Vụ trường Melior biến mất: Chỉ phê bình?
Hơn một tuần từ ngày trường Melior biến mất, cơ hội đòi lại tiền của các học viên ngày càng khó khăn hơn, đặc biệt khi Tổng Lãnh sự quán Singapore - đơn vị mà UBND TP đề nghị hợp tác giải quyết - đã lên tiếng khẳng định “không có trách nhiệm” trong việc này.
Các học viên trường melior đọc thông báo trường này đóng cửa nên vội vàng gọi điện báo tin cho bạn bè, người thân. |
Thông tin của Tổng Lãnh sự quán Singapore khẳng định: "Các cơ sở giáo dục tư nhân được thành lập tại Việt Nam như Melior phải tuân thủ các quy định của Việt Nam, nếu vi phạm, họ phải chịu trách nhiệm, tuân theo các biện pháp mà cơ quan chức năng ở Việt Nam đề ra".
Các cơ sở giáo dục này không chịu sự quản lý, vận hành và sở hữu của các cơ quan thuộc nhà nước Singapore và không có sự liên kết với Tổng Lãnh sự quán Singapore tại TP.HCM cũng như Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội.
Tổng Lãnh sự quán Singapore cũng cho biết các cơ sở giáo dục tư nhân được thành lập tại Singapore thì chịu sự quản lý của Hội đồng Giáo dục tư thục Singapore (CPE) theo những tiêu chuẩn quy định của hội đồng này nhằm bảo đảm chất lượng cũng như quyền lợi của người học. Tuy nhiên, CPE không có quyền hạn thực thi pháp lý bên ngoài lãnh thổ Singapore, do đó sự quản lý này không bao gồm các trung tâm giáo dục tư nhân hoạt động ở Việt Nam.
Tổng Lãnh sự quán Singapore có lý do pháp lý để từ chối hợp tác giải quyết, còn cơ quan chức năng ở TP.HCM đang làm những việc kể ra bằng thừa đối với học viên, đó là tước quyền sử dụng không thời hạn và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề của Melior sau khi đơn vị này... đã biến mất!
Cần phải nhắc lại là các cơ quan chức năng ở TP.HCM lẽ ra có thể ngăn chặn được sự biến mất của Melior bởi một tháng trước khi Melior tháo chạy, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi UBND TP.HCM đề nghị rút giấy phép của cơ sở này. UBND TP.HCM cũng đã nhanh chóng có văn bản gửi Sở LĐ-TB-XH cùng các sở, ngành liên quan chỉ đạo xem xét rút giấy phép song lại quá chậm chạp trong xử lý.
Melior biến mất, ôm theo hàng chục tỉ đồng của học viên. Thiệt hại là rất lớn nhưng Sở LĐ-TB-XH chỉ bị UBND TP phê bình. Dư luận cho rằng mức xử lý này quá nhẹ.
Rút giấy phép đào tạo nghề của ERC Việt Nam Sở LĐ-TB-XH TPHCM vừa ra quyết định thu hồi, tước quyền sử dụng không thời hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề của Công ty TNHH Nghiên cứu và giáo dục Việt Nam (viết tắt là ERC Việt Nam) trụ sở tại 86-66-92 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Theo quyết định do Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TPHCM Huỳnh Tấn Dũng ký ngày 21/11, đơn vị này bị thu hồi giấy phép do đã lợi dụng hoạt động dạy nghề, lợi dụng nội dung đăng ký trong giấy phép dạy nghề để quảng cáo, tuyển sinh và đào tạo trái phép trình độ cao đẳng, đại học và cao học các ngành quản trị kinh doanh, tài chính kế toán, du lịch khách sạn. Công ty này có trách nhiệm nộp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề tại sở LĐ-TB-XH, chậm nhất ngày 26/11. Cùng ngày, sở cũng ra quyết định xử phạt ERC Việt Nam vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề, buộc phải trả lại cho người học các khoản đã thu. Sau khi nhận được quyết định trên, ERC Việt Nam đã gửi thông cáo báo chí đến các cơ quan truyền thông khẳng định mặc dù bị Sở LĐ-TB-XH thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề nhưng ERC vẫn tiếp tục hoạt động theo giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở KH-ĐT TPHCM cấp ngày 28/8/2012. ERC cho biết “đang trong giai đoạn nước rút đàm phán với một số đối tác tiến tới ký kết những thỏa thuận cần thiết nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho toàn thể học viên” theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
|
Theo Người Lao Động