Theo thống kê của Đại học Y Hà Nội, mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,5 triệu trẻ em chào đời. Kéo theo đó, nhu cầu mua sắm sản phẩm cho bé cũng tăng cao.
Bên cạnh giá cả, những yếu tố được các cặp vợ chồng trẻ ưu tiên khi lựa chọn sản phẩm cho con cái là chất lượng, độ an toàn và tiện lợi trong quá trình sử dụng, theo dự báo xu hướng mua sắm mặt hàng mẹ và bé năm 2023 của nhóm phụ huynh Gen Z châu Á do Skyperry thực hiện.
Ngoài ra, sự phát triển của thương mại điện tử, công nghệ số làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Trong đó, phần lớn sẽ đọc review trước khi mua sắm online và có xu hướng lựa chọn những sản phẩm dễ dàng khi tìm hiểu, thao tác mua.
Tuy vậy, không ít ông bố bà mẹ lần đầu có con thừa nhận thường mua sắm quá tay, gây lãng phí khi nhiều món không hoặc ít dùng đến. Zing trò chuyện với 4 gia đình để tìm hiểu về món đồ họ cho rằng không cần thiết mua cho con mới chào đời.
Nguyễn Thị Tố Anh (30 tuổi, quận 1, TP.HCM)
Gia đình có 3 thành viên, con 6 tháng tuổi
Khi sinh con, tôi mua sắm cho bé chỉ hết khoảng 8 triệu đồng nhờ một số đồ họ hàng để lại, xoay vòng cho các bé trong gia đình. Tuy nhiên, vẫn có một số món tôi thấy đầu tư phí tiền.
Ví dụ, gối chống trào (600.000 đồng) - bé chỉ dùng được đến khi biết lật và hầu như không có tác dụng; quần dài cho bé sơ sinh (500.000 đồng/10 cái) - bé chỉ cần mặc áo và đóng tã, không cần đến quần; tã vải chéo (50.000 đồng/10 cái) - dùng tã sơ sinh tiện hơn vì tã vải phải giặt, bé thay liên tục 10-15 lần/ngày sẽ mệt cho mẹ mới sinh và dễ bị tràn ra giường, gối; xịt thơm toàn thân (335.000 đồng).
Ngoài ra, nhiều đồ không hữu dụng khác bao gồm băng che thóp, băng rốn, quần áo ra ngoài chơi cho bé, nón, miếng lót phân xu, đồ chơi cho trẻ sơ sinh, áo liền quần tay dài,...
Để chi tiêu hợp lý, tôi thường săn tã, quần áo,... giảm giá từ nhãn hàng uy tín trên các sàn thương mại điện tử, mua đồ thanh lý trên nhiều hội, nhóm với chất lượng tốt nhưng giá rẻ gần một nửa.
Theo tôi, để tránh lãng phí, các bố mẹ nên tham khảo trước những gia đình có điều kiện gần giống nhà mình để dự liệu trước món đồ hữu ích khi có con. Bên cạnh đó, tăng việc tái sử dụng đồ cho em bé (máy tiệt trùng, máy hút sữa, xe đẩy, đồ chơi, tủ, kệ, úp bình,...) trong họ hàng cũng giúp tiết kiệm khá nhiều.
Khi nuôi con nhỏ, phụ huynh đừng chỉ theo trend, nghĩ rằng phải mua đồ đắt mới tốt. Thật ra, các con chỉ cần môi trường sạch sẽ, no bụng, ngủ ngon, khỏe mạnh mới là những tiêu chí cần.
Phạm Trúc Quỳnh (28 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Gia đình có 3 thành viên, con 2 tuổi
Từ khi hay tin có bầu, tôi bắt đầu thích xem đồ cho em bé, cứ rảnh lại lướt tìm trên mạng. Ở tuần thứ 19 của thai kỳ, siêu âm biết giới tính là con gái, tôi càng háo hức sắm đồ điệu đà cho bé.
Vốn thích mua hàng online và săn sale, tôi thường có tâm lý sợ bị bỏ lỡ (FOMO), nghĩ rằng “mua ngay bây giờ mới rẻ”, “chần chừ thêm mọi người sẽ mua hết”. Do đó, tổng chi phí sắm đồ cho con của gia đình tôi lên tới 30 triệu đồng.
Ngoài những vật dụng tôi thấy cần thiết như máy hút sữa, máy tiệt trùng, máy đun nước pha sữa, xe đẩy, tủ quần áo,... không ít món khiến tôi hối hận vì “vung tay quá trán”.
Bình thường, gối chặn chỉ có giá hơn 100.000 đồng, nhưng tôi chọn mua loại của Hàn Quốc với giá cao gấp 8 lần. Chiếc nôi rung 1,8 triệu đồng cũng lãng phí khi bé nhà tôi ít sử dụng.
Riêng quần áo sơ sinh, tôi mua 30 bộ, cộng thêm được mọi người tặng. Sinh con vào đợt dịch, không mấy khi ra ngoài nên bé chưa kịp mặc hết đã chật.
Nghĩ lại, tôi cảm thấy tiếc tiền vì khoản chi đó có thể để đầu tư vào những việc khác cho con.
Nếu sinh bé thứ 2, tôi sẽ phải mua sắm hợp lý, tiết kiệm hơn. Những điều cần làm là lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng; cách thời điểm sinh 1-2 tháng mới bắt đầu sắm đồ để không bị mua quá nhiều; chỉ mua món đồ cần thiết vừa tránh lãng phí, vừa đỡ chật nhà cửa; đọc tham khảo kỹ trước khi mua sắm, đặc biệt là đồ điện tử để không phải mua đi mua lại nhiều lần vì chưa ưng ý hoặc không đúng chức năng mình cần.
