Theo Reuters, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng công bố danh sách tương tự các virus, vi khuẩn đe dọa sức khỏe con người toàn cầu. WHO cho biết nhiễm nấm và khả năng kháng thuốc điều trị ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong lịch sử, chúng ta lại thiếu tập trung vào mối nguy này, tạo ra khoảng trống lớn về kiến thức, cũng như thiếu giám sát, phương pháp điều trị và chẩn đoán.
Theo WHO, thậm chí khó có thể ước tính quy mô của mối đe dọa vì thiếu dữ liệu, đồng thời kêu gọi nỗ lực lớn từ các chính phủ, giới nghiên cứu để tăng cường ứng phó với 19 loại nấm trong danh sách.
Tiến sĩ Hanan Balkhy, Trợ lý Tổng giám đốc WHO về kháng thuốc, cho biết: “Nổi lên từ đại dịch kháng thuốc kháng sinh, các bệnh nhiễm trùng do nấm ngày càng gia tăng và khả năng kháng lại các phương pháp điều trị ngày càng nhiều. Nó trở thành mối quan tâm sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới”.
Nhiễm nấm thường tấn công những người đã bị bệnh nặng, như bệnh nhân ung thư hoặc bệnh lao. Tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 nhập viện tăng vọt trong đại dịch. Dù vậy, chúng ta mới chỉ có 4 cách điều trị cho những người nhiễm nấm và rất ít lựa chọn mới trong tương lai.
Theo WHO, biến đổi khí hậu cũng đồng nghĩa tỷ lệ mắc bệnh và phạm vi địa lý của các mầm bệnh ngày càng mở rộng. Trong khi đó, khả năng kháng thuốc một phần do việc sử dụng quá nhiều thuốc chống nấm trong nông nghiệp.
Danh sách của WHO chia các tác nhân gây bệnh thành 3 loại dựa trên tác động tiềm tàng của chúng và dữ liệu về nguy cơ kháng thuốc: ưu tiên nguy hiểm, cao và trung bình.
Nhóm nguy hiểm bao gồm Candida auris, có khả năng kháng thuốc cao và đã gây ra một số đợt bùng phát ở những bệnh viện trên toàn thế giới. Trong danh sách còn có Cryptococcus neoformans, Aspergillus fumigatus và Candida albicans.
Nhóm nguy cơ cao gồm một số loại nấm khác từ họ Candida, Mucorales (nhóm có chứa các loại nấm gây bệnh mucormycosis hoặc "nấm đen"). Nấm đen là bệnh nhiễm trùng tăng nhanh chóng ở người mắc Covid-19 thể nặng, nhất là ở Ấn Độ.
Nhóm trung bình gồm một số loại nấm khác như Coccidioides spp và Cryptococcus gattii.