Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xa lánh xã hội, giới trẻ Trung Quốc thuê ‘người yêu ảo’ trên mạng

Ra đời từ sự thiếu thốn tình cảm trong xã hội hiện đại, dịch vụ cho thuê “người yêu ảo” đang trở thành một phần trong cuộc sống của nhiều người trẻ Trung Quốc.

Năm 2013, bộ phim Her của đạo diễn Spike Jonze nói về anh chàng hướng nội Theodore đã yêu trợ lý ảo của mình, Samantha.

Được trang bị công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến, Samantha có thể đáp ứng một cách khéo léo và chu đáo các nhu cầu cảm xúc của Theodore theo cách chưa ai từng làm trước đây.

Her là một tác phẩm khoa học viễn tưởng, Samantha tất nhiên cũng không có thật. Tuy nhiên, từ năm 2014, ngành công nghiệp bạn trai/bạn gái ảo bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc.

Thay vì giao tiếp với chiếc máy tính hoặc robot được trang bị trí tuệ nhân tạo như trong Her, người dùng dịch vụ này sẽ được trò chuyện với một giọng nói thật sự - đến từ người làm công việc cung cấp sự quan tâm, hỗ trợ và cảm giác yêu thương bằng lời nói qua mạng.

Được biết tới với tên gọi “người yêu ảo”, dịch vụ “bán” sự ấm áp, niềm vui cho khách hàng qua mạng xã hội xuất hiện trên một số nền tảng thương mại điện tử như Taobao hay diễn đàn Baidu Tieba.

Điều đặc biệt ở dịch vụ này là hai phía đều không trực tiếp gặp mặt nhau. Tùy vào mức độ thoải mái của “người yêu ảo”, hai bên sẽ chọn các phương thức giao tiếp như nhắn tin, trò chuyện qua điện thoại hay gọi video.

Được coi là một trong những dịch vụ ra đời từ sự thiếu thốn tình cảm trong xã hội, Zing.vn trích dịch bài viết trên Sixth Tone về cách những “người yêu ảo” trở thành một phần trong cuộc sống của nhiều người trẻ Trung Quốc.

dich vu nguoi yeu ao anh 1
Dịch vụ "người yêu ảo" nở rộ tại Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone.

"Bán và mua" sự quan tâm

Theo Chris KK Tan, Phó giáo sư ngành Nhân loại học tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), sự bùng nổ của dịch vụ cung cấp tình yêu ảo là do nhiều thanh niên Trung Quốc cảm thấy xa lánh, thất vọng với xã hội và không thể tìm được một mối quan hệ lý tưởng.

Tìm đến dịch vụ “người yêu ảo”, họ có thể trau dồi kỹ năng giao tiếp và khám phá tình yêu có ý nghĩa với bản thân như thế nào một cách an toàn.

Một trong những khách hàng nam mà nhóm của PGS Tan phỏng vấn thuộc tuýp người hướng nội và được cho là có phần lập dị. Anh đang học tại một trường đại học hàng đầu ở Trung Quốc.

Người này hầu như không tương tác với bạn cùng phòng, thuê một cô bạn gái ảo và cho biết điều này đem lại cho anh cảm giác mới mẻ.

Vì chẳng mấy khi nói chuyện với con gái, anh cho rằng “người yêu ảo” có vẻ chân thực và phù hợp với mình hơn, bởi một cô bạn gái thật sự sẽ khó có được “sự chăm chút về mặt cảm xúc” như vậy.

dich vu nguoi yeu ao anh 2
Nhiều người trẻ tìm đến dịch vụ "người yêu ảo" vì không thể tìm được mối quan hệ lý tưởng ở đời thực. Tranh: Rawpixel.

Ở phía bên kia, trở thành “người yêu ảo” cũng là công việc được ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn, phần lớn là nữ giới trong độ tuổi 20.

Theo nghiên cứu của PGS Tan và cộng sự, phần lớn “người yêu ảo” coi đây là một công việc bán thời gian trong khi học đại học hoặc “kiếm thêm” ngoài giờ làm hành chính.

Năm 2018, nếu được khách hàng đánh giá cao, một "người yêu ảo" có thể nhận được 2.000 nhân dân tệ (khoảng 290 USD)/tháng chỉ với trung bình một giờ làm việc mỗi ngày.

Tuy nhiên, công việc này không chỉ đơn giản là nhắn tin hoặc trò chuyện vài câu rập khuôn. Để chiều ý khách hàng, “người yêu ảo” có thể sắm vai nhiều kiểu người khác nhau trong khi trò chuyện, từ “cô hàng xóm nhà bên”, anh chàng “tiểu thịt tươi” cho đến ông chủ nghiêm khắc.

