Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Vừa tăng ca hết đêm, nhân sự startup TP.HCM bị đuổi việc ngay hôm sau

Đăng Khoa (26 tuổi), nhân sự của một startup ở TP.HCM, tăng ca hết ngày 27 Tết rồi bị sa thải đột ngột ngay hôm sau. Anh cho biết công ty không có lời giải thích thoả đáng.

Thất bại tại startup giúp Đăng Khoa hiểu rõ rủi ro khi đặt niềm tin vào những lời hứa hẹn.

Tôi là Đăng Khoa (sinh năm 1999), chuyên viên diễn hoạt 3D (animator 3D) tại TP.HCM.

Ngày 27/1 (tức 28 Tết), khi đang soạn đồ chuẩn bị cho hành trình gần 400 km về quê, tôi nhận được tin nhắn từ quản lý cấp cao. Nội dung thông báo về việc chấm dứt hợp tác, yêu cầu tôi bàn giao công việc sau Tết.

Không có một lời giải thích cụ thể, không có thông báo chính thức, cũng không có cuộc họp trao đổi. Chỉ một tin nhắn ngắn gọn đã khép lại 8 tháng làm việc của tôi tại doanh nghiệp startup này.

Chưa đầy 24 giờ trước, tôi vẫn còn ngồi tại văn phòng đến tối muộn, hoàn tất những phần việc cuối cùng trước kỳ nghỉ. Vậy mà khi Tết Ất Tỵ chưa kịp tới, tôi đã bị “gạch tên” khỏi công ty.

Đột ngột mất việc trước Tết

Trước đây, tôi từng làm animator 3D tại một công ty lớn với hơn 1.000 nhân sự. Công việc ổn định, lương vừa đủ sống. Nhưng rồi, tôi quyết định rẽ hướng.

Tháng 6/2024, tôi gia nhập bộ phận làm phim 3D - mảng mới của một công ty mới khởi nghiệp 2 năm tại TP.HCM.

Trước đó, công ty chủ yếu làm outsourcing (gia công) cho các dự án nước ngoài nhưng muốn mở rộng sang lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình 3D chuyên nghiệp.

Mảng 3D này được thành lập với mục tiêu tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng đến thị trường quốc tế. Với tham vọng này, công ty chiêu mộ nhóm gồm 7 thành viên, trong đó tôi đảm nhận vai trò animator.

Tuy nhiên, ngay từ đầu, bài toán tài chính đã đặt ra nhiều thách thức. Làm phim hoạt hình 3D đòi hỏi nguồn lực lớn, trong khi công ty vẫn chưa có chiến lược rõ ràng. Điều này khiến việc phân bổ ngân sách trở nên hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ và quy mô dự án.

Nếu làm theo tiêu chuẩn, ngân sách công ty đưa ra chỉ đủ trả lương cho một nhóm nhỏ hơn hiện tại. Kết quả là chúng tôi chấp nhận mức lương thấp hơn thị trường, đánh đổi vì niềm tin vào tương lai.

nhan su TPHCM,  sa thai truoc Tet, chap nhan rui ro startup, animator 3D anh 1

Sau khi bàn giao công việc, Khoa tận dụng khoảng thời gian này để đầu tư cho tương lai.

Một số làm vì đam mê, số khác vì cần công việc. Nhưng dù lý do là gì, tất cả đều bị cuốn vào một mô hình không bền vững. Công ty muốn đẩy nhanh tiến độ mà không có chiến lược dài hạn. Khi các dự án không thể tạo ra doanh thu ngay lập tức, áp lực tài chính ngày càng lớn.

Và rồi, tối 28 Tết, tôi nhận tin nhắn sa thải. Không riêng tôi, toàn bộ team 3D cũng bị cắt giảm. Công ty không đưa ra lời giải thích cụ thể, chỉ vòng vo về hiệu suất làm việc.

Tôi không bất ngờ. Nhưng khi nhìn lại 8 tháng qua - những ngày làm thêm ngoài giờ (OT) liên tục, những deadline căng thẳng, những lần vắt kiệt sức vì dự án - tôi vẫn tiếc. Tiếc vì những nỗ lực của tôi và đồng đội không được ghi nhận, tiếc vì giấc mơ vừa chớm nở đã nhanh chóng lụi tàn.

Nhưng tôi không hối hận. Tôi học được nhiều thứ, không chỉ về chuyên môn, mà còn về cách một dự án phim 3D vận hành và thất bại. Người dẫn dắt đội nhóm đã truyền cho tôi những kinh nghiệm quý giá, dù chặng đường ấy ngắn ngủi.

Chuẩn bị cho thị trường cạnh tranh khốc liệt

Quay trở lại TP.HCM vào ngày 3/2 (mùng 6 Tết), tôi dành 2 tuần cuối cùng để bàn giao công việc. Ngày 13/2, tôi chào tạm biệt vài đồng nghiệp, nhận đủ 2 tuần lương cuối cùng và chính thức rời đi.