Đến nay, chi phí nuôi con tôi thấy tốn kém nhất ở khoản tiền học 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tiền sữa, bỉm, quần áo, ăn uống, vui chơi cho bé cũng hết khoảng 5 triệu đồng. Thu nhập của hai vợ chồng hiện tại có thể lo liệu được, nhưng tôi luôn cố gắng chi tiêu hợp lý để không bị thiếu trước hụt sau, nhất là khi con lớn hơn sẽ cần đi học thêm nhiều thứ.
Nguyễn Thị Hiền Trang (29 tuổi, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh)
Gia đình có 3 thành viên, con 1 tuổi
Lần đầu làm mẹ, chưa có nhiều kinh nghiệm lựa chọn đồ cho con, tôi thường xem review trên mạng rồi mua hàng. Tuy nhiên, nhiều món không dùng được, tác dụng không như quảng cáo.
Ví dụ, chiếc gối chống trào ngược tôi mua giá 1,7 triệu đồng, khi cho con nằm, bé vẫn bị ọc sữa, nôn trớ nên không dùng đến nữa. Ngoài ra, bộ bấm móng tay (170.000 đồng), núm trợ ti (400.000 đồng), địu (650.000 đồng) cũng rất khó sử dụng.
Nhiều bà mẹ thường rơi vào “bẫy mua sắm”, thấy gì đẹp cũng mua và muốn dành cho con những điều tốt nhất nên đôi khi chi tiêu quá tay. Tôi cũng không ngoại lệ.
Khi sinh em bé đầu tiên, tôi không dùng lại quần áo cũ được cho mà mua mới hoàn toàn. Nhưng chỉ sau 3 tháng, con lớn hơn một chút là phải thay toàn bộ, dù có món mới chỉ mặc 1-2 lần.
Sau vài lần tốn tiền triệu mua đồ không sử dụng được, tôi thường tự đặt câu hỏi: “Món này có hợp lý không?”, “Có cần thiết không?”, “Có dùng được nhiều dịp không?”. Bên cạnh đó, tôi không mua ngay mà đợi 1-2 ngày sau khi xem xét kỹ mới quyết định “xuống tiền”.
Mỗi tháng, chi phí cho con của gia đình tôi, bao gồm bỉm, sữa, kem dưỡng da, thuốc bổ, quần áo khoảng 3 triệu đồng. Mức chi tiêu này với vợ chồng tôi là khá hợp lý khi chỉ mua những món đồ thật sự cần thiết cho con. Hơn nữa, nó cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến kinh tế gia đình vì trước đó, hai vợ chồng cũng chuẩn bị về vật chất lẫn tinh thần để con có cuộc sống đầy đủ.
Vũ Nga (31 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội)
Gia đình có 4 thành viên, 2 con 3 tuổi và 9 tháng
Người mẹ nào khi mang thai cũng mong chờ đến ngày được đi mua sắm đồ cho con. Lần thứ hai có bầu, tôi vẫn có tâm trạng như vậy.
Tuy nhiên, do có kinh nghiệm từ lần trước, nắm được thứ gì cần thiết, dùng tốt và nên mua, tôi biết cách mua sắm thông minh cũng như tiết chế hơn rất nhiều.
Với bé đầu, tôi từng mua máy tiệt trùng bằng hơi nước có giá 1 triệu đồng. Máy này phải đổ nước ẩm bị dồn lại và hay đọng canxi nên phải vệ sinh thường xuyên, rất mất thời gian. Khi có bé thứ 2, tôi chuyển sang mua máy UV, giá cao hơn 750.000 đồng nhưng tiện dụng hơn rất nhiều.
Máy làm ấm khăn ướt (600.000 đồng) cũng là món đồ dùng bất tiện bởi lúc nào cũng phải cắm điện và không di chuyển được. Theo tôi, chỉ cần dùng khăn khô đa năng, xả qua vòi nước nóng là sử dụng được, không cần phải mua riêng chiếc máy cho việc này.
Ngoài ra, gối cho con bú (1 triệu đồng), thìa bóp cháo, túi nhai ăn dặm, dụng cụ rây kiểu Nhật,... là những món không hữu dụng cho người mẹ hai con như tôi.
Tôi từng thấy đồ gì tốt, tiện lợi cho con là mua ngay lập tức. Nhưng khi nuôi hai bạn nhỏ cũng lúc, tôi tiết chế được rất nhiều.
Chi phí nuôi con khá tốn kém, khoảng 10-15 triệu đồng/tháng nên tôi chỉ mua những thứ thực sự cần thiết, không sắm chỉ vì đẹp hay theo trend. Tôi cân đối lại các khoản chi tiêu, đầu tư cho dinh dưỡng, phát triển thể chất và trí tuệ cho con nhiều hơn.
Rèn luyện kỹ năng tự học cho con
Tác giả sách Kỹ năng tự học cho trẻ tiểu học, TS Nguyễn Thị Thu, cho rằng trẻ cần có mục tiêu để tạo động lực học tập. Phụ huynh nên tìm hiểu, quan sát sở thích của con, rồi lồng ghép những hoạt động tìm hiểu khám phá kiến thức trong những sở thích đó để nuôi dưỡng sự tìm tòi nghiên cứu trong con. Ngoài ra, đọc sách là một cách hay và lành mạnh để trẻ tiếp nạp kiến thức.