Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ PVN mất 800 tỷ: 'Do ông Thăng nhờ và cả nể tôi mới ký văn bản'

Theo thành viên HĐTV PVN, họ được ông Đinh La Thăng gọi điện nhờ ký xác nhận văn bản về việc có sự bàn bạc chủ trương PVN góp vốn vào Oceanbank. Nhân chứng khai vì cả nể, họ đã ký.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bất ngờ rút kháng cáo Sáng 19/6, trong phần thủ tục, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN) đã xin rút toàn bộ nội dung kháng cáo về bản án hình sự và dân sự.

Tại phiên xét xử phúc thẩm Đinh La Thăng và các đồng phạm chiều 19/6, HĐXX dành nhiều thời gian để thẩm vấn bà Phan Thị Hòa và ông Hoàng Xuân Hùng. Họ đều là thành viên HĐTV Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam - PVN.

Nội dung thẩm vấn xoay quanh đến các dự thảo nghị quyết của HĐTV PVN về chủ trương góp vốn.

'Do tôi cả nể mới ký'

Theo bà Hòa, cuộc họp ngày 30/9/2008 có sự góp mặt của tất cả ủy viên HĐQT PVN. Ngoài ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn còn có Nguyễn Ngọc Sự cũng tham dự.

Khi chủ tọa đề nghị nữ thành viên đánh giá về trách nhiệm trong việc PVN góp vốn, bà Hòa khẳng khái đáp trong sự việc này, tất cả những người liên quan đều có trách nhiệm. Tuy nhiên, nữ nhân chứng nói rằng việc làm thất thoát 800 tỷ đồng, mỗi người có trách nhiệm và mức độ khác nhau.

Bà Hòa cho rằng PVN đầu tư vào ngân hàng không phải là nguyên nhân gây thất thoát tiền.

"Do quá trình hoạt động, những người điều hành ngân hàng có sai phạm, chúng tôi là cổ đông nên không nắm được các sai phạm đó", bà Hòa lý giải.

Tiếp tục trình bày, nữ thành viên HĐTV PVN đánh giá Oceanbank lỗ dẫn đến âm vốn sở hữu là do hoạt động tín dụng, cho vay dưới mức chuẩn nên gây ra nợ xấu. Ngân hàng Đại Dương trích dự phòng để bù lỗ quá nhiều nên khi Ngân hàng Nhà nước thanh tra, Oceanbank mới có báo cáo tài chính lỗ.

Khi HĐXX đề cập việc bà Hòa và các thành viên HĐTV khác đã ký xác nhận vào văn bản thể hiện, HĐQT PVN có bàn bạc về chuyện góp vốn vào Oceanbank, người phụ nữ lý giải lúc đó, bà được ông Thăng thông báo đã được cấp trên đồng ý cho phép PVN mua ngân hàng.

"Ông Thăng nhờ tập đoàn soạn thảo, sau đó gọi điện cho chúng tôi ký vào. Tôi ký vì ông Thăng nhờ, do nể tôi mới ký", bà Hòa tái khẳng định tại tòa.

Xet xu Dinh La Thang vu 800 ty anh 1
Đinh La Thăng tại phiên tòa phúc thẩm sáng 19/6. Ảnh: P.D.

Tiếp tục xét hỏi, HĐXX thẩm vấn ông Hoàng Xuân Hùng. Theo ông Hùng, chủ trương để PVN góp vốn 20% vào Oceanbank nằm trong đề án phát triển ngành dầu khí đã được cấp trên chấp thuận. Theo đề án này, PVN được phép góp vốn vào ngân hàng.

"Tôi thấy sau khi tham gia vào Oceanbank, giai đoạn 2009-2010, PVN hoạt động hiệu quả hơn", ông Hùng trình bày.

Đồng quan điểm với bà Hòa, ông Hùng cũng cho rằng nguyên nhân PVN mất tiền khi góp vốn vào Oceanbank xuất phát từ phương pháp quản trị, lãnh đạo của ban lãnh đạo nhà băng.

Về việc ký xác nhận vào văn bản cùng với bà Hòa và các thành viên khác, ông Hùng cũng thừa nhận thời điểm đó, ông Đinh La Thăng đang làm việc tại TP.HCM. Ông Hùng kể nguyên Chủ tịch PVN đã gọi điện nhờ ông ký xác nhận văn bản liên quan việc bàn bạc thống nhất chủ trương góp vốn.

Đinh La Thăng ký góp vốn không thông qua HĐQT

Trước đó tại phiên sơ thẩm hồi tháng 3, HĐXX thấy đủ căn cứ kết luận Đinh La Thăng ký thỏa thuận góp vốn vào Oceanbank không thông qua HĐQT, quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, ký ban hành nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng, không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn.

Ông Thăng biết rõ hiện trạng yếu kém của Oceanbank, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank. Khi Luật tổ chức tín dụng đã có hiệu lực quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”, với vai trò Chủ tịch HĐTV, Đinh La Thăng không thực hiện việc thoái vốn mà tiếp tục ký quyết định giao người đại diện 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank trái Luật Tổ chức tín dụng 2010, tạo điều kiện cho các bị can Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng (đợt 3) vào Oceanbank.

Ngoài ra, do không có cơ chế giám sát người đại diện vốn, chỉ căn cứ báo cáo của Oceanbank nên Tập đoàn dầu khí không phát hiện sai phạm của Ngân hàng Đại Dương. Hàng loạt vi phạm về tín dụng trong thời gian Nguyễn Xuân Sơn và một số cán bộ khác của ngành dầu khí tham gia điều hành Oceanbank đã khiến ngân hàng này thua lỗ, âm vốn sở hữu. 800 tỷ của PVN mất hoàn toàn khi Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc toàn bộ cổ phần Oceanbank với giá 0 đồng.

Vì sao tòa sơ thẩm buộc Đinh La Thăng bồi thường 600 tỷ?

Theo bản án sơ thẩm, thực hiện chủ trương của Đinh La Thăng về việc chỉ đạo PVN mua cổ phần của Oceanbank, các bị cáo Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức, Nguyễn Thanh Liêm và Ninh Văn Quỳnh đã 3 lần góp 800 tỷ đồng vào nhà băng này.

Tuy nhiên, Oceanbank hoạt động kém hiệu quả nên âm vốn sở hữu. 800 tỷ của PVN mất hoàn toàn khi Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc nhà băng với giá 0 đồng. Việc PVN mất 800 tỷ do hành vi trái pháp luật của bị cáo Thăng và các đồng phạm. Ngoài ra, Ninh Văn Quỳnh còn lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.

Án sơ thẩm buộc ông Thăng bồi thường cho PVN 600 tỷ đồng, Ninh Văn Quỳnh 100 tỷ đồng, Vũ Khánh Trường 40 tỷ đồng. Các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm và Phan Đình Đức bồi thường 15 tỷ đồng mỗi người.

Xet xu Dinh La Thang vu 800 ty anh 2
 

Đinh La Thăng hầu tòa phúc thẩm vụ PVN mất 800 tỷ

Sáng nay, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN) bất ngờ rút đơn kháng cáo. Trong khi đó, ông Thăng khi được tòa hỏi vẫn khẳng định vẫn giữ nguyên kháng cáo.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm