Từ sau Tết Nguyên đán, ĐH Tây Bắc không tổ chức học tập tập trung cho học sinh, sinh viên, học viên toàn trường, trong đó có cả cả lưu học sinh Lào. Thời gian này, nhà trường vận dụng các hình thức đào tạo từ xa, trong đó có dạy học online.
Vượt khó để học trực tuyến
TS Đỗ Hải Lan, giảng viên Bộ môn Sinh học, Khoa Khoa học Tự nhiên - Công nghệ, ĐH Tây Bắc, cho biết mỗi tuần, chị có 2 buổi giảng dạy trực tuyến là thứ hai và thứ sáu.
Bỗng một ngày, chị nhận được tin nhắn của Li Navalath với nội dung: “Em chào cô ạ! Cô ơi, quê em không có mạng. Em cùng bố đi tìm sóng nơi khác nhưng cũng không được vào nhà vì hai bố con đến từ vùng có dịch”.
Li Navalath đang ở trên thuyền giữa sông Mê Kông tìm sóng Wi-Fi để học bài. Ảnh: NVCC. |
Gần một tháng nay, vào các ngày học trong tuần, Li Navalath lại nhờ bố dùng xuồng máy ngược dòng Mê Kông hơn 1 giờ tìm đến khu dân cư gần nhất có Wi-Fi để “hứng sóng”.
Luông Pha Băng là tỉnh có người dương tính với virus SARS-CoV-2 nên khi biết cả hai bố con từ vùng dịch đến, chẳng ai đồng ý cho vào nhà để học nhờ.
May mắn lắm được họ cho mật khẩu Wi-Fi, vậy nên hai bố con lại lênh đênh cả tiếng đồng hồ trên sông để học trực tuyến. Có hôm đang học, máy tính của Li Navalath hết pin, thế là hai bố con lại dở buổi học quay về.
“Khi biết sinh viên của mình phải vất vả, đi lại xa xôi như thế để học, tôi thực sự xúc động, thấy cay ở trong khóe mắt”, TS Đỗ Hải Lan tâm sự.
Thương và cảm phục tinh thần vượt khó để theo học cùng bạn bè của cô học trò nhỏ, TS Hải Lan đặc cách lịch học để Li Navalath tải bài tập về làm chứ không cần online thường xuyên như các bạn. Mặc dù vậy, những lúc tranh thủ “hứng” được sóng Wi-Fi, Li Navalath lại tranh thủ trao đổi với thầy cô về nội dung học tập.
Mong sớm qua dịch để cô được gặp trò
Lớp K60 ngành Sư phạm Sinh học, ĐH Tây Bắc có 9 lưu học sinh Lào. TS Đỗ Hải Lan cho biết ngoài Li Navalath, những bạn khác cũng đều cố gắng khắc phục khó khăn để theo học trực tuyến.
Dù đang trên giường bệnh, để được học tập trực tuyến, Phonsavanh Saixong, một lưu học sinh Lào khác của lớp, vẫn nỗ lực để theo kịp các bạn.
TS Đỗ Hải Lan chia sẻ: “Tôi ấn tượng với Phonsavanh Saixong trong một buổi học trực tuyến. Hôm đó, đang học, em xin cô cho nghỉ 10 phút giữa giờ. Thấy lạ, tôi hỏi lý do, được biết em đang nằm viện điều trị bệnh, lúc đó đến giờ đi tiêm nên em xin nghỉ. Nghĩ mà thấy cảm phục nỗ lực của học trò”.
Lớp K60 ngành Sư phạm Sinh học còn có một trường hợp đặc biệt không kém. Cũng bởi khu vực gần nhà sóng Wi-Fi chưa phủ tới nên mỗi buổi học, Phouvieng Inkeopanya phải di chuyển từ nhà đến điểm gần nhất chừng 15 km, nhờ mạng để học bài trực tuyến.
Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, lẽ ra lớp của Li Navalath bắt đầu học môn Tế bào học, song phải nghỉ dài ngày vì dịch bệnh. Chính vì vậy, TS Đỗ Hải Lan cũng chưa được một lần gặp gỡ trực tiếp học trò của mình để biết mặt, gọi tên.
TS Đỗ Hải Lan thấy thực sự ấn tượng về các thành viên của lớp học này. Hơn ai hết, chị mong muốn đợt dịch bệnh sẽ qua mau, để cô trò sớm được trở lại giảng đường.
Chị cũng cho biết trước tổ chức dạy 2 buổi/tuần, vào các ngày thứ hai và thứ sáu; mỗi buổi 2 tiết như thời khóa biểu. Nhưng biết quá trình học của các em khó khăn, chị đã điều chỉnh lịch học.
Bắt đầu từ tuần tới, sinh viên chỉ học 1 buổi/tuần nhưng kéo dài thời gian học lên thành 3 tiếng để vơi bớt vất vả khi lên lớp. Kết hợp với đó là việc giao bài tập để các em làm trong những ngày nghỉ học.
ĐH Tây Bắc hiện có khoảng 830 lưu học sinh Lào theo học. Chia sẻ với những khó khăn của người học trong việc tiếp cận với mạng Internet, ĐH Tây Bắc đang tập hợp ý kiến của các giảng viên dạy học trực tuyến để có những giải pháp, đề xuất cụ thể.
Trong đó, trường có đề xuất đối với Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Việt Nam có thể xem xét thực hiện các chính sách ưu tiên, ưu đãi phù hợp đối với các lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam nhưng phải nghỉ học vì dịch Covid-19.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, không chỉ riêng lưu học sinh Lào, mà việc học tập từ xa cũng khiến sinh viên Việt Nam của ĐH Tây Bắc gặp nhiều gian nan, do hầu hết sinh viên đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Các em đều cư trú tại vùng sâu, xa, nơi mà điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật như máy tính, di động, mạng Internet, 3G, 4G đều rất hạn chế.
Có những sinh viên phải đi thuyền, đi bộ hàng chục km để đến trung tâm huyện nơi có mạng Internet,. Có em lại phải lên núi cao để tìm sóng di động... mà đây lại là những điều kiện tiên quyết ban đầu để có thể duy trì việc học tập của các em.
Ngoài ra, khi về gia đình, các em lại còn là những lao động chính, trực tiếp tham gia vào công việc sản xuất nên thời gian dành cho việc học bị hạn chế, rất khó để hẹn được cả lớp vào học cùng một khung giờ.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung của ĐH Tây Bắc, mỗi sinh viên cũng tự nhận thức được sự cần thiết của hình thức học này nên cũng rất tự giác và hào hứng tham gia.
Từ việc đi xa, đi ở trọ để tìm nơi có thể học đến tinh thần học tập nghiêm túc trong mỗi buổi học và hoàn thành các nhiệm vụ của giảng viên giao đúng hẹn.