Khi nhắc đến những thiên tình sử, những câu chuyện tình làm xiêu lòng cả thế giới, không ai có thể quên kể đến những cái tác phẩm như Romeo and Juliet (1968), Những cây cầu ở quận Madison (1995), Titanic (1997), Kiêu hãnh và định kiến (2005),...Đó đều là các bộ phim tình cảm nổi tiếng của phương Tây suốt nhiều thập kỷ qua.
Tuy nhiên trong số những bộ phim xuất sắc nhất về tình yêu, những phim như Trùng Khánh Sâm Lâm (1994), Xuân quang xạ tiết (1997) hay Tâm trạng khi yêu (2000) của đạo diễn Vương Gia Vệ luôn được nhắc đến, đại diện cho một tinh thần Á Đông đậm nét.
Nhà làm phim người Hong Kong đã tạo nên một “vũ trụ tình ái”, nơi khiến bất kỳ ai lạc bước vào thế giới của ông đều phải mê đắm và ám ảnh bởi những câu chuyện tình buồn.
Vương Gia Vệ đã để lại những bộ phim tình yêu kinh điển cho điện ảnh thế giới. |
Khi chuyện tình châu Á làm rung động cả thế giới
Hai lần liên tiếp đứng đầu top 100 đạo diễn toàn cầu thế kỷ 21 (năm 2016 và 2017) do Viện điện ảnh Mỹ bình chọn, được vinh danh với giải thưởng Thành tựu sự nghiệp tại Liên hoan phim Lumière (Pháp) lần thứ 9, nhận Huân chương Văn hóa Pháp vào năm 2013, Vương Gia Vệ được xem là một trong những đạo diễn xuất sắc nhất châu Á mọi thời đại.
Năm 2016, chuyên trang điện ảnh của hãng tin BBC (Anh) đã tiến hành một khảo sát đối với gần 200 nhà phê bình phim trên toàn thế giới. Và kết quả là tác phẩm kinh điển In the Mood for Love (Tâm trạng khi yêu - 2000) là bộ phim điện ảnh vĩ đại thứ hai của màn ảnh rộng thế giới trong thế kỷ 21 sau Mulholland Drive (2001).
Tâm trạng khi yêu từng được đề cử Cành cọ vàng tại LHP Cannes (Pháp) và đoạt giải Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại giải thưởng điện ảnh César, được ví như “Oscar nước Pháp”.
Đặc biệt câu chuyện tình dằn vặt giữa hai người đàn ông trong Xuân quang xạ tiết (Happy Together - 1997) đã giúp Vương Gia Vệ giành được giải Đạo diễn xuất sắc tại LHP Cannes. Năm 2006, đạo diễn họ Vương cũng vinh dự là đạo diễn Hoa ngữ đầu tiên được chọn làm trưởng ban giám khảo LHP danh giá này.
Vương Gia Vệ trên phim trường bộ phim Xuân quang xạ tiết. |
Vương Gia Vệ vươn ra thế giới, được công nhận, được vinh danh, ngưỡng mộ bằng những bộ phim mang cốt cách, tư tưởng và lối sống đậm chất của người Á Đông.
Khác với những câu chuyện tình kiểu Hollywood thẳng thắn và dứt khoát hay đậm chất Pháp với chất bạo dạn pha lẫn cuồng nhiệt, các nhân vật của đạo diễn họ Vương vẫn dục vọng và đong đầy yêu đương nhưng tình yêu đôi khi chỉ được thể hiện qua những ánh mắt hờ hững, làn khói thuốc ở hai đầu chiếc giường hay những lần phớt qua nhau giữa góc hành lang chật hẹp.
Như hai nhân vật chính trong Tâm trạng khi yêu, họ chưa bao giờ đi quá một cái ôm hay một cái nắm tay. Châu Mộ Văn chưa bao giờ nói thẳng với người phụ nữ có chồng Tô Lệ Trân rằng anh yêu nàng, thậm chí giữa họ không hề có một nụ hôn hay cảnh ân ái nào.
Vương Gia Vệ truyền tải vào điện ảnh của mình những câu chuyện tình đậm chất Á Đông bối cảnh thập niên 1990, 2000. Đó là những câu chuyện tình dang dở nhưng luôn khắc cốt ghi tâm như cách mà Châu Mộ Văn đã lặn lội đến Angkor Watt sau bao nhiêu năm, thì thầm tình yêu dành cho Tô Lệ Trân vào một lỗ nhỏ ở bức tường đổ nát rồi bịt kín lại hay cô gái vô danh trong Đông Tà Tây Độc (Trương Mạn Ngọc) chết trong âu sầu vì mãi ôm ấp cuộc tình không thành với Âu Dương Phong (Trương Quốc Vinh).
Những tư tưởng Á Đông được Vương Gia Vệ lồng ghép vào Tâm trạng khi yêu. |
Vũ trụ tình yêu lãng mạn và diễm tình
Cụm từ “vụ trũ điện ảnh" thường được dùng để chỉ một tập hợp các phim có kết nối với nhau về dòng thời gian, thế giới và số phận các nhân vật. Nếu Hollywood có những vũ trụ siêu anh hùng như Marvel, DC, dị nhân X-Men hay Star Wars thì châu Á có vũ trụ tình yêu của riêng Vương Gia Vệ.
Đó là thế giới mà những những nhân vật của phim này bước vào phim kia một cách gián tiếp hay trực tiếp mặc dù nội dung hoàn toàn tách bạch.
Bộ ba phim A Phi chính truyện - Tâm trạng khi yêu - 2046 là một ví dụ rõ nhất. Húc Tử (Trương Quốc Vinh) đã chết ở cuối phim A Phi chính truyện nhưng những gì anh để lại cho Lulu (Lưu Gia Linh) kéo dài đến tận 2046.
Chu Mộ Văn của Tâm trạng khi yêu xuất hiện trong 2046 và tìm quên với những dục vọng với Bạch Linh (Chương Tử Di) nhưng rốt cuộc thứ ám ảnh anh vẫn hình ảnh Tôn Lệ Trân (Trương Mạn Ngọc - Củng Lợi).
Dù Vương Gia Vệ ngẫu nhiên hay cố ý để tạo ra vũ trụ điện ảnh cho mình thì với những khán giả hâm mộ khi xem các phim của ông theo đúng thứ tự sẽ có cảm giác như lạc bước trong một mê cung với những sắc thái, nhịp điệu, phong cách không thể lầm lẫn.
Hầu hết phim của ông đều có điểm chung là những cái kết buồn, nhưng vẫn rất lãng mạn và đáng nhớ.
Các bộ phim tình yêu của đạo diễn họ Vương đều có cùng màu sắc, nhịp điệu và cách kể chuyện. |
Không chỉ những bộ phim thuần tâm lý mà cả những tác phẩm võ hiệp lấy từ tiểu thuyết Kim Dung như Đông Tà Tây Độc (Ashes of Time - 1994) hay Nhất đại tông sư (Grandmaster - 2013), Vương Gia Vệ đều gieo vào đó những mảnh chuyện tình khiến người xem day dứt.
Tất cả những câu chuyện tình trong phim của Vương Gia Vệ như vũ khúc chậm chạp nhưng cứ réo rắt mãi. Cái tình yêu lãng mạn ấy rất đặc thù, nó được gieo rắc một cách chậm rãi, nó không khiến người xem nhảy cẫng lên hạnh phúc, vỡ òa hay chực trào nước mắt mà để lại một dư vị bần thần, trống rỗng nhưng đầy trăn trở.
Xuyên suốt bộ phim là những hình ảnh và đoạn nhạc lặp đi lặp lại một cách ám ảnh, với những cảnh slow motion (quay chậm) tạo một nhịp điệu uể oải cho phim. Thậm chí Vương Gia Vệ còn cho nhân vật của mình như “đóng băng” trong khung hình để thách thức sự kiên nhẫn của người xem.
Đông Tà Tây Độc đậm chất Vương Gia Vệ với những chuyện tình day dứt. |
Không chỉ lãng mạn trong cách kể tình yêu mà Vương Gia Vệ còn nổi tiếng với chất diễm tình trong từng khung hình. Người xem có thể dừng lại ở bất kỳ lúc nào trong suốt hơn 2 tiếng phim vẫn có được một bức ảnh nghệ thuật đáng nhớ.
Sự kết hợp ăn ý của cặp đôi tri kỉ nghệ thuật giữa nhà quay phim Christopher Doyle và Vương Gia Vệ đã tạo nên những cảnh quay không thể lẫn vào đâu được. Nghệ thuật quay phim và màu sắc là một dấu ấn đặc biệt của Vương Gia Vệ.
Đạo diễn Querin Tarantino từng nói rằng khi xem Đông Tà Tây Độc ông đã ngồi khóc. Ông khóc không chỉ vì câu chuyện phim đẹp, buồn và cảm động mà vì được xem một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa, đẹp trong từng khuôn hình, một tác phẩm dành cho ai yêu điện ảnh đích thực.
Kẻ 'yêu' say đắm tình yêu
Năm 1986, khi Anh hùng bản sắc (A Better Tomorrow) của đạo diễn Ngô Vũ Sâm mở ra phong trào phim "tam kiệt" - xã hội đen ở Hong Kong thì sau đó Vương Gia Vệ cũng đi theo xu hướng này với Vượng Giác Ca môn (1988).
Vượng Giác Ca môn - bộ phim xã hội đen nhưng ướt át của Hong Kong vào thập niên 1980. |
Nhưng đó lại là một thế giới xã hội đen diễm tình, suớt mướt khác biệt hoàn toàn với những bộ phim cùng thời. Thậm chí đạo diễn họ Vương bị chê bai là làm phim sến sẩm, chẳng hiểu gì về Hong Kong và giới xã hội đen.
Thế nhưng, sau này, người ta mới nhận ra, hoá ra Vương Gia Vệ yêu “tình yêu” đến mức ông xem đó là đề tài tất nhiên phải có trong bất kỳ bộ phim nào của mình. Đó là một thế giới tình yêu riêng biệt do ông xây dựng nên, phá tan những lề lối kể chuyện thông thường, gieo vào những nhân vật của mình những đời sống tâm tư tình cảm lắt léo, vừa như mãnh liệt vừa như lãnh cảm.
Bằng những thước phim tình ái đẹp đẽ, da diết và trên hết là đầy sức ám ảnh, đạo diễn người Hong Kong đã tạo nên một thế giới điện ảnh đặc trưng, vừa thực vừa ảo, vừa trần trụi nhưng cũng đẹp như một giấc mơ.
Hầu hết phim của ông đều có những cái kết buồn, nhưng vẫn đẹp theo đúng tinh thần nguyên bản của tình yêu. Như Xuân quang xạ tiết có tựa tiếng Anh là Happy Together (Hạnh phúc bên nhau) nhưng hai nhân vật chính cuối cùng lại tan vỡ.
Chân lý về tình yêu và hạnh phúc được đạo diễn họ Vương gửi gắm trong Xuân quang xạ tiết. |
Bởi theo Vương Gia Vệ: “Hạnh phúc bên nhau có thể là giữa hai người, cũng có thể là giữa một người và quá khứ của anh ta. Tôi nghĩ, một lúc nào đó khi một người có thể yên bình với quá khứ của bản thân, đó là thời điểm cho sự bắt đầu của một mối quan hệ mới, có thể đem đến hạnh phúc trong tương lai”.
Cây bút phê bình phim nổi tiếng Roger Ebert đã nhìn ra được tình yêu của nhà làm phim họ Vương khi nói rằng: “Phim của ông là một trải nghiệm thường tình của sự thất tình hay nỗi cô đơn, nhưng cái hay của ông là đã biến nó trở thành một tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ và lôi cuốn bởi tình yêu của chính ông dành cho tình yêu của con người”.