Sau vụ nữ sinh H.Y. bị 5 bạn nữ khác đánh đập, lột đồ quay clip ở Hưng Yên, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đã xem xét cách chức toàn bộ Ban giám hiệu, Chi uỷ, Tổng phụ trách đội, kỷ luật Hội đồng kỷ luật trường THCS Phù Ủng, vì có dấu hiệu bao che, xử lý hời hợt, không đúng tính chất nghiêm trọng của vụ việc.
Đối với giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ xử lý bằng hình thức nặng hơn vì không nắm được tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tâm lý học sinh. Ngoài ra, hạnh kiểm của 5 học sinh tham gia đánh nữ sinh Y. và các học sinh chứng kiến bạo hành nhưng không can ngăn, quay clip, cũng sẽ được đưa ra xem xét.
Độc giả Hoàng Thế đồng tình với cách xử lý của tỉnh Hưng Yên: "Cách chức toàn bộ ban giám hiệu, cho giáo viên thôi việc như thế mới đủ tính răn đe cho những trường khác, địa phương khác. Thầy cô không thể làm ngơ với bạo lực trong nhà trường, để học sinh xử sao thì xử".
Theo bạn Thanh Nhàn, "hy vọng đây chỉ là bước đầu, tất cả người liên quan trong vụ này đều phải được xử lý nghiêm, kể cả những em học sinh đánh bạn. Lâu nay, chúng ta đã nhân nhượng quá nhiều với tình trạng học sinh 'xử' nhau như thế này rồi. Cách chức ban giám hiệu rất đau nhưng phải làm".
Bạo lực học đường leo thang, nhà trường hãy thấy xấu hổ
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, bày tỏ: “Là người mẹ, tôi đau lòng và bàng hoàng, còn với tư cách cô giáo thì đau xót hơn khi sự việc này diễn ra ngay trong lớp học”.
Theo cô Huyền Thảo, bạo lực học đường đang leo thang từng ngày. Chúng ta nói về vấn đề này nhiều trong những năm qua. Thầy cô không phải không biết, học sinh không phải không hay, nhưng mức độ ngày càng nghiêm trọng.
“Chúng ta cần một giải pháp thiết thực xem học sinh đã học gì về Giáo dục Công dân, người lớn đã dạy gì mà các em vẫn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề”, cô Thảo nói.
Nữ giáo viên cho rằng sự quan tâm và định hướng của người lớn vẫn chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, dẫn đến hành động còn tùy tiện, chưa đúng ngay cả với bạn bè cùng trang lứa".
Sự việc xảy ra phải chăng chưa có sự can thiệp kịp thời của cán bộ lớp, giám thị? Tại sao nhiều học sinh khác lại im lặng khi chứng kiến? Trong khi đó, diễn biến của hành động là một quá trình không phải bộc phát mà lại kinh khủng như vậy", cô Nguyễn Thị Huyền Thảo nêu ý kiến.
Anh Nguyễn Văn Doanh - chú nạn nhân - bức xúc cho biết nhóm bạn cùng lớp xé áo, đổ mực lên người cháu anh trước khi lột đồ, đánh cô bé dã man. Ảnh: N.S. |
Cô Nguyễn Minh Ngọc, trường THPT Đinh Thiện Lý, TP.HCM, nêu quan điểm: Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm phải nhận hình thức xử lý đúng với sai phạm của họ. Bởi một học sinh đã bị hành hạ từ lâu mà nhà trường không biết và giải thích vô cảm.
"Họ không cảm thấy xấu hổ hay sao?", cô Ngọc đặt câu hỏi.
Với gia đình có 5 học sinh đánh bạn, cô Ngọc cho hay đừng vì con mình mà tìm cách xử lý có lợi. Hãy hỏi ngược lại, nếu người bị đánh là con mình, bạn sẽ làm gì?
“Một học sinh 15 tuổi đánh đập bạn tàn nhẫn là trách nhiệm của cả cha mẹ nữa, chứ không chỉ riêng ở nhà trường”, nữ giáo viên nêu quan điểm.
Từ câu chuyện đau lòng ở Hưng Yên, cô Ngọc gửi tới đồng nghiệp thông điệp: “Khi bước vào lớp học, các bạn đừng chú ý mỗi chuyện giảng bài, giáo án, kiểm tra. Xin hãy quan sát những đứa trẻ, trò chuyện với chúng, tạo sự tin tưởng cho chúng ‘mách’ mọi chuyện ở lớp. Biết đâu, vì vậy, một sự việc đau lòng được ngăn chặn kịp thời”.
