Ngày chung kết chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) diễn ra với nhiều tình huống bi hài cả trong sân lẫn ngoài sạp bán thịt.
Xảy ra sự cố trâu húc chết người tại vòng loại và bị dư luận phản đối, yêu cầu ngừng tổ chức lễ hội nhưng vòng chung kết chọi trâu Đồ Sơn 2017 vẫn diễn ra bình thường với sự góp mặt của 18 trâu đến từ 18 phường, đơn vị trong địa bàn quận.
Sức chứa của sân vận động Quận Đồ Sơn là 15.000 chỗ ngồi. Có tới 3-4 hàng ghế dưới cùng bị trống nhưng ban tổ chức sân vẫn cho rằng có hơn 20.000 khán giả tới sân đón xem. So với những năm trước, không khí mùa lễ hội năm nay nhạt hơn nhiều.
Ban tổ chức cũng đã có quy định nghiêm về việc cấm bất cứ ai (kể cả chủ trâu và lực lượng an ninh, ban tổ chức) được phép có mặt trong sân khi trâu đang thi đấu để đảm bảo an toàn, tránh tình trạng rủi ro thiệt mạng như vòng loại. Tuy nhiên điều này vẫn bị phớt lờ. Ban tổ chức liên tục phải nhắc nhở qua loa phóng thanh.
Khu vực sân thi đấu (bên trong hàng rào an toàn) đã bị thu nhỏ lại còn 1/3 so với mọi năm. Do đó các "ông" trâu không còn có nhiều cú đà dài dũng mãnh cho những cú hổ lao "một phát chết tươi" như mọi năm.
Không vì thế mà chọi trâu năm nay kém thu hút, các đối thủ (chủ yếu được mua từ Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Sóc Trăng...) vẫn có những miếng đánh cực kỳ hiểm hóc.
Trong một trận tứ kết, ngay từ giây đầu tiên trâu số 32 đã dùng đòn hổ lao đâm thẳng đầu vào đối thủ. Trâu số 31 bị tấn công bất ngờ nên choáng, ngã lăn ra sân, sau đó vùng dậy bỏ chạy vào trong cổng giữ chấp nhận thua cuộc.
Ông chủ của trâu số 31 tiếc nuối bởi nếu "học trò" của mình chỉ cần đứng lại trên sân thêm 15 giây sẽ giành chiến thắng. Lý do là trâu số 32 sau khi tấn công đối thủ xong cũng bị choáng và nằm gục xuống sân 15 phút.
Và phải nhờ sự chăm sóc của chủ, che nắng, tắm nước, trâu 32 mới tỉnh táo đứng dậy từ từ đi vào bên trong, giành quyền vào bán kết.
Trong trận bán kết thứ nhất, trâu số 7 đã thắng trâu số 12 khiến đối thủ này trẹo chân không thể đứng lên di chuyển.
Một chiếc xe nâng công vụ đã được điều vào để hỗ trợ đưa trâu số 12 ra ngoài nhưng chính chiếc xe này lại sa lầy trên sân, không thể di chuyển được.
Sau gần 30 phút với sự hỗ trợ bằng đòn gỗ, dây thừng cùng hơn 20 thanh niên trai tráng được huy động, chiếc xe nâng mới được kéo ra khỏi sân. Việc thay một chiếc xe nâng hiện đại tưởng chừng sẽ tiện hơn một chiếc xe máy xúc mọi năm bỗng dưng khiến lễ hội thêm rắc rối.
Không ít khán giả đã xúc động trước
những hình ảnh đầy âu yếm của chủ, của nài với trâu trên sân đấu...
Nhưng ngay sau đó khi bước ra khỏi sân vận động, đập vào mặt khán giả là những quầy sạp bán thịt của các "ông trâu" thua trận trong buổi sáng cùng ngày. Đó chính là những con trâu được chủ nâng niu yêu quý trước khi thi đấu.
Nhiều người xem hội đổ xô vào mua thịt của những "ông trâu" vừa chọi xong trước đó ít phút.
Trong khi trận chung kết bên trong sân vẫn chưa kết thúc thì thịt của "ông trâu" đoạt giải ba (thua cuộc ở trận bán kết) đã bán hết với mức giá không hề rẻ (2 triệu đồng/kg).
Qua 16 trận đấu, trận chung kết được mong chờ nhất cũng đã diễn ra với sự góp mặt của hai đấu thủ mạnh nhất của giải là số 20 (chủ trâu là ông Lưu Đình Tới, phường Vạn Hương) và số 7 (chủ trâu là ông Đinh Đắc Đoàn, phường Ngọc Xuyên).
Kết quả cuối cùng, trâu số 20 của ông Lưu Đình Tới chiến thắng và giành ngôi vô địch Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017. Trâu số 7 về nhì có giá bán thịt tại sân là 3 triệu đồng/kg. Riêng trâu số 20 sẽ được sống thêm một ngày để đưa đi làm lễ tế, báo công ở đình làng và cuối cùng cũng bị giết thịt với mức giá dự kiến khoảng 5 đến 6 triệu đồng/kg.
Hai cô gái trang điểm bị người nhà chú rể lục vali, yêu cầu cởi đồ để kiểm tra vì nghi lấy tiền đã đến công an trình báo vì cho rằng mình bị "vu khống trộm tiền và bị khám xét người, tư trang".