Theo CBR, mới đây nhóm người thừa kế di sản của tác giả truyện tranh huyền thoại Steve Ditko đã gửi hồ sơ thông báo chấm dứt hợp đồng lên Văn phòng Bản quyền Mỹ. Họ mong muốn thu hồi bản quyền nhân vật Spider-Man và Doctor Strange hiện do Marvel Entertainment nắm giữ.
Ngoài Spider-Man và Doctor Strange, trong hai năm tới, đế chế truyện tranh phải đối mặt với nguy cơ mất quyền sở hữu hàng loạt siêu anh hùng ăn khách khác như Iron Man hay Black Widow. Điều này kéo Walt Disney vào trận chiến pháp lý với người thừa kế của các họa sĩ truyện tranh nhằm bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp dàn nhân vật.
MCU đối mặt nguy cơ mất Spider-Man, Doctor Strange
Luật Bản quyền sửa đổi của Mỹ ban hành năm 1976 quy định quyền sở hữu bản quyền sẽ được trao trả cho tác giả/nhóm tác giả đầu tiên 60 năm sau khi nhân vật/câu chuyện ra đời. Với phần lớn nhân vật của vũ trụ Marvel, thời hạn ấy đã đến rất gần.
Disney và Marvel đã gửi đơn khiếu nại, yêu cầu được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu bản quyền các nhân vật. Họ cho rằng điều luật năm 1976 không thể áp dụng vào vụ tranh chấp bản quyền này do các tác giả đã được thuê để sáng tạo bộ nhân vật. Thỏa thuận lao động gián tiếp khẳng định Marvel Entertainment là chủ sở hữu đầu tiên của các siêu anh hùng.
Vụ kiện đòi bản quyền Spider-Man và Doctor Strange nổ ra chỉ vài tháng trước khi Spider-Man: No Way Home phát hành. Ảnh: Marvel Studios. |
“Khiếu nại của Marvel Entertainment chống lại nhóm người thừa kế của các họa sĩ truyện tranh huyền thoại như Stan Lee, Steve Ditko và Gene Colan. Marvel Entertainment mong muốn nhận được án văn tuyên nhận nhóm nhân vật siêu anh hùng không đủ điều kiện chấm dứt bản quyền bởi đều là sản phẩm thuê làm”, The Hollywood Reporter đưa tin ngày 24/9.
Theo trang tin, nếu Marvel Entertainment thua kiện, Walt Disney có thể mất quyền sở hữu chùm nhân vật trị giá hàng tỷ USD. Trước mắt, Marvel Entertainment và Sony Pictures sẽ còn sở hữu bản quyền nhân vật Spider-Man cho tới tháng 6/2023. Sau đó, bản quyền nhân vật sẽ được trả về cho tác giả hoặc người thừa kế theo đúng luật sở hữu trí tuệ Mỹ.
Với người hâm mộ truyện tranh và phim siêu anh hùng, việc MCU mất đi hàng loạt nhân vật là đáng tiếc, nhất là khi trong Kỷ nguyên IV, Peter Parker (Tom Holland), Stephen Strange (Benedict Cumberbatch) và Sam Wilson (Anthony Mackie) đều được đôn lên hàng vai chính, đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trong vũ trụ điện ảnh.
Theo CBR, về phía thân nhân của Steve Ditko, kiến nghị của họ không vi phạm bất kỳ ranh giới luật pháp nào. Họ có quyền đòi lại bản quyền nhân vật - một phần di sản của thân nhân mình - nếu cảm thấy Marvel Entertainment chưa định giá chúng một cách xứng đáng.
Cuộc tranh giành bản quyền các siêu anh hùng
Trong 13 năm qua, Vũ trụ điện ảnh Marvel với những siêu anh hùng như Iron Man, Captain America, Thor, Black Widow… đã làm lợi cho Marvel Studios nói riêng và Công ty Walt Disney hàng chục tỷ USD từ doanh thu phòng vé và các sản phẩm ăn theo. Tuy nhiên, gốc gác của loạt siêu anh hùng trên màn ảnh là những nhân vật truyện tranh được tạo ra bởi đội ngũ đông đảo biên kịch, họa sĩ và biên tập viên của Marvel Comics.
Sau 13 năm, MCU đã làm lợi cho Disney 23,3 tỷ USD từ doanh thu phòng vé. Ảnh: Disney. |
Biên kịch kiêm họa sĩ Larry Lieber từng đâm đơn kiện công ty Walt Disney, đòi lại bản quyền nhân vật Iron Man, Thor và Ant-Man mà ông tham gia sáng tạo.
Động thái của Lieber được người thừa kế của nhiều nhà sáng tạo khác từng làm việc với Marvel Comics hưởng ứng. Danh sách gồm Steve Ditko (đồng tác giả Spider-Man và Doctor Strange), Don Heck (đồng tác giả Black Widow và Hawkeye), Don Rico (Black Widow) và Gene Colan (Blade, Falcon, Carol Danvers).
Trong quá khứ, Walt Disney và Marvel Entertainment từng hơn một lần đương đầu với các vụ kiện cáo đòi bản quyền nhân vật. Những người thừa kế của Jack Kirby từng khởi kiện Disney và đòi lại quyền sở hữu bản quyền bộ nhân vật X-Men cùng Spider-Man.
Một tòa án liên bang đã kết luận các sản phẩm của Kirby đều do Marvel thuê làm. Nhưng đến năm 2014, khi vụ việc được trình lên tòa án tối cao, Disney đã nhanh chóng giải quyết êm đẹp với thân nhân tác giả. Động thái của “nhà chuột” cho thấy lĩnh vực bản quyền nhân vật truyện tranh vẫn tồn tại nhiều vùng xám và Disney không hoàn toàn nắm đằng chuôi.
Đại diện cho các nhà sáng tạo và nhóm người thừa kế trong vụ kiện năm 2021 là luật sư Marc Toberoff. Ông là người dạn dày kinh nghiệm xử lý những vụ tranh chấp bản quyền tương tự. Toberoff từng đại diện cho những người thừa kế của Jack Kirby trong vụ kiện với Disney và người thừa kế của hai nhà sáng tạo Superman - Jerry Siegel cùng Joe Shuster - ở vụ kiện Warner Bros.
Trong cả hai vụ kiện, phần thắng đều nghiêng về phía các ông lớn Hollywood. Đây là tiền lệ giúp Disney có ưu thế, nhưng không phải yếu tố tiên quyết đảm bảo "nhà chuột" tiếp tục giành chiến thắng. Những năm qua, chế độ đãi ngộ thiếu công bằng của Disney với các nhà sáng tạo truyện tranh khi nhân vật hay kịch bản của họ được làm thành phim thường xuyên được nhắc lại trên mặt báo.
Nếu Disney mất quyền sở hữu bản quyền nhóm siêu anh hùng cũng không đồng nghĩa họ buộc phải gạch tên các nhân vật khỏi mọi dự án trong tương lai. Một thỏa thuận nhanh chóng và hợp lý với chủ sở hữu mới có thể giúp Spider-Man và Doctor Strange tiếp tục hiện diện trong vũ trụ siêu anh hùng trên màn ảnh.