Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vung tiền chiều vợ ngoại quốc, ‘vua bột giặt’ Sài Gòn xưa trắng tay

Bất chấp lời khuyên can của người thân, “vua bột giặt" Sài Gòn quyết bỏ vợ để cưới mỹ nhân Italia. Vung tiền tấn chiều lòng vợ, cuối cùng, vị tỷ phú lâm cảnh trắng tay.

“Vua bột giặt”

Sài Gòn cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960 có nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt, làm mưa làm gió trên thị trường. Ngoài bột ngọt Vị Hương Tố của tỷ phú Trần Thành, còn có thương hiệu bột giặt của ông Trương Văn Khôi.

Không có nhiều tài liệu về thân thế của tỷ phú Trương Văn Khôi. Trong sách Những gương mặt tỷ phú Sài Gòn trước năm 1975, tác giả Dương Đức Dũng cho biết, Trương Văn Khôi được nhận định là một trong những người đầu tiên nghiên cứu, sản xuất bột giặt tại Sài Gòn. Vốn có thời gian làm công nhân trong các xưởng xà bông, ông có kinh nghiệm và sản xuất thành công bột giặt mang thương hiệu Việt.

Tuy nhiên, chất lượng bột giặt của ông lúc đầu thua xa hàng ngoại nhập. Ngoài việc không có hương thơm đa dạng, bột giặt cũng rất lâu tan. Việc này khiến sản phẩm không được khách hàng lựa chọn.

vua bot giat anh 1

Mẫu quảng cáo bột giặt ViSo của Trương Văn Khôi trên báo chí vào thập niên 1960. Ảnh: Caodanghoahoc.

Nhận thấy sự yếu kém về kỹ thuật, ông Khôi quyết định cải tiến, mở rộng cơ sở sản xuất. Ông về quê mẹ tại Vĩnh Long, thuyết phục gia đình bán ruộng đất để có vốn đầu tư. Không lâu sau, ông lập xưởng sản xuất xà bông bột mang nhãn hiệu ViSo.

Nhờ thị trường tiêu thụ rộng, giá thành rẻ, xà bông bột ViSo dù chưa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập nhưng vẫn cháy hàng. Song, vốn có tầm nhìn xa, ông Trương Văn Khôi không thỏa mãn với thành công này.

Ông đặt mục tiêu phải đưa chất lượng sản phẩm của mình ngang hàng với hàng ngoại nhập. Đang trong lúc khó khăn, Trương Văn Khôi bất ngờ gặp quý nhân.

Trong lần sang Đài Loan (Trung Quốc) tham quan, ông biết tin viên kỹ sư người Đức đang làm cố vấn cho một nhà sản xuất mỹ phẩm tại đây sắp hết hạn hợp đồng. Ông lập tức bí mật tìm gặp và thuyết phục người này về Việt Nam làm cố vấn kỹ thuật cho xưởng bột giặt của mình.

Mặc cho viên kỹ sư từ chối vì nhiều lý do, ông Khôi vẫn kiên trì thuyết phục. Cuối cùng, ông cũng mời được người này về Sài Gòn làm cố vấn cho mình.

Theo sách Những gương mặt tỷ phú Sài Gòn trước năm 1975, để mời được viên kỹ sư người Đức, ông Khôi đồng ý trả lương bằng ngoại tệ. Ông còn cho người này sống trong khu nhà với đầy đủ tiện nghi. Ông cũng mua cho vị cố vấn ngoại quốc một chiếc ô tô đời mới.

Có được viên kỹ sư người Đức, ông Trương Văn Khôi lại về quê xin bán đất, vay vốn ngân hàng để đầu tư, sản xuất một lượng lớn bột giặt chất lượng cao. Những tính toán của ông nhanh chóng mang lại thành công ngoài mong đợi.

Bột giặt của ông lúc này có chất lượng vượt trội. ViSo lấn át các sản phẩm trong nước và dần cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, ông vẫn chưa hài lòng.

Dưới sự cố vấn của viên kỹ sư người Đức, ông tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, thay thế toàn bộ dây chuyền sản xuất bột giặt cũ bằng những loại máy móc tiên tiến nhất. Chỉ sau 5 năm, bột giặt của ông đã đánh bật các sản phẩm ngoại nhập.

Lụi tàn vì mỹ nữ

Thành công trên giúp ông thu về lợi nhuận khổng lồ. Có tiền, ông trả nợ, mua, chuộc lại những điền sản đã bán, cầm cố trước đó. Ông trang bị cho nhà máy dây chuyền sản xuất công nghiệp tự động hóa hiện đại, quy mô.

