Ngày 20/3, tại phiên họp Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đặt ra câu hỏi: Nếu phát hiện sai sót trong vụ Nguyễn Văn Chưởng thì xử lý thế nào?
Vụ Nguyễn Văn Chưởng (ở Hải Phòng) bị kết án tử hình về tội Giết người và Cướp tài sản đang có nhiều đơn kêu oan.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện khẳng định: vụ án Nguyễn Văn Chưởng có phát hiện sai sót thì cũng đã hết đường kháng nghị. |
Theo dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát, "Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, Chưởng bị kết tội cùng các đồng phạm Trung và Hoàng về hai tội Giết người và Cướp tài sản là đúng, đủ căn cứ, không oan".
"Tuy nhiên vai trò của Chưởng thế nào trong tội Giết người như Chưởng có bàn bạc và có hành vi giết bị hại hay không thì chưa rõ. Đây là căn cứ rất quan trọng cần được làm rõ để quyết định hình phạt tương xứng với tính chất, hành vi của Chưởng trong tội Giết người” - dự thảo báo cáo nhấn mạnh.
Vụ án này từng được Viện trưởng Viện KSND tối cao kháng nghị, cũng với quan điểm cần làm rõ vai trò của Chưởng trong tội Giết người, nhưng Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã bác kháng nghị.
Trình bày trước Đoàn giám sát, Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong một lần nữa bảo lưu quan điểm của lãnh đạo Viện KSND tối cao.
"Qua xem xét hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy chưa đủ căn cứ vững chắc để kết luận Chưởng là người chủ mưu, cầm đầu vụ giết người" - ông Phong nói.
Thành viên đoàn giám sát, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) phân tích: trước khi gây án, các bị cáo thống nhất với nhau là đi cướp, vì vậy Chưởng bị kết tội Cướp tài sản là không có gì phải bàn cãi.
Nhưng tội Giết người thì cần phải xem lại, bởi hồ sơ bản án thể hiện Chưởng là người lái xe máy, hai bị can ngồi sau nhảy xuống đâm, chém, trực tiếp gây ra cái chết cho nạn nhân Sinh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng căn cứ vào hồ sơ thì Chưởng cũng không phải là người có vai trò chính gây ra cái chết (vết thương trên trán của nạn nhân).
Hồ sơ không chứng minh được Chưởng chủ mưu bàn bạc đi Giết người thì không thể kết tội và tuyên án tử hình Chưởng được.
Theo ông Hiện, vụ Nguyễn Văn Chưởng đã qua xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm với cấp xét xử cao nhất là Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.
"Theo quy định của pháp luật thì vụ này nếu có sai cũng hết đường kháng nghị, bởi quyết định của pháp luật về tố tụng hình sự thì quyết định của Hội đồng thẩm phán là quyết định cuối cùng" - ông Nguyễn Văn Hiện nói.
Ông đề nghị TAND Tối cao phải có ý kiến chính thức về vụ việc này và tìm cách giải quyết, nếu không thì Ủy ban Tư pháp cũng sẽ có kiến nghị.
Trao đổi với phóng viên, một thành viên Ủy ban Tư pháp nói rằng căn cứ vào các quy định của pháp luật thì vụ án Nguyễn Văn Chưởng không được xem xét lại nữa, tức là đã hết cách để cơ quan tiến hành tố tụng sửa sai.
Tuy nhiên, căn cứ vào kết luận của Đoàn giám sát và ý kiến của các bên liên quan, Chủ tịch nước hoàn toàn có thể ân xá giảm án cho Nguyễn Văn Chưởng.