Ngày 2/1, TAND tỉnh Đắk Nông xét xử vụ nổ súng tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, vào cuối năm 2016, khiến 3 người chết, 13 người bị thương. Ba bị cáo bị viện kiểm sát cùng cấp truy tố tội Giết người là Đặng Văn Hiến (47 tuổi), Ninh Viết Bình (35 tuổi), Hà Văn Trường (32 tuổi, cùng xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức).
Liên quan vụ án, Đoàn Văn Diện (37 tuổi, ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) bị truy tố tội Che giấu tội phạm; Nghiêm Xuân Thiên Sửu (55 tuổi, Phó giám đốc Công ty Long Sơn) và Phạm Công Thiện (40 tuổi, Quản đốc công ty) bị cáo buộc Hủy hoại tài sản.
Nổ súng vì bị ném đá
Trong phần xét hỏi, Hiến cho rằng ông ta sinh sống, sản xuất ổn định tại tiểu khu 1535, trước khi có Công ty Long Sơn. Vì vậy, khi doanh nghiệp cho người vào giải tỏa đất thì hai bên xảy ra đánh nhau.
"Thời điểm nhân viên Công ty Long Sơn mang máy móc đến, tôi chỉ cầm súng ra dọa nhằm mục đích đuổi về. Tuy nhiên, người của công ty vẫn cố thủ và dùng đá ném lại nên buộc bị cáo phải nổ súng. Nếu bị cáo không bắn trả thì không biết nhóm người này sẽ làm gì mình”, Hiến khai.
Các bị cáo tại tòa sáng 2/1. Ảnh: Minh Quý. |
Theo Hiến, từ năm 2008 đến 2016, Công ty Long Sơn nhiều lần đưa cơ giới vào san ủi vườn điều của người dân. Gia đình ông từng bị doanh nghiệp này phá nát hơn 2 ha điều.
"Bị cáo đã khiếu nại nhưng chưa được giải quyết thì Công ty Long Sơn lại mang người vào san ủi", Hiến nói.
Tương tự, Ninh Viết Bình khai rằng người dân tiểu khu 1535 đã bàn bạc, thống nhất việc chống trả nếu Công ty Long Sơn đến san ủi hoa màu. Vì vậy, khi nghe điện thoại của Trường thì Bình mang súng đến nhà Hiến.
"Tôi và Hiến cầm súng ra vườn điều bắn 2 phát vào nhóm người của Công ty Long Sơn nhưng không biết bắn vào ai", Bình khai với HĐXX.
Lãnh đạo doanh nghiệp nói không hiểu luật
Về phía Công ty Long Sơn, Phó giám đốc Nghiêm Xuân Thiên Sửu cho rằng đất ở tiểu khu 1535 không thuộc khu vực phải bồi thường. Trước khi cho xe vào san ủi, công ty đã báo cáo UBND tỉnh Đắk Nông.
"UBND tỉnh có công văn trả lời, yêu cầu các cơ quan chức năng huyện Tuy Đức phối hợp để giải tỏa diện đất nêu trên. Nghĩ rằng tỉnh đã cho phép san ủi nên bị cáo đã cho người vào giải tỏa", Sửu lập luận.
Sửu khai đã nhầm tưởng rằng UBND tỉnh đồng ý cho công ty san ủi hoa màu của người dân. Ảnh: Minh Quý. |
Chủ tọa chất vấn "Bị cáo có trình độ 10/10 lại là Phó giám đốc công ty, sao không hiểu được văn bản?" thì Sửu trả lời: "Sống ở nước ngoài lâu năm nên không hiểu pháp luật Việt Nam".
Còn Phạm Công Thiện thì khai ông ta chỉ là người làm thuê nên cấp trên chỉ đạo như thế nào thì làm như vậy. Khi sự việc xảy ra, Thiện dẫn gần 30 người trang bị gậy gộc và trang phục bảo hộ nhằm bảo vệ xe ủi.
"Thời điểm đó trên máy cày chở theo đá cục nhằm để chống trả lại người dân nếu gặp phản kháng”, bị cáo Thiện trình bày.
Ngày 3/12, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần xét hỏi và tranh luận.