Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Vừa tự hào, vừa lo lắng khi có người thân đi chống dịch

Gạt bỏ nỗi lo lắng trong lòng, gia đình trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc để vợ chồng, bố mẹ, anh chị yên tâm tham gia dập dịch.

cau cho nguoi than di chong dich binh an anh 1

Khi nghe tin chồng sẽ tham gia chống dịch Covid-19 tại xã Vân Trung (Bắc Giang), Đỗ Thị Thu (26 tuổi, Hưng Yên) vừa bồn chồn, lại vừa tự hào.

Do tình hình dịch bệnh ở địa phương này diễn biến phức tạp, chồng chị - anh Chu Văn Hiếu, chiến sĩ quân y thuộc Trung đoàn Bộ binh 141 - chỉ có vài hôm để thông báo với gia đình, trấn an vợ cùng con nhỏ 7 tháng tuổi trước khi lên đường tập kết.

“Dù canh cánh trong lòng, cả nhà vẫn động viên anh cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ dập dịch tại tỉnh Bắc Giang, sớm về nhà đoàn tụ với gia đình”, Thu nói với Zing.

cau cho nguoi than di chong dich binh an anh 2

Trước hôn lễ, anh Chu Văn Hiếu từng tham gia chống dịch ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).

Lo lắng xen lẫn hãnh diện là nỗi niềm chung của những gia đình có người thân tham gia chống dịch Covid-19. Hơn ai hết, họ thấu hiểu mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, cả về tốc độ lây lan lẫn sức tàn phá của virus SARS-CoV-2 tới sức khỏe bệnh nhân.

Song, phía hậu phương vẫn gắng vững tâm, trở thành chỗ dựa tinh thần để vợ chồng, bố mẹ, anh chị an tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ.

Chỉ mong họ an toàn, mạnh khỏe

Trước khi kết hôn vào năm 2020, anh Hiếu từng nhận nhiệm vụ chống dịch ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Do đó, chị Thu không quá bất ngờ khi chồng tiếp tục lên đường, tiến vào vùng dịch.

“Từ lúc quen biết, lấy nhau cho tới khi có con đầu lòng, tôi hiểu rõ đặc thù công việc của chồng. Tôi hoàn toàn cảm thông, không phản đối việc anh liên tục xa nhà giữa mùa dịch”, chị chia sẻ.

Người vợ trẻ kể rằng hai vợ chồng thường xuyên liên lạc qua những cuộc gọi, dòng tin nhắn để động viên, nhắn nhủ nhau cố gắng.

“Tôi từng nghe chồng kể về quá trình truy tìm người nhập cư trái phép ở biên giới, hỗ trợ đội ngũ y tế tại khu cách ly và những câu chuyện cảm động về tình cảm dân quân nơi anh công tác. Thương có, lo có nhưng trên hết, tôi mong anh và đồng đội mạnh khỏe, làm tốt nhiệm vụ”, người vợ tâm sự.

Nỗi lo lắng cũng bao trùm gia đình Hoàng Anh Minh (16 tuổi, Quảng Ninh) sau khi mẹ thông báo sẽ cùng 200 đồng nghiệp khác lên đường chi viện trên Bắc Giang.

“Cả nhà mình cũng không có nhiều thời gian chuẩn bị tinh thần. Ngày 13/5, mẹ đi làm về là báo tin luôn. Sau đó, mẹ ở nhà để chuẩn bị hành lý, thu vén chuyện nhà cửa. Đến sáng sớm 15/5, mẹ tập trung ở bệnh viện rồi lên đường”, Minh kể lại.

cau cho nguoi than di chong dich binh an anh 3

Khi mẹ vắng nhà, 3 bố con Hoàng Anh Minh cùng nhau dọn dẹp, giữ cho nhà "sạch như cung điện".

Đây cũng là lần thứ 2 Minh chứng kiến mẹ mình, y tá Vũ Thị Thiên Lý (43 tuổi) tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, đi vào vùng dịch để thực hiện nhiệm vụ. Trước Tết Nguyên đán 2021, cô Lý từng “xông pha” ổ dịch Đông Triều (Quảng Ninh).

Chia sẻ với Zing, Minh cho biết cậu “cũng quen rồi” nhưng trong lòng vẫn không khỏi lo lắng, buồn rầu khi mẹ xa nhà. Nam sinh lớp 10 tự hỏi không biết tâm dịch lần này liệu có khắc nghiệt hơn, gây khó khăn cho mẹ nhiều như lần trước không.

Minh và em gái gọi điện cho mẹ để hỏi thăm mỗi tối, hoặc bất cứ lúc nào mẹ có thời gian rảnh. Hai anh em không quên khoe mẹ rằng “nhà mình sạch đẹp như cung điện” nhờ bàn tay chăm sóc, dọn dẹp nhà cửa của bà ngoại và 3 bố con.

Được nhìn thấy mẹ qua màn hình nhỏ của điện thoại, nỗi nhớ mẹ của hai anh em cũng phần nào vơi bớt.

“Giờ em chỉ mong Bắc Giang sớm dập dịch thành công để mẹ và cả phụ huynh của các bạn khác là cán bộ y tế được về đoàn tụ với gia đình”, Minh nói.

