Là sinh viên xuất sắc toàn khóa học 2012-2016 của ĐH Giao thông vận tải với điểm số 3.65/4, Vũ Thị Ninh sở hữu bảng thành tích đáng nể: sinh viên tiêu biểu các năm học 2012-2013, 2013-2014, 2014-2015; tham gia tích cực các hoạt động của Đoàn - Hội, cùng hàng loạt học bổng khác.
Nữ sinh duy nhất trong lớp
Ngoài điểm số, nữ sinh vóc người nhỏ nhắn này khiến nhiều người trầm trồ khi đến từ khoa Cơ khí, ngành Kỹ thuật cơ khí, vốn thường chỉ là sự lựa chọn của các bạn nam.
Từng là học sinh lớp chuyên văn nhưng cô nữ sinh quê xã Yên Hưng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình lại thích các môn tự nhiên và quyết thi đại học theo khối A. Ninh tiếp tục có quyết định “ngược đời” theo cách nói của em khi chọn theo học ngành kỹ thuật ở đại học.
“Ngay từ đầu em đã không nghĩ đến chuyện sẽ học sư phạm, kế toán hay kinh tế… đại loại là những ngành học thích hợp hơn cho nữ giới. Em thấy thích ngành kỹ thuật và từng ấy thời gian học đến nay, việc được học ngành này là một may mắn với em”, Ninh chia sẻ.
Ảnh kỷ yếu của Ninh cùng tập thể lớp khoa Cơ khí. |
Chọn theo kỹ thuật nhưng khoa Cơ khí không phải là lựa chọn đầu tiên của em. Ninh thích khoa Công trình cầu đường của ĐH Giao thông vận tải, nhưng lỡ hẹn bởi thi vào trường với điểm số không được cao và từ đó bén duyên với khoa Cơ khí.
“Ban đầu nhìn vào danh sách cả lớp chỉ mỗi mình là nữ thì em cũng hơi choáng và có chút sợ hãi. Bởi chưa bao giờ em gặp tình huống như thế, chưa kể thời cấp 3 em học trong một lớp toàn con gái”, Ninh kể.
Những ngày đầu, Ninh ngại không dám đi học. Thậm chí, trong tuần học đầu tiên em bỏ mất 4 buổi.
“Thời gian đầu, em thấy rất tủi thân vì một mình trong lớp toàn con trai mà lại chưa quen ai. Cộng thêm việc học ngành mình không mong muốn nên em thấy rất chán nản.
Ngay cả khi ngồi trong lớp, nhiều người đi qua nhìn vào em cũng rất ngại. Em còn phải học cách đối mặt với những câu nói: Con gái mà học cơ khí. Những lúc ấy cảm giác mình như thành phần cá biệt”, Ninh cười.
Cũng vì vậy mà thời gian đầu, khi mọi người hỏi, Ninh thường lảng tránh và chỉ trả lời chung chung là học kỹ thuật. Nhưng rồi Ninh hiểu rằng nếu không học cách tập làm quen và phá vỡ vỏ bọc e ngại thì bản thân sẽ thất bại.
“Học cơ khí rất nặng và vất vả hơn nhiều so với các ngành khác. Đặc biệt, sống trong một tập thể toàn là các bạn nam, nếu mình không có gắng thì không thể theo kịp được”, Ninh chia sẻ.
Nhận thức được điều đó nên ngay từ đầu Ninh đã đề ra cho minh một lộ trình khoa học và tận dụng triệt để lợi thế của mình là chăm chỉ hơn các bạn nam. Chú ý nghe giảng thật kỹ trên lớp, đến phần nào không hiểu, Ninh tìm cách hỏi thầy cô và các bạn ngay. Về nhà, Ninh dành thời gian tìm hiểu thêm tài liệu và kiến thức liên quan đến thực tế.
Ninh chia sẻ bí quyết: “Kết thúc mỗi kỳ học, em xin ngay tài liệu của các anh chị khóa trên và xin tư vấn nên đăng ký môn học gì cho học kỳ kế tiếp. Từ đó, tham khảo về môn học mới và cách học như thế nào để chuẩn bị.
Việc này giúp em tự tin hơn khi bước vào năm học mới. Em nghĩ rằng không chỉ việc học, mà bất cứ việc gì, nếu chúng ta chịu tìm hiểu trước thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn rất nhiều”.