Sau 10 năm, ông Trương Văn Khôi đã trở thành ông chủ của xí nghiệp sản xuất bột giặt với số lượng cực lớn. Từ người công nhân làm xà phòng theo kiểu truyền thống, ông Khôi đã trở thành “vua bột giặt”, có trong tay bạc tỷ.

Tuy nhiên, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, “vua bột giặt” lại sa đà vào cuộc sống hưởng thụ. Thay vì lui tới các phân xưởng sản xuất, ông dần bận rộn với các bữa tiệc xã giao, tập tành ăn chơi để bước vào thế giới thượng lưu hào nhoáng. Đêm đêm, ông la cà hết vũ trường này đến nhà hàng, khách sạn nọ. Ông vung tiền không tiếc tay cho các cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, tham gia các bữa tiệc "nhất dạ đế vương".

Trong một lần đến dự buổi chiêu đãi tại khách sạn Caravelle, "vua bột giặt" tình cờ gặp một cô gái người Italia. Ngay trong lần gặp đầu tiên, ông đã mê mẩn sắc đẹp rực lửa của cô.

vua bot giat anh 2

Một thời, bột giặt của Trương Văn Khôi được người dân tin dùng, cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm ngoại nhập. Ảnh sưu tầm.

Vẻ đẹp đầy quyến rũ của cô gái khiến ông mê mệt và không tiếc tiền để chinh phục. Ông lấy lòng người đẹp bằng những chuỗi ngọc trai Nhật Bản, nhẫn kim cương đặt mua tận Hong Kong (Trung Quốc)…

Sau đó, ông mua cho người đẹp chiếc xe Toyota Corolla đời mới, cùng căn biệt thự lộng lẫy với nội thất đắt đỏ bậc nhất. Ông cũng vung tiền tổ chức những chuyến du lịch xa hoa để cùng người đẹp đi hưởng thụ…

Cuộc tình sặc mùi kim tiền của ông sớm bại lộ. Gia đình, người thân của "vua bột giặt" ra sức can ngăn, khuyên giải. Thế nhưng, ông đều bỏ ngoài tai. Ông dần lạnh nhạt với vợ con và cả những người thân thích.

Thậm chí, ông chấp nhận ly hôn, chia tài sản cho vợ con để mình thảnh thơi, tự do yêu đương. Không thể ngăn cản, vợ con của "vua bột giặt" ngậm ngùi ôm khối tài sản được chia, ra nước ngoài sinh sống.

Năm 1972, sau khi ly hôn, "vua bột giặt" cưới cô gái người Italia làm vợ. Để chiều lòng vợ trẻ, tỷ phú Trương Văn Khôi không tiếc tiền cung phụng thói tiêu pha như ném tiền qua cửa sổ của bà.

Ông cho vợ thoải mái dùng tiền, liên tục tổ chức các bữa tiệc chiêu đãi ở những nhà hàng, khách sạn sang trọng bậc nhất Sài Gòn. Ông để vợ tự ý bay sang Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore… chỉ để mua những món đồ thời trang mình thích.

Mỗi mùa hè, ông để mặc cho vợ trẻ mở két sắt lấy tiền mua những chuyến du lịch dài ngày tại các thiên đường nghỉ dưỡng như Hawaii, Tahiti… Ở nhà, "vua bột giặt" bắt đầu có các mối quan hệ ngoài luồng với những cô công nhân làm ca đêm.

Những điều này khiến uy tín của "vua bột giặt" dần giảm sút. Không chỉ người thân mà cả đối tác cũng dần xa lánh, ngoảnh mặt với ông. Cuối cùng, cơ ngơi ông gây dựng dần lung lay, rồi sụp đổ.

Sau năm 1975, khi tài sản không còn bao nhiêu, cô vợ người Italia của ông cũng nói lời chia tay. "Vua bột giặt" bơ vơ, cô đơn giữa lúc sự nghiệp lụi tàn.

Trong sách Những gương mặt tỷ phú Sài Gòn trước năm 1975, tác giả Dương Đức Dũng viết: “Chắc chắn đã hơn một lần, ông chủ hãng xà bông bột ViSo hồi tưởng lại những ngày tháng huy hoàng đã qua trong cuộc đời của ông.

Một dĩ vãng vàng son mà ông ta đã tốn bao công sức mới tạo dựng được, và sau đó lại cũng chính ông ta đã để cho nó sụp đổ tan tành, không sao cứu vãn nổi”.

Kỳ tới: Ám ảnh lời thầy tướng số, anh lùa bò quyết tâm làm giàu, thành triệu phú Sài Gòn xưa.

https://vietnamnet.vn/vung-tien-tan-chieu-vo-ngoai-quoc-vua-bot-giat-sai-gon-xua-lam-canh-trang-tay-2277666.html

Theo Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm