Câu 1. Vua nào gắn liền giai thoại “kể chuyện đời trên bia đá”?
Tự Đức là vị vua thứ tư của triều Nguyễn, trị vì từ năm 1847-1883. Sinh thời, vì không có con trai, nhà vua tự lập bia mộ cho mình ngay khi còn sống. Trên tấm bia ở Khiêm Lăng, Tự Đức đã kể lại quá trình cai trị đất nước, tự nhận tội với tổ tông vì không có con nối dõi, cũng như để đất nước rơi vào tay Pháp. |
Câu 2. Ai từng nhiều lần từ chối ngôi vua?
Trần Nhân Tông là vị vua thứ ba của triều Trần, trị vì từ 1278-1293. Trước khi làm vua, Trần Nhân Tông không thích ngôi báu. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông nhiều lần thuyết phục vua cha lập em trai lên ngôi nhưng không được chấp nhận. |
Câu 3. Vua nào nhường ngôi cho con gái để đi tu?
Lý Huệ Tông là vua thứ 8 của triều đại nhà Lý. Ông nắm quyền trong giai đoạn nhà Lý đã suy yếu, quyền hành rơi cả vào tay họ Trần. Dưới sức ép của Trần Thủ Độ, năm 1224, vua Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái Lý Chiêu Hoàng mới chỉ 7 tuổi để đi tu ở chùa Chân Giáo. |
Câu 4. Vua nào cho phát hành tiền giấy đầu tiên ở nước ta?
Hồ Quý Ly là vị vua có nhiều cải cách trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, ông cho phát hành tiền giấy với tên gọi Thông Bảo Hội Sao để thay cho tiền đồng. |
Câu 5. Vua nào lội xuống ruộng đâm cá khi tiếp sứ thần phương Bắc?
Lê Đại Hành (Lê Hoàn) của nhà Tiền Lê là một trong những vị vua nổi tiếng tài giỏi. Ông có những sở thích rất kỳ lạ. Trong một lần tiếp sứ thần phương Bắc, đang ngồi đãi yến, vua nhảy xuống nước đâm cá. |
Câu 6. Vua nào dùng máu của mình để tìm hài cốt của cha?
Sinh thời, vua Gia Long từng lấy máu của mình nhỏ vào hài cốt tìm được dưới sông nhằm xác định hài cốt của cha. Theo khoa học hiện nay, đây là phương pháp không có độ tin cậy cao, nhưng ngày xưa nó được tin dùng. |
Câu 7. Vua nào từng phóng thích cung nữ để cầu mưa?
Theo sách Minh Mạng chính yếu, mùa Xuân năm Minh Mạng thứ 6, vì hạn hán liên tục, vua ra lệnh cho phóng thích 100 cung nữ ra khỏi thành để cầu mưa, giải trừ thiên tai. |
Câu 8. Vua nào nhận cống phẩm nước ngoài là một con kiến?
Trần Dụ Tông là ông vua nổi tiếng ăn chơi của nhà Trần. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, có lần, ông nhận vật cống phẩm từ Chiêm Thành chỉ có duy nhất một con kiến lớn để vua chơi. |
Câu 9. Vua nào nhà Hậu Lê nợ ngập đầu, gắn liền thành ngữ “nợ như Chúa Chổm”?
Lê Trang Tông tên thật là Lê Duy Ninh, là vua đầu tiên của nhà Lê Trung Hưng (Hậu Lê). Lúc nhỏ lưu lạc trong dân gian, vua phải đi ăn nợ khắp nơi nên về sau gắn liền biệt danh “Chúa Chổm”. |