Nỗi lòng của đứa con phương xa

Nỗi lo âu của Võ Hoàng An (22 tuổi) lại càng day dứt hơn khi anh đang cách xa quê nhà Vĩnh Long hàng nghìn cây số. Hiện chàng trai trẻ học tập và làm việc ở thành phố Nakatsugawa (tỉnh Gifu, Nhật Bản).

cau cho nguoi than di chong dich binh an anh 4

"Mẹ không chỉ là bóng hồng duy nhất trong nhà, mà còn là người đẹp nhất. Tiếc là mình không được hưởng nét nào của mẹ", Hoàng An chia sẻ.

Mẹ của Hoàng An là bác sĩ Nguyễn Thị Tô Châu (46 tuổi), hiện công tác tại Bệnh viện Thành phố Vĩnh Long. Trước tình hình Covid-19 bùng phát trở lại, dù tỉnh không nằm trong điểm nóng, cậu cho biết mẹ và các đồng nghiệp phải tập trung cao độ để ứng phó với dịch bệnh.

“Hôm qua, mẹ kể rằng bệnh viện mới có trường hợp F1 được đưa vào, cũng may là âm tính, không thì mẹ ‘nhém bị cách ly 21 ngày’. Thay vì lo cho bản thân, mẹ lại liên tục nhắc mình giữ sức khỏe bởi tình hình Covid-19 tại Nhật Bản căng thẳng hơn ở nhà nhiều”, chàng trai nói với Zing.

Nhớ lại đợt dịch mới xuất hiện hồi tháng 3/2020, Hoàng An cho biết cứ hôm nào mẹ đi trực, bố lại gọi cho cậu để trò chuyện, tâm sự. Bố nói về đủ thứ chuyện như một cách giải tỏa cho nhẹ lòng.

“Mình hiểu trong lòng bố lúc ấy đang lo sợ đủ điều. Chuyện nhà cửa bố một tay lo tuốt được, từ nấu cơm, dọn dẹp, đến việc đưa đón em trai mình đi học. Nhưng bố vẫn lo cho mẹ lắm, dù bố chẳng nói thẳng ra đâu. Bố sợ có chuyện gì xảy ra với mẹ, rồi lỡ ngày hôm sau mẹ phải đi cách ly luôn thì sao”, Hoàng An kể lại.

Là con trai của một bác sĩ, Hoàng An tự hào rằng cả mình và cậu em đều được “huấn luyện bài bản” về các biện pháp an toàn bảo vệ bản thân trước dịch bệnh.

“Mình ở quá xa để có thể đỡ đần gia đình, nên trước mắt, mình phải tự bảo vệ mình trước Covid-19 ở nơi đất khách quê người đã. Mình không muốn mẹ và cả nhà phải lo lắng thêm”, cậu chia sẻ thêm.

Vững tâm làm chỗ dựa tinh thần

Từ khi Bệnh viện K cơ sở Tân Triều bị phong tỏa nhằm phục vụ công tác chống dịch Covid-19, ngày nào Thu Thảo (sinh năm 2001) và mẹ cũng thắp hương, xin tổ tiên phù hộ, bảo vệ cho bố cùng anh trai đang làm bác sĩ, nhân viên công tác xã hội ở đây được bình an.

Trả lời Zing, Thu Thảo cho biết tối 6/5, bố cô đang trong ca trực, còn anh trai vội vàng phóng xe khỏi nhà với lời nhắn nhủ: “Con lên viện có việc”.

“Cả hai đều không nói gì về chuyện phong tỏa bệnh viện vì Covid-19. Tới sáng hôm sau, bố mình mới xác nhận qua điện thoại khi vợ gọi điện hỏi han. Không ai muốn mẹ con mình hoang mang”, cô bạn nói.

cau cho nguoi than di chong dich binh an anh 5

Bệnh viện K cơ sở Tân Triều là một trong những điểm nóng dịch Covid-19. Ảnh: Việt Linh.

Sau khi nghe tin, Thu Thảo dặn mình phải bình tĩnh, mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho mẹ lúc bố và anh vắng nhà.

Những ngày sau đó, cô thường xuyên theo dõi tin tức về dịch bệnh tại Bệnh viện K Tân Triều và các địa phương khác, đồng thời nhắn tin hỏi han người thân.

“Cả hai hiếm khi gọi điện về, chỉ thi thoảng nhắn tin trấn an mẹ con mình vì công việc bận rộn, áp lực lớn hơn thường ngày gấp trăm lần. Do đó, mình luôn động viên bố và anh cố gắng hết mình, giữ an toàn tuyệt đối khi làm việc”, Thảo kể.

Lo lắng là vậy, song Thu Thảo không thể giấu nổi niềm hãnh diện về những cống hiến của bố, anh trai và các y bác sĩ đang liều mình chống dịch nơi tuyến đầu.

“Bố mình coi việc chữa trị cho bệnh nhân là bổn phận, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp. Anh trai mình thường nói nhân viên công tác xã hội như ‘lá chắn sống’, xoa dịu ‘tâm bệnh’ cho đồng nghiệp và người bệnh. Cả hai đều hết lòng vì cộng đồng, sao mình có thể không tự hào được?”, Thảo cười nói.

'Tôi giúp cha mẹ phân biệt tin giả khi dịch Covid-19 bùng phát'

Khi làn sóng tin giả về dịch bệnh lan rộng từ mạng xã hội đến ngoài đời thực, nhiều bạn trẻ trở thành "bộ lọc", giúp người thân kiểm chứng thông tin, tránh bị đánh lừa.

Hồng Chang, Trang Minh

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm