Đến các xã Long Thới, Sơn Định, Vĩnh Thành, Hưng Khánh Trung và thị trấn Chợ Lách, mọi người thường nghe tiếng gà gáy và gọi đàn rộn ràng khắp các thôn xóm.
Theo một số lão nông, nuôi gà nòi là một cách thoát nghèo dễ và hiệu quả nhất vì không cần nhiều vốn. Gia đình chỉ cần nuôi vài cặp "gà chiến" là có thể tăng đàn nhanh chóng sau vài năm.
Gà nòi Chợ Lách (Bến Tre). Ảnh: Đức Lĩnh. |
"Để tạo ra gà giống tốt phải biết tạo 'bổn gà', tức là chọn được gà mái chất lượng đi kèm với con 'gà nọc' là gà trống ưng ý. Gà mái được chọn thường có ngoại hình khác thường, khỏe mạnh, hung dữ vì những đặc tính nổi trội từ mẹ thường di truyền sang con. Gà trống giống phải chịu đòn, gan lỳ, tránh đòn nhanh", một nông dân xã Long Thới chia sẻ.
Anh Văn Phúc (ngụ xã Sơn Định, huyện Chợ Lách) đang sở hữu trại nuôi gà đá từ 300 đến 500 con/năm. Nông dân này cho biết nghề nuôi gà nòi tuy công phu nhưng dễ kiếm tiền. Yêu cầu cần thiết là người nuôi phải có kinh nghiệm, nhất là khả năng nhận diện về tướng mạo.
"Tôi thường chọn gà hùng dũng, màu sắc bắt mắt, chân cao, to, khỏe, vẩy chân đều, tiếng gáy trong và thanh. Gà nòi khác với gà thương phẩm, lúc nhỏ phải ăn tấm, khi lớn lên cho ăn lúa ngâm trong nước một đêm để giúp dễ tiêu hóa, thịt săn chắc, gà mới nhanh nhẹn", anh Phúc nói.
Ngoài lúa, anh Phúc còn bổ sung thêm giun, thằn lằn, dế, lòng đỏ trứng, thịt bò, tép, trứng vịt lộn, chuối xiêm... để gà bồi bổ và tăng cường thể lực. Hiện, trại nuôi của anh Phúc có hàng trăm con gà nòi chuẩn bị bán sang các trường gà Campuchia.
Giá bán mỗi con gà của anh Phúc thấp nhất là 1,5 triệu, cao nhất lên 25 triệu đồng nên doanh thu mỗi năm của trang trại gần 1 tỷ đồng.
Từ nghề nuôi gà nòi mà ở huyện Chợ Lách, nhiều hộ chuyên làm nghề chăm sóc gà "sơ sinh". Họ nhận "đổ" gà, tức nhận gà giống bố mẹ đem về lai tạo gây đàn gà con để chăm sóc, đến khi gà trưởng thành thì giao lại cho những hộ nuôi kinh doanh.
Anh Châu Hữu Thuận bên trại gà nòi của gia đình. Ảnh: Đức Lĩnh. |
Anh Châu Hữu Thuận (xã Vĩnh Thành) cho biết: "Không đam mê chọi gà nhưng sở thích của tôi là chăm gà. Mỗi năm tôi nhận chăm sóc khoảng 200 con gà của một Việt kiều ở Biên Hòa (Đồng Nai). Đến khi gà đủ tuổi, đẹp, cựa chắc họ xuống bắt lại và trả tiền công mỗi con một triệu đồng".
Cánh tài xế xe khách cũng kiếm được nhiều tiền nhờ hàng ngày nhận chở gà nòi từ xứ dừa đến TP.HCM, miền Đông Nam Bộ và Campuchia.
Như vậy, việc nuôi gà nòi tại Chợ Lách không đơn thuần là để phát triển kinh tế, mà đó còn là nét văn hóa đã thấm vào máu thịt của người dân nơi đây.
Tại xã Vĩnh Thành, người có biệt danh "Ba Cồ" được láng giềng ví von là "mê gà nòi hơn mê vợ". Cụ ông 85 tuổi này có mặt ở nhiều trường gà, hội gà xuân khắp các tỉnh miền Tây.
Ông "Ba Cồ" kể trước đây chơi gà đúng phép tắc lắm, săm soi chân cẳng, lông gà kỹ. Bây giờ nhân giống lộn xộn, gà bị lai tạp, phả hệ mất dần cái độc đáo.
"Gà đúng bổn dù có bị đối thủ đá gãy chân, xệ cánh, hộc máu cũng không hoảng. Có con dù gần chết nhưng cái uy dữ quá khiến gà đang trên cơ cũng sợ. Vậy mới có câu 'gà chết ăn gà sống' là vậy", ông nói.
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, cho biết danh tiếng gà nòi vùng này ngày càng vang xa. Tuy nhiên, chính quyền địa phương luôn theo dõi chặt chẽ nhằm kiểm soát chặt chẽ và đề phòng những tệ nạn phát sinh từ con gà.
Ông "Ba Cồ" được cho là "mê gà hơn mê vợ". Ảnh: Đức Lĩnh. |
Điều đáng ghi nhận là lâu nay dù Chợ Lách nuôi nhiều gà nòi nhưng thanh niên nơi đây không biết đến chuyện đá gà ăn tiền, sát phạt lẫn nhau. Thời gian qua có nhiều ý kiến đề xuất huyện nghiên cứu mở trường gà theo mô hình chọi gà nghệ thuật nhằm phục vụ nhu cầu giải trí; đồng thời để kiểm chứng gà giống để nâng cao chất lượng gà nòi Chợ Lách.
"Đây cũng là ý kiến hay nhưng chúng tôi còn suy tính, bởi lo ngại một số người lợi dụng chuyện mở trường gà để cờ bạc. Về lâu dài, Chợ Lách sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển giống gà nòi quý của địa phương", ông Liêm chia sẻ.
Thuận lợi của nghề nuôi gà ở xứ dừa là gà Chợ Lách rất ít bị bệnh, chưa có đàn nào bị nhiễm cúm gia cầm do sức đề kháng rất tốt.
"Địa phương xác định nghề nuôi gà nòi không chỉ góp phần phát triển kinh tế cho nhiều hộ gia đình, mà còn là nét văn hóa riêng biệt của miệt vườn Chợ Lách, cần được bảo vệ và nhân rộng", lãnh đạo ngành nông nghiệp Chợ Lách nói.