Chị Phạm Thanh Hà (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ gia đình chị có thói quen khi ăn phải có một cốc nước lọc đặt ở bên cạnh bàn ăn. Ba mẹ con chị đều có thói quen mỗi người một cốc nước lọc to khoảng 350 ml đặt ở cạnh nhâm nhi trong bàn ăn.
Gần đây, con gái lớn của chị 16 tuổi thường xuyên có hiện tượng đau, tức thượng vị nên chị đưa con đi kiểm tra. Bác sĩ kiểm tra cho biết con chị bị đau dạ dày, âm tính với HP.
Theo đó, thói quen ăn vừa ăn, vừa uống chị áp dụng cho con từ lúc bé tập ăn đến giờ đã gây sức ép cho hệ tiêu hoá, dạ dày tăng tần suất hoạt động làm tình trạng viêm xảy ra.
Bác sĩ khuyến cáo mẹ con chị Hà nên bỏ thói quen vừa ăn vừa uống. Cho dù là bất cứ loại nước nào được uống trong khi ăn cũng đều làm cho kích thước dạ dày tăng lên, việc tiêu hóa đồ ăn sẽ bị gián đoạn, chậm lại.
Chuyên gia khuyến cáo không nên vừa ăn vừa uống nước. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Theo bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên bác sĩ Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, trong cơ thể chúng ta, nước chiếm từ 60-70%, điều đó chứng tỏ nước rất cần thiết đối với con người, thiếu nước ảnh hưởng đến các hoạt động sống của cơ thể, tất cả phản ứng, quá trình chuyển hoá trong cơ thể đều cần nước.
Nước còn giúp đào thải các chất độc hại ra ngoài cơ thể qua nước tiểu, mồ hôi. Riêng đối với trẻ em, nước lại càng quan trọng. Khi thiếu nước, cơ thể có thể dẫn đến suy giảm tuần hoàn, thậm chí tử vong nếu mất nước nặng trong các trường hợp tiêu chảy cấp.
Khi uống nước, chỉ sau năm phút, nước đã rời khỏi dạ dày. Vì vậy, chỉ nên uống nước 10 phút trước khi ăn hoặc một giờ sau khi ăn, không nên uống ngay sau hoặc trong khi ăn.
Nguyên nhân là uống trong khi ăn sẽ hòa loãng và mau đưa dịch vị dạ dày xuống ruột, khiến cho sự tiêu hóa khó khăn. Hơn nữa, vừa uống vừa ăn, ta sẽ nuốt món ăn chưa được nhai kỹ không tốt cho tiêu hoá và hấp thu.
Uống nước nên chia làm nhiều lần trong ngày, không nên uống một lần quá nhiều. Ngay cả khi khát nước cũng không nên uống quá nhiều một lúc.
Tốt nhất là nên uống từ từ, từng ngụm một để cho nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu và thỏa mãn nhu cầu khát của một cơ thể bị thiếu nước.
Bác sĩ Hải chia sẻ nước uống có thể là nước máy đun sôi để nguội, nước lọc, nước khoáng, nước tinh khiết đóng chai, sữa, nước ép trái cây, nước ép rau củ, nước súp... đều có thể dùng được hàng ngày.
Mùa hè, các loại nước tốt cho sức khoẻ bạn nên bổ sung như nước ép trái cây tươi, nước cam, quýt, bưởi, dưa chuột, táo… khi uống, bạn không nên cho thêm đường. Loại nước quả ép này vừa cung cấp nước lại cung cấp các vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
Nước ép trái cây cũng giúp xóa tan những mệt mỏi, tăng cường chức năng hoạt động của não và làm khỏe mạnh những mạch máu, giúp lưu thông khí huyết tốt trong cơ thể người.
Các loại nước ép từ rau củ như củ đậu, bí xanh, nước rau má… cũng rất tốt cho cơ thể, nhất là đối trẻ thừa cân, vừa không sợ bị tăng cân, mà còn có tác dụng giải nhiệt.
Sữa đậu nành không đường cũng là nước uống và thức ăn bổ dưỡng vừa cung cấp nước, cung cấp canxi và các chất dinh dưỡng khác.
Nước rau luộc cũng rất tốt cho cơ thể. Bởi loại nước này cung cấp các vitamin và khoáng chất. Việc ăn canh thường ăn cuối cùng sau khi bữa ăn diễn ra 15-20 phút. Lúc này, một phần thức ăn đã được tiêu hóa. Như vậy, bữa ăn vẫn đảm bảo khoa học.
Loại nước uống tốt nhất cho con người là nước sạch tự nhiên có trong rau quả, nước băng tan hoặc nước sạch nhân tạo.
Để đảm bảo sức khỏe, chúng ta nên tự đun sôi nước sạch để nguội uống hàng ngày, nếu uống nước đóng chai thì phải chọn các hãng có uy tín trên thị trường.
Bạn cũng nên hạn chế sử dụng các loại nước uống có cồn, có ga vì chúng có thể gây béo phì và ảnh hưởng tới hoạt động của hệ tiêu hoá, đặc biệt là trẻ nhỏ.