“Rất nhiều người sống trong khổ cực khi phải bí mật sử dụng những loại thuốc, hooc-môn bị cấm. Tôi đã chứng kiến họ tuyệt vọng khi bị kỳ thị. Thậm chí, việc xuất trình giấy tờ, hồ sơ xin việc hay đơn giản chỉ là lên máy bay cũng là điều quá khó khăn với người chuyển giới... Tôi đã bật khóc khi cảm nhận được niềm vui của họ khi được pháp luật công nhận".
Đó là tâm sự của PGS. TS Phạm Quỳnh Phương, chuyên gia nghiên cứu về người chuyển giới tại buổi trao đổi chiều 26/11. Nhiều bạn trẻ ở Hà Nội đến đây để thảo luận về vấn đề vốn được xem là nhạy cảm này.
Bạn Lê Ánh Phong - đại diện cộng đồng chuyển giới nữ - bày tỏ vui mừng khi quyền chuyển giới được công nhận tại Việt Nam. Đối với cô, đó là ngày không thể quên trong cuộc đời.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, câu hỏi "luật pháp đã thông hành, xã hội có sẵn sàng chấp nhận người chuyển giới?" vẫn là điều khiến cô gái 25 tuổi băn khoăn.
Ánh Phong may mắn sinh ra trong gia đình chấp nhận giới tính thực của cô. Tuy nhiên, trước khi phẫu thuật chuyển đổi cơ thể, 9X nhiều lần tủi cực khi cố gắng hòa nhập nơi công cộng.
"Mỗi lần bước vào phòng tập Aerobic, hay nhà vệ sinh, mình rất lưỡng lự và khó xử. Dù bản thân sẵn sàng chia sẻ là người chuyển giới, nhưng điều e ngại nhất là chị em có mặt tại đó không thoải mái" - cô tâm sự.
Đề cập góc độ khác, một số bạn trẻ cho biết, việc hợp pháp hóa chuyển đổi giới tính mới chỉ áp dụng với những trường hợp qua phẫu thuật. Trên thực tế, nhiều người mang giới tính trái với bên ngoài và không sẵn sàng phẫu thuật.
Các bạn trẻ trao đổi về chuyển đổi giới tính. Ảnh: Nhật Ánh. |
Nguyễn Ngọc Tú (Tú Lơ Khơ), đại diện cộng đồng chuyển giới nam, là một trong những trường hợp như vậy. Tú sinh ra với giới tính nữ, nhưng lại mang bản dạng giới (giới tính trong tiềm thức) là nam. 9X từng công khai xu hướng giới tính vào tháng 3/2013.
“Điều mình mong muốn nhất bây giờ là có thể chuyển đổi mọi giấy tờ, dù không thể phẫu thuật chuyển giới"– 9X chia sẻ.
Theo anh Lương Thế Huy, Giám đốc Chương trình Quyền LGBT, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), trên thực tế, không phải mọi người chuyển giới đều có nhu cầu phẫu thuật. Ngoài chi phí lớn, việc dao kéo cũng rất nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe sau này...
Cũng theo anh Huy, ở một số nước phương Tây, người đi đăng ký giới tính sẽ được công nhận theo lời khai của họ, dù mang ngoại hình của nam hay nữ.
Trong buổi chia sẻ chiều 26/11, vị giám đốc này hy vọng, trong tương lai, những người chuyển giới không qua phẫu thuật cũng sẽ sớm được pháp luật chấp nhận.
PGS.TS Phạm Quỳnh Phương cho rằng, cần phân biệt rõ giữa người chuyển giới và người đồng tính.
Họ đều là những dị bản do sinh ra không có giới tính rõ ràng. Tuy nhiên, người chuyển giới không thể có tình cảm với những dị bản giống mình. Ngược lại, xu hướng tìm bạn đời của người đồng tính là những đối tượng có cùng đặc điểm, tính cách.
Người chuyển giới (transgender) - hoán tính - là trạng thái tâm lý của người không phù hợp với giới tính của cơ thể. Chẳng hạn, một người sinh ra với cơ thể nam nhưng cảm nhận giới tính mình là nữ hoặc ngược lại. Cảm nhận này không phụ thuộc việc người đó có làm phẫu thuật chuyển đổi giới tính hay không.
LGBT là tên viết tắt của Cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual) và Hoán tính hay còn gọi là Người chuyển giới (Transgender).