi chứng kiến con tàu tự phá hủy từ Trung tâm JPL ở Pasadena, California, Mỹ. Ảnh: NASA. |
Vị khách phương xa: 2017 là năm đầu tiên một tiểu hành tinh xa xôi ghé qua Trái Đất. Được kính viễn vọng Pan-Starrs của Hawaii phát hiện vào tháng 10, thiên thể "Oumuamua" nhanh chóng trở thành đối tượng quan sát của các kính thiên văn mạnh nhất trên thế giới. Tốc độ và quỹ đạo kỳ lạ của vật thể cho thấy nó có nguồn gốc ngoài Hệ Mặt Trời. Ảnh: ESO. |
Nguồn gốc loài người: Hồi tháng 7, các nhà khoa học đã công bố hóa thạch của 5 người tiền sử Bắc Phi có niên đại khoảng 315.000 năm tuổi. Điều này cho thấy loài Homo sapiens (người tinh khôn) đã xuất hiện sớm hơn ít nhất 100.000 năm so với ghi nhận trước đây. Phát hiện này cũng chỉ ra rằng loài người không tiến hóa trong một "cái nôi" duy nhất ở Đông Phi. Thay vào đó, con người hiện đại có thể đã tiến hoá theo cùng một hướng trên toàn lục địa. Ảnh: Barcroft Media. |
Tảng băng trôi khổng lồ: Một trong những tảng băng trôi lớn nhất từng được ghi nhận đã tách khỏi thềm lục địa Larsen C của Nam Cực vào tháng 7. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã theo dõi sự phát triển của vết nứt lớn ở Nam Cực từ hơn một thập kỷ nay. Khối băng khổng lồ được ước tính bao phủ khu vực gần 6.000 km2. Vụ tách rời đã khiến thềm băng Larsen C bị thu hẹp còn diện tích nhỏ nhất kể từ kỷ Băng Hà cách đây 11.700 năm. Ảnh: ESA. |
Nhật thực toàn phần ở Mỹ: Ngày 21/8, bóng đen khổng lồ của Mặt Trăng đã quét qua nước Mỹ, đánh dấu lần nhật thực toàn phần đầu tiên ở Mỹ trong 99 năm. Hàng triệu người đã tụ tập dọc theo đường đi của nhật thực để chứng kiến sự kiện thiên văn hiếm có này, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, đệ nhất phu nhân Melania Trump và con trai Barron Trump (trong ảnh) từ ban công Nhà Trắng ở thủ đô Washington DC. Ảnh: Getty. |