Ngày 6/5, sau hơn 30 năm được cho là mất tích khi bị tàn quân Pôn Pốt phục kích, người lính Hoàng Văn Dùng (62 tuổi, quê ở xã Tiên Cường, Tiên Lãng, Hải Phòng) đã được đồng đội và gia đình tìm thấy, đưa trở về quê hương. Trong tình trạng trí lực không minh mẫn, ông Dùng thi thoảng chợt nhận ra đồng đội, người thân.
Cụ Nguyễn Thị Cảnh (86 tuổi, mẹ đẻ của ông Dùng) xác nhận người trở về chính là con trai cụ, bởi có vết sẹo lõm ở phần bên trái cổ. Cụ Cảnh lý giải năm ông Dùng 12 tuổi, đang học lớp 7, đã từng nghịch bom và bị thương ở cổ, để lại vết sẹo lõm, ẩn sâu.
Ngay thời điểm ông Dùng được đưa về quê hương, cơ quan chức năng xã Tiên Cường, huyện Tiên Lãng, đã cử cán bộ xuống để cùng thăm hỏi, ghi nhận thông thông tin ban đầu về vụ việc.
Gặp lại bố mẹ, ông Dùng ngơ ngác, chợt nhớ chợt quên. Ảnh: Tùng Chi. |
Mất tích sau trận địch tập kích
Theo ông Vũ Đức Hân (62 tuổi, quê gốc Tiên Lãng, nguyên cán bộ cục Hải quan TP.HCM, thương binh hạng 1/4), ông Hân nhập ngũ cùng ngày 17/5/1974 với ông Dùng và là người sát cánh chiến đấu suốt giai đoạn 1974-1986 (tại đơn vị B2, đại đội 18, trung đoàn 141, sư đoàn 7, quân đoàn 4).
Sau giải phóng miền Nam, đơn vị B2 nhận lệnh tham gia chiến đấu ở Campuchia. Nửa đêm một ngày tháng 1/1986, khi đang trên đường di chuyển đến điểm tập kết để chuẩn bị cho một trận đánh lớn, cả đại đội 18 bị địch phục kích.
“Đêm hôm ấy, tôi và anh Dùng cùng ở một điểm chốt. Lúc đó, anh Dùng đang có biểu hiện sốt rét. Địch tập kích bất ngờ, cả đại đội bị chia cắt, không giữ được đội hình. Hai ngày sau, đơn vị tập kết lại được, lúc này chúng tôi xác định một số đồng chí hy sinh, còn anh Dùng thì không tìm thấy xác, không có thông tin gì", ông Hân nhớ lại.
Ông Dùng thời điểm mới nhập ngũ. Ảnh: Gia đình cung cấp. |
Canh cánh nỗi lo đồng đội còn nằm bên đất bạn Campuchia, ông Hân cùng đồng đội đã ba lần trở lại vị trí bị địch phục kích năm xưa để tìm mộ.
Lần thứ 3 vào khoảng năm 2014, ông Hân và đồng đội tìm được một ngôi mộ vô danh ở vị trí từng bị địch tập kích, mọi người đinh ninh đó là mộ phần của ông Dùng. Ông Hân cùng đồng đội, đại diện gia đình ông Dùng đã bốc mộ, đưa hài cốt về chôn tại nghĩa trang ở Tây Ninh, chờ các cơ quan chức năng xét duyệt, xác định ADN để làm thủ tục phong liệt sĩ cho ông Dùng.
Bất ngờ, một cuộc điện thoại từ miền Nam gọi vào số máy của UBND huyện Tiên Lãng, với những thông tin mơ hồ đã trở thành manh mối để tìm được người lính mất tích hơn 30 năm nay.
“Nếu theo đúng kế hoạch thì có thể trong năm nay, thủ tục phong liệt sĩ cho anh Dùng sẽ được cơ quan chức năng huyện Tiên Lãng hoàn tất. Nhưng ngay khi có thông tin anh Dùng còn sống, tôi đã báo cáo lại chính quyền địa phương, tạm dừng để xác định lại”, ông Hân chia sẻ.
Cú điện thoại bí ẩn
Trước Tết Nguyên đán năm 2017, Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng nhận được cuộc gọi vào số máy bàn với nội dung: “Tôi là Hoàng Thanh Tùng, quê ở Tiên Lãng…”. Người tự xưng là Tùng mô tả về căn nhà từng sinh sống ở Tiên Lãng và một số thông tin mập mờ khác.