Học ngành này, Ninh phải tập làm quen với những thứ đơn giản nhất là mùi dầu mỡ và vặn ốc vít. Để thiết kế được các chi tiết máy, Ninh phải thực hành nhiều chứ không chỉ nghĩ trên bàn giấy. Thậm chí, không ít lần em phải bật khóc vì kiến thức và phần thực hành quá khó.
“Nhiều khi em bị stress bởi cũng học như nhau nhưng bản thân không thể hiểu được những kiến thức nhanh như các bạn nam. Điều đó khiến em cảm thấy rất áp lực. Có lần đi hàn, bị đau mắt, thầy giáo lại nghiêm khắc, thấy vất vả quá nên em đã khóc luôn”.
Để khắc phục khó khăn, Ninh quyết tâm ở lại muộn hơn những giờ thực hành để nhờ thầy cô, bạn bè chỉ bảo thêm rồi mới về.
Tuy nhiên, theo Ninh, học trong một môi trường toàn các bạn nam, em cũng được nhiều lợi ích. “Học với các bạn nam không những giúp em bớt được tính nhút nhát và tự tin hơn rất nhiều về giao tiếp và đặc biệt biết thêm nhiều kiến thức hơn”.
Vượt nghịch cảnh
Bản lĩnh của cô gái trẻ không chỉ ở quyết định ngành học mà còn là cách em đứng trước hoàn cảnh khó khăn. Ít ai biết rằng, gia đình Ninh thuộc hộ cận nghèo. Bố làm thợ xây, bị bệnh gout, thường xuyên đau yếu nên không làm được việc nặng.
Kinh tế gia đình nhìn vào những đồng lương ít ỏi của mẹ làm công nhân một khu công nghiệp. Nhưng không may cách đây 2 năm, mẹ em phát hiện bị u vú. Dù vậy, mẹ em vẫn gắng đi làm với mức lương mẹ 3-4 triệu đồng/tháng.
Thấy bố mẹ vất vả, năm thứ hai đại học, Ninh từng có ý định bảo lưu kết quả nghỉ học để giúp đỡ việc nhà. Tuy nhiên, em kìm lòng tiếp tục học bởi câu nói của bố mẹ: “Dù bất cứ lý do gì cũng phải gắng để học tiếp”. Nhiều hôm ngồi học nhưng Ninh chảy nước mắt chỉ vì nghĩ thương bố mẹ ở quê.
“Có lẽ đó cũng là động lực để em phấn đấu. Thời gian nghỉ hè em tranh thủ gia sư kiếm thêm thu nhập. Số tiền không được nhiều nhưng em cảm thấy làm được điều gì đó giúp cho bố mẹ đỡ vất vả”.
Với thành tích học tập tốt, Ninh chỉ mất học phí kỳ đầu còn những kỳ sau em đều được học bổng của trường và các tổ chức.
Không chỉ học giỏi, Ninh (giữa) còn tham gia nhiều hoạt động tập thể của lớp và là Ủy viên ban chấp hành Liên chi đoàn khoa Cơ khí. |
Ngày Ninh đi nhận bằng khen thủ khoa xuất sắc ở Văn Miếu tới đây cũng là ngày mẹ em sẽ nhập viện để phẫu thuật cắt bỏ khối u lần hai. “Kết quả này em mong sẽ là một món quà có thể động viên tới bố mẹ”, Ninh ứa nước mắt.
Những ngày này, cô nữ sinh vẫn đang miệt mài học tập bởi em đã được một công ty thiết kế tàu thủy của Nhật Bản nhận làm việc và đầu tư cho học tiếng Nhật.
Vừa tốt nghiệp ra trường được làm đúng ngành với một mức lương tốt, Ninh cho rằng đó là một điều may mắn với bản thân em. Do đó, thời gian tới, em sẽ tiếp tục tập trung học tiếng và cố gắng làm việc thật tốt. Xa hơn em mong muốn có cơ hội về giảng dạy tại ĐH Giao thông vận tải.
Kinh nghiệm từ bản thân, Ninh chia sẻ với các bạn trẻ: “Em nhận ra một điều rằng điểm số đầu vào chỉ là một phần nhỏ, còn kết quả ra sao phụ thuộc rất nhiều ở sự nỗ lực và cố gắng trong quá trình học.
Các bạn đừng tự áp lối suy nghĩ sai lầm là ngành này hơn ngành kia. Bởi ở bất cứ ngành nào, nếu chúng ta giỏi thì sẽ có người, có việc cần đến chúng ta”.