Với những bậc cha mẹ, nữ giáo viên mong muốn đừng chỉ đòi hỏi con chuyện điểm số, bài vở hàng ngày. Phụ huynh hãy hỏi con chuyện bạn bè ở lớp, chia sẻ cùng con về bạo lực học đường, dạy chúng trân quý cơ thể mình để biết tôn trọng cơ thể người khác.
Người lớn hãy dạy con lên tiếng trước cái ác, trước bất công, thay vì việc chỉ cắm đầu vào trang sách.
Theo cô giáo Ngọc, bạo lực cần được giải quyết từ gốc rễ bằng giáo dục nhân cách con trẻ ngay từ nhỏ, gây dựng giá trị sống trong gia đình, nhà trường, xã hội, phục hưng giá trị văn hóa tinh thần, tạo nền tảng đạo đức, xây dựng chế tài luật pháp đủ sức răn đe cái ác... Làm được những điều trên cần lắm một sự đồng lòng và nhiều sự đổi thay.
Mới chỉ nói đến kỹ năng, bỏ qua giá trị sống
TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho hay nữ sinh lột quần áo bạn là cố tình xúc phạm thân thể, danh dự của người khác.
Ngày 22/3, em N.T.H.Y. bị nhóm bạn cùng lớp lột quần áo, đạp nhiều lần vào đầu, phải nhập bệnh viện tâm thần. Ngày 25/3, hội đồng kỷ luật trường họp, quyết định đình chỉ một tuần đối với 5 em này.
Anh Nguyễn Văn Doanh - chú của H.Y. - cho rằng trường đã “lừa” gia đình khi không thông tin chính xác mức độ nghiêm trọng của sự việc.
Sáng 30/3, UBND huyện Ân Thi quyết định tạm dừng công tác điều hành đối với hiệu trưởng THCS Phù Ủng - Nhữ Mạnh Phong - và giáo viên chủ nhiệm lớp 9A.
Điều này cho thấy những học sinh tham gia đánh bạn chưa hiểu hết giá trị yêu thương, tôn trọng con người, thậm chí bị lệch lạc về tư tưởng, nhận thức. Các em coi việc lột đồ, làm nhục người khác làm hả hê. Xã hội cần lên án mạnh mẽ những hành vi này.
“Lâu nay, chúng ta chỉ nói đến kỹ năng mà chưa đề cập nhiều về giá trị sống. Tại sao một em lại bị đến 5 em đánh? Tại sao các em lại lột quần áo của bạn? Con người khi sống không có giá trị yêu thương và tôn trọng người khác là điều tối kỵ nhất”, thầy Tùng Lâm nói.
Với vụ việc này, TS Tùng Lâm đặt hàng loạt câu hỏi: Phải chăng công tác quản lý trong nhà trường có vấn đề? Tại sao giáo viên không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, mâu thuẫn giữa học sinh từ đầu để phát hiện cảnh báo? Tại sao hiệu trưởng không đưa em đến bệnh viện, xử lý sự việc kịp thời? Chúng ta đừng để đến khi sự việc xảy ra mới giải quyết.
Ông đề xuất, cần có giải pháp đồng bộ trong công tác giáo dục của các trường lớp hiện tại. Tùy theo tình hình của từng trường, giáo viên cần đưa ra những phương thức giáo dục sao cho phù hợp.
Mặt dù vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớn như vậy, theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Luật Giáo dục mới không có câu nào nói về vai trò của họ. Họ không có lương hay phụ cấp dành cho giáo viên chủ nhiệm. Thậm chí, nhiều hiệu trưởng không dựa vào năng lực của giáo viên để chọn lựa mà tùy tiện phân công vị trí này.
Ông Vũ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Dịch vụ Truyền thông, Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, cho hay gần đây, các vụ bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em tăng cao, rất đau xót.
Để hạn chế được vấn nạn này, ông Dũng cho rằng phải nâng cao nhận thức, hiểu biết của học sinh về vấn đề bạo lực, xâm hại nói riêng, kiến thức pháp luật nói chung.
Các trường cần tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội thảo hơn nữa cho cả giáo viên và học sinh để thầy - trò nhận thức về pháp luật sâu hơn nữa. Học sinh sẽ "ngấm" và sợ khi được tiếp xúc những tình huống cụ thể, hiểu được nếu mình làm việc xấu này sẽ bị pháp luật trừng phạt như thế nào.
Ông Vũ Văn Dũng cho hay tổng đài quốc gia miễn phí về trẻ em 111 đã nhận được 3 triệu cuộc điện thoại của người dân và trẻ em tố cáo, tư vấn các sự việc liên quan. Ông mong muốn các gia đình khi có vấn đề thắc mắc về tâm, sinh lý của con em, hãy gọi điện thoại tư vấn để được hỗ trợ, can thiệp.