Chiều 8/2, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam.
Tại phiên xử chiều nay, luật sư phía nguyên đơn đưa ra những dẫn chứng, lập luận để chứng minh GrabTaxi vi phạm đề án 24, Thông tư và Nghị định của Chính phủ. Cụ thể, luật sư Nguyễn Văn Đức chỉ ra, theo đề án 24, GrabTaxi khẳng định chỉ tham gia kinh doanh phần mềm ứng dụng, không kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, GrabTaxi đã định giá cước, thu tiền, điều chỉnh giá cao điểm….
"Đây là đặc điểm của hoạt động kinh doanh vận tải taxi chứ không phải kinh doanh phần mềm", luật sư khẳng định.
Luật sư cũng cho rằng GrabTaxi thừa nhận việc mua bảo hiểm tự nguyện tai nạn, điều này chỉ có với dịch vụ kinh doanh vận tải.
Ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Vinasun. Ảnh: Hoài Thanh. |
Cũng theo đề án 24, GrabTaxi không có chức năng định giá cước, chức năng này của hợp tác xã. Trong quá trình xét hỏi tại tòa, bị đơn không xuất trình được tài liệu nào là do hợp tác xã định giá. Nguyên đơn cho rằng nếu GrabTaxi không định giá thì không có vụ kiện với Vinasun.
Với những phân tích trên, luật sư cho rằng việc định danh GrabTaxi là dịch vụ kinh doanh vận tải bằng taxi là hoàn toàn có căn cứ. "Đây là hành vi vi phạm rất nghiêm trọng của GrabTaxi trong đề án 24 của Bộ Giao thông Vận tải", luật sư Đức bày tỏ.
Đại diện nguyên đơn cũng cho rằng GrabTaxi có dấu hiệu vi phạm trách nhiệm với Nhà nước. Điều này thể hiện ở việc trong 3 năm, doanh nghiệp này khai lỗ hơn 938 tỷ đồng, lớn gấp 4,7 lần vốn điều lệ của Grab. Trong khi số xe lên tới 12.000 chiếc ở TP.HCM nhưng chỉ đóng thuế 9,5 tỷ. GrabTaxi được đưa vào tình trạng kiểm soát đặc biệt về thuế.
"Hoạt động trái pháp luật của GrabTaxi đã gây thiệt hại cho Vinasun, tác động đến nền kinh tế của Việt Nam, an ninh trật tự, gây ùn tắc giao thông, phá hủy toàn bộ quy hoạch giao thông của Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng", luật sư nguyên đơn nói.
Vì vậy, luật sư yêu cầu HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho ngừng ngay việc thí điểm của GrabTaxi.
Ông Trương Đình Quý (Phó tổng giám đốc Vinasun) nói GrabTaxi đưa ra khẩu hiệu đăng ký trở thành tài xế cho hãng này sẽ được thu nhập cao. Việc này khiến nhiều tài xế phải cầm cố tài sản, vay mượn để lái xe cho Grab.
"Thực tế lại thu chiết khấu cao khiến nhiều tài xế đình công, biểu tình tràn lan', ông Quý nhấn mạnh.
Vị đại diện này cho rằng GrabTaxi đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Việc khởi kiện của Vinasun không chỉ vì lợi ích của hãng này mà còn vì lợi ích của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Mã Bửu Thịnh, đại diện theo uỷ quyền của GrabTaxi. Ảnh: Hoài Thanh. |
Về phía bị đơn, luật sư Lưu Tiến Dũng (bảo vệ quyền và lợi ích cho GrabTaxi) tiếp tục đề nghị HĐXX bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hoặc đình chỉ vụ án.
Luật sư cho rằng đây là vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Vinasun phải cung cấp chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện của họ đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Grab có hành vi vi phạm pháp luật; Vinasun có thiệt hại thực tế; Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại.
Về cáo buộc của Vinasun khi cho rằng GrabTaxi không thực hiện đúng đề án 24 của Bộ Giao thông vận tải, Grab trình bày việc xem xét này thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải. Nếu cho rằng hoạt động kinh doanh của nguyên đơn gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của Vinasun thì Vinasun phải khiếu nại quyết định cho phép đề án thí điểm lên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải hoặc khiếu kiện hành chính.
Đối với cáo buộc nguyên đơn vi phạm pháp luật về khuyến mại, đại diện GrabTaxi cho rằng việc xem xét hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh. Và phía Vinasun cũng chưa cung cấp được bất kỳ quyết định xử phạt nào của các cơ quan có thẩm quyền về các hành vi này của GrabTaxi.
Trả lời HĐXX về việc giá cước thay đổi liên tục trên điện thoại, ông Mã Bửu Thịnh (đại diện theo ủy quyền của GrabTaxi) cho rằng đều do phần mềm lập trình sẵn, dựa trên đơn giá do hợp tác xã vận tải cung cấp.
“Giá thay đổi liên tục thì hợp tác xã kết nối thế nào để các ông biết mà điều chỉnh?”, chủ tọa hỏi. Ông Thịnh không trả lời và cho biết việc thanh toán sẽ do khách hàng trả trực tiếp cho tài xế, tài xế sẽ trả cho hợp tác xã tùy theo thỏa thuận.
Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa do còn nhiều vấn đề cần làm rõ.