Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ 'võ sư' đánh vợ dã man: Con trẻ bị ảnh hưởng thế nào từ bạo lực?

Theo một số chuyên gia tâm lý khi trẻ nhìn thấy bố đánh mẹ, sau này, các bé có thể tái hiện tình huống bạo lực. Có những em sẽ co lại như người mẹ hoặc hung bạo như bố.

Sáng 27/8, cư dân mạng bức xúc trước đoạn video ghi cảnh người chồng được cho là võ sư thẳng tay đánh đập, ném sỏi vào người vợ đang bế con nhỏ mới 2 tháng tuổi, làm chị và cháu bé nhiều lần ngã xuống nền nhà. 

Trao đổi với Zing.vn thông tin về đoạn video được đăng tải, anh Vũ Mạnh Nghĩa (ở Hà Nội) cho biết phụ nữ bị đánh là em gái mình, tên V.T.T.L. (sinh năm 1992, đang công tác tại một cơ quan báo chí ở Hà Nội). Chồng đánh chị L. là võ sư, tên Nguyễn Xuân Vinh.

Nếu đúng là võ sư, thẳng tay đánh vợ thì còn dạy được ai?

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng trong gia đình, dù bất kể lý do gì, đàn ông đánh phụ nữ là không chấp nhận được. Nhiều người đặt câu hỏi không hiểu anh chồng nghĩ gì khi "ra đòn thù" với vợ đang bế con nhỏ trên tay.

vo su danh vo anh 1
Hình ảnh người chồng đánh vợ ngã ra đất. Ảnh cắt từ clip.

Độc giả Toàn Daisi cho rằng: “Người đàn ông vũ phu này được gọi là võ sư? Người phụ nữ chân yếu tay mềm, đang bồng con nhỏ lại bị người đàn ông động tay, động chân, thật bất hạnh”.

Bạn Nguyễn Kiên bình luận học võ để cứu người chứ không phải để đánh người, đặc biệt đó lại là người thân. Không biết người đàn ông này dạy môn phái nào và có thể dạy cho ai khác sau vụ việc trên?

"Trước khi thành võ sư, thiết nghĩ, họ phải có đạo đức của nghề. Tôi đề nghị chính quyền và cơ quan công an vào cuộc làm rõ sự việc", độc giả này viết.

Thành viên Nguyễn Huế nhận định người phụ nữ sau sinh còn yếu và có thể gặp nhiều rủi ro như trầm cảm, hậu sản. Nhìn hình ảnh người mẹ bị đánh, ôm, bảo vệ con thật xót xa. Người đàn ông có võ lại đánh vợ mình thì quá hèn.

Ngoài ý kiến lên án kẻ vũ phu, nhiều người lo cho bé trai trong clip có thể bị ảnh hưởng không tốt khi chứng kiến hành động của bố.

Chị Nguyễn Thùy (30 tuổi, Bắc Giang) kể lại nhìn clip người chồng đánh vợ dã man, chị thấy hình ảnh của mình trong đó. Cuộc sống gia đình không hạnh phúc, chị Thùy bị chồng đánh từ lúc mang bầu cho đến khi sinh con, sau đó vợ chồng ly dị. Chị buồn nhất là những cảnh bạo lực của gia đình ảnh hưởng đến con mình.

Người mẹ kể con càng lớn càng có những biểu hiện bất thường và được chẩn đoán là rối loạn tâm lý, tiền tăng động. Cháu được đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng hiện vẫn còn nhiều tổn thương do gia đình đổ vỡ. 

Trẻ có thể trầm cảm vì bạo lực gia đình

Từng trả lời Zing.vn trước đó về chủ đề bạo hành gia đình, thạc sĩ Lã Linh Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục, Hà Nội - cho hay những cảnh bạo lực gia đình dễ ảnh hưởng tâm lý trẻ.

