Đã có một vài cảnh tượng hoành tráng liên quan đến Arsenal mùa giải này. Và đó là cơ sở để họ vẽ ra một viễn cảnh lộng lẫy vào tháng 5. Tuy nhiên, với những ai theo dõi đội bóng này trong một thời gian dài, sự sụp đổ của họ có thể dự đoán được. Đơn giản vì họ đã thấy nó diễn ra quá nhiều lần trước đây.
Giáo sư đã mất hết quyền năng
Có những năm MU, Man City hay Chelsea rất mạnh. Có năm tất cả bọn họ cùng mạnh, hoặc cùng suy yếu. Có năm vật cản là Bayern, Barcelona và có lần là Monaco. Mọi thứ hầu như không quyết định thất bại của Arsenal. Nguyên nhân là từ chính họ. Bất kể đối thủ là ai hay ở trạng thái nào, Pháo thủ vẫn đi theo một kịch bản định sẵn.
Các thất bại của Arsenal ngày một dày thêm |
Quyền lực của Wenger đã suy yếu, dù ông vẫn cố gắng để che đậy sự thật. HLV người Pháp không còn khả năng quản lý và thúc đẩy một nhóm cầu thủ phát triển mạnh trong thời đại đã thay đổi quá nhiều. Bóng đá bây giờ khắc nghiệt hơn và tàn nhẫn hơn.
“Hãy phán xét tôi vào cuối mùa giải”, Wenger nói. Đó là phản ứng nói lên sự bất lực. Liệu có gì thay đổi trong 2 tháng nữa khi Arsenal vừa bị Barcelona thổi bay khỏi Champions League, Watford đá văng khỏi Cúp FA và khoảng cách với Leicester đã là 11 điểm?
Bao nhiêu mùa giải thì đủ cho Wenger? Bao nhiêu thất bại ông mới nhận ra, mình đã hết thời? Bao nhiêu sự thật để HLV người Pháp thôi nói những lời ngụy biện? Niềm đam mê với CLB của ông là hiếm có, nhưng lăng kính màu hồng trên mắt Wenger khiến tầm nhìn của ông ngày càng hạn hẹp.
Wenger đã hết thời |
Cách đây 10 năm khi Arsenal bắt đầu nếm trải thất bại, họ luôn tự nhủ rằng, đội bóng chỉ thiếu một chút để chiến thắng. Nhưng ở thời điểm này, ví dụ như đêm thứ tư tại Nou Camp, tất cả đều hiểu, không còn là một chút, khoảng cách giữa họ là tầng lớp ưu tú nhất châu Âu đã lên cả vài trăm dặm.
Những ông chủ tham lam
Nhìn vào đội ngũ hiện có của Arsenal, thật khó để nói rằng đó là những người có thể lật đổ gã khổng lồ Barcelona. Không ai trong số họ tiến gần đến đẳng cấp của Messi, Suarez, Neymar.
Tuy nhiên, người ta cũng nghi ngờ về tham vọng thực sự của Pháo thủ. Liệu có thật những người có trách nhiệm ở Bắc London thực sự mong muốn lắp ráp một đội hình cho mục tiêu Champions League, hoặc đủ tốt để cạnh tranh với Man City, Chelsea hay MU? 2 bản hợp đồng lớn (Sanchez, Oezil) trong hơn một thập kỷ là quá ít. Và ngay sau khi trót tiêu hoang, họ lại trở về với hình thái rụt rè: Chỉ chi ra 17,4 triệu trong cả chiến dịch 2015/16.
Vẫn biết Wenger không thích bạo chi, nhưng phải thành thực, chính Ban lãnh đạo Arsenal cũng không muốn xuất tiền. Họ đã không bao giờ đặt HLV người Pháp dưới áp lực phải tạo ra đội bóng cạnh tranh, hoặc phải sở hữu một danh hiệu nào đó. Những người như Stan Kroenke, Alisher Usmanov, Farhad Moshiri và Ivan Gazidis hài lòng với dòng tiền chảy về sau mỗi lần khóa sổ tài chính. Mọi thứ khác đều trở nên vô nghĩa.
Arsenal tồn tại để kiếm tiền hay để giành chiến thắng? Họ là một CLB bóng đá hay chỉ đơn thuần là một doanh nghiệp? Không có để đưa ra câu trả lời.
Stan Kroenke và Alisher Usmanov, 2 cổ đông lớn nhất của Arsenal |
Trong cuốn sách “Arsenal: The Making of a Modern Superclub”, Alex Fynn đã tiết lộ, vào năm 2010 Ban lãnh đạo Pháo thủ gần như van nài Wenger ký vào bản gia hạn hợp đồng với mức lương 6 triệu bảng một mùa. HLV người Pháp đã hết khả năng chiến thắng không phải vấn đề với họ. Những ông chủ cần một nhà quản lý thích làm việc với ngân sách nhỏ hẹp và duy trì một vị trí trong tốp 4, vậy là quá đủ.
Wenger có thể ra đi, hoặc nghỉ hưu vào một ngày. Nhưng điều đó sẽ không làm thay đổi vận mệnh Arsenal. Đội bóng này được điều hành bởi những kẻ tham lam và tất nhiên, loại bỏ họ là điều không thể.
HLV người Pháp là công cụ của họ. Đồng thời, cũng là bức bình phong che đậy cho những ham muốn tiền bạc vô độ.