Ngày 27/1, Công an TP Vũng Tàu công bố kết quả xác minh vụ tiệm vàng Kim Bình (TP Vũng Tàu) “mua” tờ vé số được cho là trúng độc đắc của ông Nguyễn Bùi là nhầm lẫn giữa hai bên. Công an yêu cầu gia đình ông Bùi hoàn trả 1,35 tỷ đồng cho tiệm vàng, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Chiếm giữ trái phép tài sản.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi trích đăng ý kiến các chuyên gia và những người trong cuộc bàn về khía cạnh pháp lý của vụ việc.
Công an: Sẽ khởi tố sau ba lần thông báo
Ngày 30/1, ông Bùi tiếp tục khẳng định tờ vé số của ông trúng đặc biệt. Chữ ký trên tờ vé số đó không phải của ông. “Tôi trúng vé số rất nhiều người biết. Tại sao công an không điều tra các nhân viên của tiệm vàng Kim Bình đã giữ tờ vé số suốt nhiều giờ liền... Tôi không đồng ý trả lại tiền và sẽ làm đơn khiếu nại về việc điều tra của Công an TP Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Bùi khẳng định tờ vé số của ông trúng giải đặc biệt chứ không nhầm lẫn. |
Thượng tá Nguyễn Đức Trịnh - Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an TP Vũng Tàu cho biết: Từ đơn tố cáo của chủ tiệm vàng về việc ông Bùi có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản, Công an TP Vũng Tàu đã xác minh tin báo tố giác tội phạm. Sau khi có kết quả điều tra, chúng tôi mời gia đình ông Bùi, nhiều ban ngành, địa phương, báo chí đến thông tin.
Chúng tôi khẳng định cả hai bên đều đã có sự nhầm lẫn. Nếu sau khi thông báo (từ ba lần trở lên), ông Bùi không thỏa thuận để trả lại số tiền giao nhầm cho bên tiệm vàng, vẫn cố tình chiếm giữ chúng tôi sẽ xem xét để khởi tố, xử lý hình sự.
Còn ông Nguyễn Anh Đoan - Viện trưởng VKS TP Vũng Tàu thông tin: Sau buổi công bố, kiểm sát viên tham dự có báo lại nội dung sự việc cũng như kết quả xác minh của công an. Qua đó tôi thấy có dấu hiệu của tội Chiếm giữ trái phép tài sản.
Chủ tiệm vàng Kim Bình tố cáo ông Bùi chiếm giữ trái phép tài sản là có căn cứ vì tờ vé số có ký tên ông Bùi không trúng bất cứ giải nào. Ở đây có sự giao nhầm tiền nên chủ tiệm vàng yêu cầu ông Bùi trả lại. Nếu ông Bùi không đồng ý trả thì có dấu hiệu của tội Chiếm giữ trái phép tài sản.
“Tuy nhiên, tôi cũng ngạc nhiên vì theo thông tin ông Bùi cung cấp, có rất nhiều người đã dò tờ vé số trên, kể cả chủ tiệm vàng Kim Bình, đều cùng nhầm là khá hi hữu. Vì vậy, những tình tiết mà ông Bùi cho rằng bên công an chưa điều tra làm rõ như có sự tráo đổi vé khi ông Bùi ký tên vào mặt sau hay không? Công an đã tìm và làm việc với người bán vé số chưa?...
Những tình tiết này VKS sẽ lưu ý để khi nhận được hồ sơ, chúng tôi sẽ xem xét, yêu cầu điều tra kỹ các nội dung này” - ông Đoan nói.
Có dấu hiệu hình sự
Theo TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, ĐH Luật TP HCM, Điều 141 Bộ luật hình sự nêu rõ: Người nào chiếm giữ tài sản trái phép có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên mặc dù đã được chủ sở hữu, quản lý hợp pháp tài sản hoặc cơ quan có thẩm quyền yêu cầu trả lại mà không thực hiện thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản.
Thuật ngữ “bị giao nhầm” được quy định trong điều luật trên được hiểu đó là sự nhầm lẫn của người có tài sản giao tài sản cho người khác không đúng mong muốn của mình (giao nhầm người) hoặc giao nhầm tài sản (nhầm về chủng loại, giá trị hoặc số lượng).
Trong trường hợp báo phản ánh, công an đã có kết luận tờ vé số trên không trúng thưởng, hai bên có nhầm lẫn và chữ ký trên tờ vé số là chữ ký của ông Bùi.
Đây là cơ sở để cho rằng ông Bùi nhận thức được có sự nhầm lẫn giữa các bên nên có nghĩa vụ trả lại số tiền đã nhận cho chủ tiệm vàng. Trường hợp ông Bùi vẫn kiên quyết không trả, ông có thể bị cơ quan cảnh sát điều tra xử lý hình sự về tội danh trên.
Luật sư Đinh Văn Quế (nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao) phân tích: Công an đã điều tra, xác minh tờ vé số có ký tên mà ông Bùi cho là trúng độc đắc thực sự không trúng giải nào.
Vì vậy, hai bên đã có sự nhầm lẫn nên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp ông Bùi không trả lại, cố tình chiếm giữ tài sản giao nhầm là có dấu hiệu của tội chiếm giữ trái phép tài sản. Tuy nhiên, trước khi xử lý, công an cần làm rõ có hay không sự tráo đổi vé số như ông Bùi nghi vấn.
Một số ý kiến khác
Luật sư Cao Quang Thuần, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằngthuật ngữ “bị giao nhầm” trong của Điều 141 Bộ luật hình sự không bao giờ xuất phát từ một quan hệ hợp đồng giữa các bên. Trong vụ việc trên, hai bên đã xác lập một hợp đồng và sau đó xác định bị nhầm lẫn về đối tượng. Luật dân sự có quy định về hợp đồng vô hiệu do các bên nhầm lẫn về đối tượng nên đây là giao dịch dân sự và các bên có thể yêu cầu tòa án giải quyết.
Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP HCM cho rằng trong vụ việc này, giữa ông Bùi và chủ tiệm vàng đã xác lập một quan hệ dân sự khi giao dịch tờ vé số. Các tranh chấp phát sinh giữa các bên do tòa án giải quyết.
Những vụ “cầm nhầm” bị xử lý hình sự
Tháng 12/2013, TAND huyện Quốc Oai (Hà Nội) phạt bị cáo Vương Ngọc Huệ chín tháng tù về tội chiếm giữ trái phép tài sản, buộc bị cáo trả 45 triệu đồng cho VietinBank.
Theo cáo trạng, tháng 5/2013, ông Huệ đến Phòng Giao dịch số 5 (VietinBank Chi nhánh Hà Tây, ở thị trấn Quốc Oai) rút 5 triệu đồng. Nhân viên quỹ nhìn nhầm số tiền từ 5 triệu đồng thành 50 triệu đồng và ông Huệ đã ký nhận 50 triệu đồng. Sau đó nhân viên ngân hàng đến xin lại, ông Huệ không trả.
Năm 2009, hai chị em bà Hoa đến Agribank Bắc Bình (Bình Thuận) rút 100 triệu đồng. Sau đó cán bộ Agribank Bắc Bình đến nhà thông báo ngân hàng đã chi nhầm 200 triệu đồng, đề nghị bà Hoa trả lại nhưng hai chị em bà này quả quyết chỉ nhận 100 triệu đồng nên không đáp ứng…
Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Thuận y án bà Hoa chín tháng tù, em bà Hoa sáu tháng tù, buộc nộp lại số tiền chiếm giữ.