Sau sự việc này, bài học đầu tiên tôi rút ra là đừng để bị mờ mắt bởi những lời hứa hẹn. Tôi từng tin vào viễn cảnh mà quản lý cấp cao đã vẽ ra - một đội ngũ nhỏ nhưng chất lượng, hướng đến những sản phẩm 3D chuyên nghiệp. Nhưng thực tế, khi chưa có nền tảng tài chính vững chắc, một nhóm làm phim 3D mới rất khó duy trì lâu dài.

Bên cạnh đó, trong thị trường việc làm đầy biến động, chỉ dựa vào một nguồn thu nhập duy nhất là quá rủi ro. Trải nghiệm này khiến tôi nhận ra mình cần ít nhất 2 công việc - một chính, một phụ hoặc một nguồn thu nhập dự phòng.

nhan su TPHCM,  sa thai truoc Tet, chap nhan rui ro startup, animator 3D anh 2

Hiện Khoa đang mở rộng kỹ năng sang modeling, lighting và rigging.

Sau khi rời công ty, tôi không vội tìm việc mới. Một phần vì tôi cần thời gian nghỉ ngơi, một phần bởi bạn gái tôi cũng muốn tôi không còn “cắm đầu” vào công việc như trước. Quan trọng hơn, tôi hiểu rằng nếu nhảy ngay vào một công ty khác, tôi sẽ lại rơi vào guồng quay cũ.

Ngành phim 3D tại Việt Nam cạnh tranh cao, nhân sự đông nhưng doanh nghiệp ít, và không phải mảng nào cũng dễ kiếm tiền.

Những lĩnh vực như modeling (tạo mô hình 3D), lighting (đặt ánh sáng), rigging (gắn khung xương cho nhân vật) có nhiều cơ hội làm tự do (freelance). Nếu giỏi một trong số đó, người lao động vẫn có thể tìm được công việc ổn định.

Nhưng animation (diễn hoạt 3D), chuyên môn chính của tôi, lại là câu chuyện khác. Công việc này đòi hỏi sự đồng bộ giữa các khâu, cần một đội nhóm làm việc cùng nhau, nên hầu như không có cơ hội freelance.

Hiện, từ các mối quan hệ trong ngành, một số bên đã ngỏ ý mời tôi về làm, nhưng tôi chưa vội nhận lời. Thay vào đó, tôi muốn dành thời gian phát triển các dự án cá nhân, bổ sung vào hồ sơ của mình. Bên cạnh animation, tôi quyết định mở rộng kiến thức sang modeling, lighting, rigging.

Tôi nhận ra rằng để phát triển toàn diện trong lĩnh vực phim 3D, không thể chỉ giỏi một chuyên môn. Hiểu thêm về các khâu khác trong pipeline (quy trình sản xuất) giúp tôi có cái nhìn tổng thể hơn, làm việc hiệu quả hơn và mở rộng cơ hội nghề nghiệp.

Tôi không xem việc rời bộ phận phim 3D là một thất bại. Ngược lại, đó là một dấu mốc cần thiết để tôi nhìn lại bản thân và chuẩn bị tốt hơn cho chặng đường phía trước. Và lần này, tôi sẽ không chỉ đặt cược vào một cơ hội duy nhất.

Cô gái TP.HCM bất đắc dĩ 'nhảy việc' 4 công ty trong 4 năm

Từ năm 2021, Xuân Nhi (28 tuổi) liên tục nhảy việc ngoài ý muốn, từ lý do công ty chậm lương, phá sản cho đến môi trường không còn phù hợp, khiến sự nghiệp bấp bênh suốt 4 năm qua.

Trong Báo cáo thị trường tuyển dụng thường niên 2024-2025 của TopCV, tình trạng cắt giảm nhân sự tiếp tục là xu hướng đáng chú ý trong năm nay. Đây là hệ quả của những khó khăn tài chính mà nhiều doanh nghiệp đối mặt trong giai đoạn 2023-2024, buộc họ phải cơ cấu lại bộ máy hoạt động.

Áp lực từ suy thoái kinh tế toàn cầu, bất ổn địa chính trị và sự thay đổi trong mô hình kinh doanh khiến các công ty, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ, phải điều chỉnh chiến lược để tồn tại. Bên cạnh việc cải tiến sản phẩm, tối ưu vận hành, nhiều đơn vị lựa chọn cắt giảm nhân sự như một biện pháp kiểm soát chi phí. Dữ liệu cho thấy, nhóm lao động ngoài ngành IT (Non-IT) có tỷ lệ nghỉ việc và bị cắt giảm lên đến 53,3%, trong khi con số này ở nhóm IT là 51,34%.

Những biến động này không chỉ ảnh hưởng đến nhân sự mà còn làm thay đổi xu hướng tìm kiếm việc làm. Trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều lao động, đặc biệt thuộc thế hệ Millennials và Gen Z, tìm đến mô hình làm việc tự do (freelance) như một lựa chọn linh hoạt hơn. Xu hướng này không chỉ giúp họ chủ động về công việc mà còn phù hợp với nhu cầu cân bằng cuộc sống cá nhân.

Như Phương

Bạn có thể quan tâm