Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vừa đi vừa dùng điện thoại, người phụ nữ trượt chân rơi xuống sông

Tình trạng vừa dùng điện thoại vừa tham gia giao thông ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ ở giới trẻ mà còn ở người lớn tuổi. Điều này đã gây ra không ít trường hợp đáng tiếc.

Năm 2016, đoạn phim từ camera quan sát ghi lại sự việc một phụ nữ đang cắm cúi dùng điện thoại thì bất ngờ trượt chân rơi xuống sông.

Do trời tối và đường vắng vẻ, người phụ nữ này không được ai cứu. Xác của cô được tìm thấy vào sáng hôm sau.

Sau đó, vào năm 2017, cũng tại Trung Quốc, một cô gái 20 tuổi vì quá chú tâm vào điện thoại đã bước hụt xuống khoảng trống giữa các thanh sắt của nắp cống.

Cô liên tục khóc, kêu la đau đớn vì không thể rút chân lên được. Cuối cùng, hai người đàn ông đi đường buộc phải sử dụng xà beng mượn từ cửa hàng gần đó để giúp cô thoát thân.

Từ những vụ việc trên, cộng đồng mạng đồng loạt kêu gọi mọi người nâng cao cảnh giác khi đi đường, không nên đặt cược mạng sống của mình chỉ vì mải mê với chiếc điện thoại.

nghien smartphone anh 1
Smartphone ngày càng chi phối mọi hoạt động của con người. Ảnh: Glenn Harvey.

Nhưng tình trạng này đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.

Kể từ năm 1990, Mỹ là quốc gia có tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ cao nhất thế giới, với nguyên nhân chủ yếu là sự mất tập trung của cả tài xế và người đi đường.

Hành vi này đã tạo ra làn sóng tranh luận dữ dội giữa các chính trị gia ở Mỹ về việc vừa đi bộ vừa nhắn tin có được xem là phạm luật hay không.

Ken Kolosh, nhà quản lý thống kê tại Hội đồng An toàn Quốc gia (NSC), nói: “Chúng tôi không muốn đổ lỗi nạn nhân, nhưng chắc chắn rằng họ nên chịu trách nhiệm cho những vụ việc đó”.

Smartphone chi phối mọi hoạt động

“Twalking” - thuật ngữ kết hợp giữa “text” (nhắn tin) và “walking” (đi bộ) - dùng để chỉ hành động dán mắt vào điện thoại của mọi người khi đi trên đường.

Theo các nhà thần kinh học và tâm lý học, việc nhắn tin trong khi đi bộ có thể là một dạng hành vi gây nghiện.

Con người, về bản chất, là những sinh vật không ngừng tìm kiếm thông tin, và hành động kiểm tra điện thoại cũng chính là lúc họ đang góp nhặt thông tin từ các thiết bị cung cấp chúng.

Tiến sĩ Adam Gazzaley, một nhà thần kinh học, cho rằng bộ não của con người cảm thấy được khen ngợi khi họ tiếp cận được thông tin hay ho nào đó. Điều này thúc đẩy họ không ngừng tìm kiếm thêm nhiều câu chuyện thú vị.

Thậm chí, đối với những “con nghiện” smartphone, họ dùng điện thoại để ổn định cảm xúc và duy trì cảm giác yên tâm hơn đối với thế giới xung quanh.

nghien smartphone anh 2
Nhiều người xem smartphone là vật bất ly thân, và dùng nó để cảm thấy an toàn hơn đối với thế giới xung quanh. Ảnh: Freepik.

Thế nhưng, theo Steven Sussman, giáo sư y học tại Đại học Nam California, không phải tất cả hành vi sử dụng điện thoại liên tục đều được xem là bị nghiện.

Các tác động ngoại cảnh, như tính chất công việc, có thể buộc mọi người thường xuyên kiểm tra điện thoại.

Nhưng dù lý do là gì, việc kết hợp song song giữa sử dụng điện thoại và đi bộ hay điều khiển phương tiện giao thông đều ẩn chứa nhiều tai nạn tiềm ẩn.

Jim Steyer, giám đốc điều hành của Common Sense Media, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên đánh giá các sản phẩm công nghệ dành cho gia đình, cho rằng cần phải có một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về sự nguy hiểm của hành động trên.

Giải pháp duy nhất

Mất tập trung khi đi đường nguy hiểm như thế nào? Thực chất là chưa có gì rõ ràng để trả lời cho câu hỏi này.

Theo NSC, thông tin về việc người đi bộ có mất tập trung tại thời điểm xảy ra tai nạn hay không hiện giờ vẫn chưa thể xác định.

Tuy nhiên, một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Maryland vào năm 2013 chỉ ra rằng có hàng trăm vụ chấn thương do ngã được chuyển đến phòng cấp cứu từ năm 2000 đến 2011, nguyên nhân chủ yếu của chúng là việc sử dụng điện thoại khi đi đường.

Rõ ràng, dù còn nhiều khúc mắc, chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng: việc ngừng sử dụng điện thoại trong lúc đi đường chính là giải pháp giúp giảm thiểu những tình huống nguy hiểm.

“Chúng ta không thể điều khiển được tốc độ, khoảng cách bước chân và linh hoạt né tránh những vật cản khi đang làm một việc khác cùng lúc với di chuyển trên đường”, ông Kolosh cho biết.

nghien smartphone anh 3
 Không sử dụng điện thoại trong lúc tham gia giao thông sẽ phần nào giảm bớt số tai nạn đáng tiếc. Ảnh: Rafa Alvarez.

Vì vậy, theo Melanie Greenberg, nhà tâm lý học lâm sàng, việc tự đặt ra những câu hỏi cho bản thân, như “nhắn tin ngay bây giờ liệu có cần thiết không” hay “có quá ‘dễ dãi’ không khi giao phó mạng sống của mình cho một chiếc smartphone”, là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, cất điện thoại trong túi xách cũng giúp nhiều người lười sử dụng nó hơn vì việc tìm kiếm khá tốn công và rắc rối.

NSC khuyên chúng ta nên dừng ở nơi an toàn nếu muốn kiểm tra điện thoại của mình và giảm âm lượng của tai nghe về mức thấp để có thể nghe rõ những báo hiệu trên đường.

Việc tắt thông báo các ứng dụng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thói quen tập trung di chuyển cho mỗi người.

Giới trẻ giảm thời gian dùng điện thoại, người lớn là 'con nghiện' mới

Có vẻ đây là lần đầu tiên giới trẻ sử dụng điện thoại ít hơn so với thời gian trước đây.


Yến Nhi

Bạn có thể quan tâm