Cán bộ tiếp nhận cuộc gọi ấy tình cờ lại là cháu họ của ông Hoàng Văn Dùng. Nghe những thông tin từ cuộc gọi, linh cảm có nhiều điểm trùng hợp với thông tin về ông chú đang biệt tích nhiều năm, người cháu này đã thông báo tin tức đến gia đình và cùng vào cuộc tìm kiếm.
Ông Hân (đồng đội cũ của ông Dùng) nói về quá trình tìm kiếm đồng đội. Ảnh: Tùng Chi. |
“Chúng tôi đã phải nhờ đến cơ quan công an, định vị và xác định được số điện thoại bí ẩn đó là của một người đang sinh sống tại Bình Dương. Kết hợp với những thông tin mà đồng đội anh Dùng biết, chúng tôi đã tìm thấy anh Dùng đang sinh sống cùng vợ con ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, với cái tên Hoàng Thanh Tùng. Tuy nhiên, anh Dùng không còn được minh mẫn, lúc nhớ lúc quên ký ức về đồng đội, về gia đình", ông Trần Văn Hoan, anh họ bên đằng mẹ của ông Dùng thông tin.
Người gọi cú điện thoại là anh Hoàng Minh Hải (36 tuổi, con riêng của vợ ông Dùng). Anh Hải cho biết trong một cuộc nhậu với bạn bè, anh Hải đã nói với bạn rằng anh cũng là người gốc Bắc. Để chứng minh, anh Hải đã thực hiện cuộc gọi tới UBND huyện Tiên Lãng như nêu trên.
Những ngày thất lạc đồng đội, người thân
Khi tìm được ông Dùng còn sống, đồng đội và người thân của ông Dùng đã làm rõ những ngày người lính này biệt tích.
Theo đó, sau trận bị địch tập kích, ông Dùng lên cơn sốt rét thập tử nhất sinh trong rừng sâu, không thể tìm lại đơn vị. Một phụ nữ tên Nguyễn Thị Sê (hơn ông Dùng 18 tuổi) đã tìm thấy ông Dùng trong tình trạng đói rách, bệnh nặng. Bà Sê đã đưa ông Dùng về nhà chăm sóc.
Khi khỏi bệnh, ông Dùng không còn tỉnh táo, ông lúc nhớ lúc quên quá khứ. Ông cho rằng tên ông là Hoàng Thanh Tùng và đã làm giấy chứng minh nhân dân theo tên này, tại nơi ông đang sinh sống.
Ông Dùng bên người vợ hơn 18 tuổi ở hiện tại. Ảnh: Tùng Chi. |
Ông Dùng ở lại sinh sống với bà Sê như vợ chồng nhưng không sinh con và trở thành cha của hai người con riêng bà Sê. Cả hai người con ấy đều mang họ Hoàng của ông.
Trong suốt quá trình sinh sống cùng mẹ con bà Sê, đôi lúc ông Dùng chợt tỉnh táo, kể chuyện về quê hương với vợ con.
“Cha tôi ít nói, khi nhớ ra có kể quê ông ở Tiên Lãng, Hải Phòng, gần đường 10, ngôi nhà cách một cái ao sẽ đến nhà cậu Cán…Thường ngày, cha ở nhà làm việc lặt vặt chứ sức khỏe ông ấy yếu lắm. Chúng tôi lo kiếm cái ăn nên phải đi làm xa, lâu lâu mới về”, anh Hoàng Minh Hải (36 tuổi, con riêng bà Sê) kể về cuộc sống của gia đình.
UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã có báo cáo về trường hợp ông Hoàng Văn Dùng (sinh năm 1955 trú tại thôn Đại Công, xã Tiên Cường, huyện Tiên Lãng) tham gia nhập ngũ trong quân đội thuộc diện mất tin, mất tích trong chiến tranh, nay trở về địa phương.
“Chúng tôi sẽ làm theo đúng trình tự, thủ tục quy định để thẩm định thông tin trước khi thực hiện các chế độ chính sách cho người có công, đảm bảo quyền lợi đúng người, đúng công trạng”, thượng tá Ngô Xuân Khiên, Trưởng ban chỉ huy quân sự huyện Tiên Lãng, Hải Phòng xác nhận.