Ví dụ, một khách hàng nữ có thể yêu cầu “người yêu ảo” của mình đóng vai “ông chú nhà bên”: chào cô vào buổi sáng, nhắc nhở cô ăn trưa, nghe cô phàn nàn về những vấn đề ở trường học hay chúc ngủ ngon vào buổi tối.

Làm "người yêu ảo" không dễ

Trở thành một “người yêu ảo” không chỉ cần biết cách trò chuyện. Trong nhiều bài đăng tuyển dụng trên Taobao hoặc Baidu Tieba, những yêu cầu được các nhà tuyển dụng liệt kê gồm: có nhiều thời gian rảnh (lý tưởng là sinh viên đại học hoặc người làm hành chính), kỹ năng nói chuyện tốt (bao gồm giọng nói diễn cảm, kiên nhẫn, có khả năng tìm chủ đề trò chuyện và biết “nhập vai”), tác phong chuyên nghiệp và từng có trải nghiệm lãng mạn.

Sau đó, các ứng viên trình bày sở thích, kỹ năng của bản thân với nhà tuyển dụng để thảo luận, sắp xếp với nhóm khách hàng phù hợp. Bên cạnh đó, tính cách của ứng viên, có sẵn sàng làm việc với khách hàng đồng giới hay không và các loại dịch vụ có thể thực hiện như nhắn tin, gọi điện thoại hay gọi video cũng được cân nhắc.

Ở một số nơi, người ứng tuyển còn phải trải qua vòng phỏng vấn hay tham gia các khóa đào tạo tính phí.

Theo một “huấn luyện viên”, để duy trì trải nghiệm tốt, một “người yêu ảo” không thể có quá nhiều khách hàng một lúc. Khi khách hàng không còn gì để nói, “người yêu ảo” phải nhanh chóng dẫn dắt sang chủ đề mới. Nhân viên phải luôn có thái độ tốt, nắm bắt được “vai” mình đang thể hiện và hồi đáp câu hỏi đủ nhanh.

“Khi khách hàng muốn xưng hô gần gũi, tôi sẽ gọi họ là ‘bảo bối’ hay ‘em yêu’, nghe có vẻ sến nhưng họ khá thích.

Tuy nhiên, nếu được yêu cầu đóng vai cụ thể, ‘người yêu ảo’ có thể tùy ý ứng biến. Ví dụ, nếu là một ông chủ khó tính, họ có thể bắt đầu như: ‘Này, còn chưa làm việc hả’, còn một ông chú hàng xóm gần gũi sẽ nói: ‘Chào cô bé, chú đây’”, huấn luyện viên này nói.

dich vu nguoi yeu ao anh 3
Làm công việc "người yêu ảo" cần sự kiên nhẫn, biết cách nói chuyện và tâm lý. Tranh: Vecteezy.

Dù có mức thu nhập hấp dẫn, công việc “bán” sự quan tâm này có thể khiến những “người yêu ảo” cạn kiệt cảm xúc.

Theo nhà xã hội học người Mỹ Erving Goffman, dù luyện tập tốt tới đâu, “người yêu ảo” cũng sẽ có lúc vô tình thể hiện tính cách thật của mình trước khách hàng.

“Những câu trả lời được chuẩn bị sẵn sẽ không bao giờ tốt bằng lời nói từ con tim. Cũng vì lời có cánh được nói ra quá dễ dàng, dần dần chính đời sống tình cảm thực sự của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng”, một “người yêu ảo” nói.

Không chỉ vậy, những người làm công việc này rất dễ bị lợi dụng và bóc lột. Họ chỉ được nhận khoảng 50% số tiền khách hàng trả cho dịch vụ này.

Khi những “người yêu ảo” cảm thấy mệt mỏi, thất vọng hoặc kiệt sức về mặt tinh thần, họ thường chọn cách nghỉ việc.

“Giống như khi bạn chơi trò chơi trên máy tính vậy, khi hết năng lượng, bạn cần có thời gian để phục hồi”, một “người yêu ảo” cho hay.

Với những người muốn trụ lại và thành công trong ngành, họ phải liên tục tự rút kinh nghiệm, trang bị kiến thức cho bản thân để đáp ứng được yêu cầu của nhiều kiểu khách hàng.

Thế hệ Z ở Mỹ làm đám cưới: Cha mẹ không cần bỏ tiền, cứ để con tự lo

Thay vì trông chờ vào các bậc phụ huynh, nhiều người Mỹ thuộc thế hệ Z cho biết họ muốn tự bỏ tiền tổ chức đám cưới trong tương lai.


Mai An

Bạn có thể quan tâm