Khi trốn trại là trung niên, khi bị bắt đã là ông lão
Công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) phối hợp Công an xã Xuân Hòa vừa bắt giữ Phan Phước Thức (68 tuổi, quê xã Mỹ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Thức bị Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế truy nã đặc biệt vì bỏ trốn khỏi trại giam cách đây 28 năm.
Từ đầu năm 1976, Thức cầm đầu băng nhóm gây ra nhiều vụ chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Trị Thiên (nay là ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế). Ngày 4/4/1976, Thức sa lưới và bị TAND tỉnh Bình Trị Thiên xử án tù chung thân. Thụ án được 10 năm, ngày 13/10/1986, lợi dụng sự sơ hở của cán bộ quản giáo, Thức trốn khỏi nơi giam giữ và bị phát lệnh truy nã đặc biệt.
Sau khi trốn trại giam, Thức căn cứ theo địa chỉ gửi thư của vợ là bà Phạm Thị Dương (nay 71 tuổi, ngụ ấp 1, xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) mò vào Đồng Nai thăm gia đình. Nhưng sợ công an tìm ra chỗ ẩn náu, Thức chuyển hướng lên xã Ea Phê, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk ở với mẹ.
Giấy tờ giả của bị can trốn truy nã. |
Tá túc được 5 ngày, Thức quay ngược về với hai người anh trai Phan Phước Dè và Phan Phước Bá (ngụ xã Vĩnh Mỹ B, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Tại đây, Thức đóng vai người lương thiện đi biển đánh cá. Khi có chút tiền trong tay, kẻ trốn trại lại bắt xe lên Đắk Lắk vài ngày rồi quay về Bạc Liêu.
Hành trình này của Thức lặp đi lặp lại đúng ba năm liên tiếp để qua mắt công an. Trong từng ấy năm, Thức về thăm vợ đúng một lần duy nhất, rồi về hẳn Bạc Liêu sinh sống.
Hai người anh trai sau đó đã giới thiệu bà Võ Thị Ngọc Ánh (SN 1954, cũng ngụ xã Vĩnh Mỹ B) cho em trai. Để tạo được lòng tin, tán tỉnh bà Ánh, Thức tự thay tên đổi họ, nói dối vợ đã đi lấy chồng khác, con bệnh tật chết từ lâu.
Sau một thời gian, bà Ánh đưa Thức về ra mắt gia đình. Năm 1989, hai người làm đám cưới. Nhờ sự bảo lãnh của bên nhà vợ, Thức nhanh chóng được nhập khẩu với cái tên mới Phan Đức Vinh (SN 1946).
Hàng chục năm trôi qua, đã có con gái với người vợ sau, đã có cháu ngoại, người đàn ông trốn trại vẫn không quên được người vợ đầu và con. Khoảng năm 1995, Thức mượn cớ vắng nhà đi giải quyết công chuyện để về thăm vợ đầu. Tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng, Thức chỉ xuất hiện ở nhà vợ cả vào ban đêm và rời đi khi mặt trời chưa ló.
Quá khứ trốn trại vì nghe tin vợ ngoại tình, con chết
Đến năm 2007, Thức tiếp tục có mặt ở nhà vợ cả đúng một ngày rồi cũng mất tăm. Cùng lúc đó, Trại giam Bình Điền có thông báo khẩn đến công an xã Xuân Hòa nhờ hỗ trợ theo dõi Thức và nhất cử nhất động của gia đình vợ cả. Cho tới năm 2012, công an xã Xuân Hòa nhận được fax lệnh truy nã Thức.
Ông Lê Hữu Dũng, Phó Trưởng công an xã Xuân Hòa, nhớ lại: “Bảy năm liền, kẻ trốn trại tuyệt nhiên không bén mảng đến địa phương. Bất thình lình chập tối ngày 17/8/2014 vừa qua, nhận tin báo nhà bà Dương có kẻ lạ mặt xuất hiện, tôi và đồng đội đến xác minh, khách liền xuất trình chứng minh thư với cái tên Phan Đức Vinh (thường trú tỉnh Bạc Liêu).
Ông Lê Hữu Dũng, Phó Trưởng công an xã Xuân Hòa tường thuật lại quá trình theo dõi người bị truy nã. |
Tránh bắt nhầm người, chúng tôi so hình chụp trong chứng minh với hình ở lệnh truy nã rất giống nhau. Qua đấu khẩu phát giác Thức còn nói đặc giọng Huế, chúng tôi đặt câu hỏi: “Bác có quan hệ gì với bà Dương?. Thức đáp là chồng chắp nối. Về phía bà Dương, chân tay run lập cập không thốt nên lời”.
Công an xã mời bị can lên trụ sở làm việc. Phải mất gần 20 phút đấu tranh, bị can mới thừa nhận chính là Thức. Kẻ trốn trại kể lại, trong quá trình thụ án, cần cù lao động và cải tạo tốt nên được giảm xuống mức án có thời hạn.
Mặt khác, Thức được các bạn tù tín nhiệm đã được làm tổ trưởng một dây chuyền của nhà máy giấy trong trại giam. Vào năm 1986, một phụ nữ người cùng làng với bà Dương vào thăm chồng bị tù giam cùng trại với Thức đã loan tin bà Dương ngoại tình, bỏ bê con cái bệnh tật chết.
Cứ ngỡ những lời bịa đặt của người này là đúng, Thức căm giận vợ, xót thương con. Thức lại thấy vợ không gửi thư, nên lợi dụng việc cán bộ quản giáo cho phép mang thiết bị ra ngoài sửa, bèn tẩu thoát.
Ngày giáp mặt vợ con, Thức mới biết vợ vẫn chung thủy ở vậy nuôi con chờ mình trở về. Đứa con trai đầu vì bệnh tật, đói nghèo mới qua đời. Đến đây sực tỉnh ngộ thì bản thân gánh thêm tội vượt ngục. Nếu quay trở lại nhà giam chắc chắn mức án càng nặng. Do vậy, Thức di chuyển liên tục, lúc ở Tây Nguyên, khi xuống Miền Tây, thi thoảng ghé Đồng Nai. Nhưng bến đỗ an toàn nhất chính là nhà của vợ bé.
Khi công an gọi điện thông báo đã bắt giữ Thức vì tội trốn khỏi trại giam, vợ bé của Thức còn không tin. Ông Dũng thuật lại tình huống trớ trêu: “Bà Ánh quả quyết bản thân và gia đình không ai quen người đàn ông tên Phan Phước Thức. Chồng bà chỉ có một người duy nhất là Phan Đức Vinh. Bà Ánh bảo tôi là kẻ lừa đảo. Nếu tôi còn gọi điện quấy rầy sẽ báo cho cơ quan công an vào cuộc điều tra. Trước phản ứng dữ dội của bà Ánh, tôi chuyển điện thoại cho Thức nói chuyện. Nghe giọng của chồng, bà Ánh lắp bắp chẳng thành câu. Thức lặng người ngậm ngùi buông lời: "Tôi xin lỗi bấy lâu nay đã lừa dối mình và con".