Tại trung tâm trên, khoảng 40% trẻ em và cả người lớn bị các chứng tâm lý như rối loạn lo âu, hoảng sợ, trầm cảm khi chứng kiến cảnh bạo lực ngay trong chính gia đình của mình. Mỗi tháng, trung tâm nhận 30-50 lượt khám liên quan các vấn đề tâm lý.

Trẻ đến khám thường có biểu hiện lo âu, trầm lặng. Các dấu hiệu khác như mệt mỏi, khó ngủ, đau đầu, cắn móng tay đến cụt hoặc chảy máu, tay vân vê đồ vật, khó ngủ, sợ hãi trong giấc mơ. Lớn hơn một chút, các bé thường tự làm hại cơ thể, rạch tay, đau đầu, đau tai, đau bụng.

Bà Nga thông tin những bé chứng kiến cảnh bạo hành thường thu mình lại, dễ kích động, khó thực hiện theo yêu cầu của người lớn, học tập kém dần. Thông thường, đến năm 4 tuổi, gia đình mới phát hiện con em có vấn đề về tâm lý và đưa đi khám.

“Khi trẻ nhìn thấy bố đánh mẹ, sau này, các bé có thể tái hiện tình huống đó. Có những em sẽ co lại như người mẹ hoặc hung bạo như bố. Nhiều lý thuyết tâm lý khẳng định cách hành xử và cảm xúc của bố mẹ sẽ được trẻ tiếp nhận, học theo và ứng xử tương tự. Nó được gọi là quy luật lây lan về tâm lý. Tiếp xúc năng lượng tiêu cực, lớn lên, trẻ sẽ có khả năng đương đầu kém với các vấn đề xã hội”, thạc sĩ Lã Linh Nga phân tích.

TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - cho hay có những em còn quá nhỏ không nhớ được rõ hành vi bố đánh mẹ dã man, nhưng vẫn có thể bị ảnh hưởng tâm lý khi môi trường sống xung quanh bất an vì tiếng động, nét mặt, hành động.

Trẻ có thể bị trầm cảm ở thời điểm sơ sinh như hay khóc, ngủ không tốt. Sau này khi trưởng thành trẻ có thể trở nên yếu đuối. Vì vậy môi trường giáo dục trong gia đình rất quan trọng. 

‘Võ sư’ hành hung người vợ đang bế con trên tay Đoạn video ghi lại cảnh người chồng võ sư hung hãn, thẳng tay đánh đập, ném sỏi vào người vợ đang bế con nhỏ, làm vợ và con nhiều lần ngã dúi dụi xuống nền nhà.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp, Hà Nội, đàn ông đánh vợ vì bất cứ lý do gì đều không thể chấp nhận được. Là võ sư đánh vợ khi người phụ nữ đang bế con còn đỏ hỏn, không có khả năng tự vệ, hành động rất phản cảm, vi phạm nghiêm trọng về đạo đức và pháp luật.

Tùy tính chất, mức độ của hành vi, yếu tố lỗi và hậu quả mà người xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp hình ảnh, clip được lan truyền trên mạng xã hội, báo chí phản ánh, công an địa phương biết hoặc do các cơ quan, tổ chức bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình hoặc chính quyền địa phương chuyển tới cơ quan công an, cơ quan này sẽ tiếp nhận tin báo và xác minh, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Trường hợp người bị hại không có đơn yêu cầu xem xét, cơ quan công an vẫn có thể xử phạt hành chính theo điểm e, khoản 3, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, mức phạt có thể 2 triệu đến 3 triệu đồng.

Vụ cô gái bị tạt axit khi chia tay: Đừng níu kéo tình yêu bằng tội ác

Nhiều trường hợp sau khi chia tay, nạn nhân bị người yêu cũ tung ảnh nhạy cảm, tạt axit. Thậm chí, không ít kẻ mất nhân tính có hành vi gây tội ác, vi phạm pháp luật.

Huỳnh Anh

Bạn có thể quan tâm